Xung đột Israel - Hamas và cuộc chiến vì sự thật

Mạng xã hội đã được vũ khí hóa trong cuộc xung đột Israel - Hamas, do nó là nơi đang lan truyền nhiều thông tin sai lệch có thể châm ngòi cho chiến sự leo thang.

Sau khi xung đột Israel - Hamas bùng nổ vào ngày 7/10, trên mạng xã hội lan truyền đoạn video ghi lại cảnh được cho là trẻ em Israel bị nhốt trong lồng sắt để giữ làm con tin. Những hình này nhanh chóng gây sốc và phẫn nộ, đặc biệt khi video đi kèm tuyên bố rằng những đứa trẻ này đang bị phiến quân Hamas giam giữ.

Tuy nhiên phía dưới phần bình luận, một số người lại khẳng định ngược lại. Họ cho rằng những đứa trẻ này là trẻ em Palestine bị Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) bắt giữ để trả đũa cho cuộc tấn công ngày 7/10 của Hamas.

Vậy đâu mới là sự thật? Chúng ta có thể tin tưởng bên nào?

Đoạn video tung tin giả rằng những đứa trẻ bị nhốt trong lồng là trẻ em Israel bị phiến quân Hamas bắt làm con tin.

Từ Lionel Messi, siêu mẫu Bella Hadid đến những đứa trẻ bình thường

Đoạn video này chỉ là một trong vô số những câu chuyện, cáo buộc và hình ảnh giả mạo lan truyền trên mạng xã hội và cả trên một số trang tin báo chí quốc tế sau cuộc tấn công ngày 7/10.

Những người nổi tiếng toàn thế giới cũng bị cuốn vào cuộc xung đột. Mạng xã hội đã lan truyền những bức ảnh siêu sao bóng đá Lionel Messi cầm cờ Israel và Palestine, đi kèm với đó là chú thích anh tuyên bố ủng hộ Israel (hoặc Palestine) trong cuộc xung đột.

Hay siêu mẫu Bella Hadid, có cha là người Palestine, có thực sự đã phát biểu rằng cô đứng về phía Israel chống lại sự khủng bố của Hamas? Hay đây thực chất là thông tin giả mạo được tạo bởi deepfake?

Một phương tiện truyền thông cũng xuất hiện hình ảnh lính Mỹ trực tiếp tham chiến trên mặt đất ở Gaza. Nhưng sự thật không phải vậy.

Những hình ảnh được chỉnh sửa về siêu sao bóng đá Lionel Messi cầm cờ Israel và Palestine đã được lan truyền trên mạng.

Khi xung đột bùng nổ ở Gaza và lan sang Trung Đông rộng lớn, cũng là lúc sự thật bị che lấp bởi một làn sóng thông tin sai lệch gây ra nhiều hậu quả nguy hiểm, dấy lên lo ngại về việc châm ngòi chiến sự leo thang, khiến mâu thuẫn lan rộng trên khắp thế giới.

Giữa vô vàn luồng thông tin chưa được xác minh, chúng ta có thể tin tưởng bên nào? Hay chúng ta chỉ đơn giản chọn những mẩu tin hay câu chuyện mình muốn tin?

Cuộc chiến vì sự thật vẫn có thể thắng. Hãng tin CNA đã tìm đến Tiến sĩ Jolene Jerard, Giám đốc điều hành của Centinel Global để xác minh đoạn video những đứa trẻ bị nhốt trong lồng.

Những đứa trẻ bị nhốt trong lồng đó là người Israel hay người Palestine? Tiến sĩ Jerard đã thực hiện kỹ thuật phân tích hình ảnh ngược bằng cách cắt một bức ảnh từ video và so sánh nó với các hình ảnh khác trên internet để tìm ra thời điểm video được đăng lần đầu tiên.

Kết quả cho thấy đoạn video đã được đăng tải 3 ngày trước ngày 7/10 trên nền tảng TikTok. Chủ tài khoản TikTok, nói bằng tiếng Ả Rập, đã sớm cho biết trên TikTok rằng những đứa trẻ là thành viên trong gia đình của anh. Chúng không liên quan gì đến Hamas hay IDF.

Một tin đồn sai lệch khác cho rằng sau cuộc tấn công của Hamas, Israel sẽ bị tàn phá bởi bão và lũ lụt theo Kinh thánh. Các nguồn tin tức uy tín hơn cũng đều đưa tin kèm video rằng kế hoạch trả đũa và tiêu diệt Hamas của Israel bị trì hoãn do thời tiết xấu.

Song, tất cả đều là bịa đặt. Phân tích các video cho thấy những cơn bão và hiện tượng thời tiết bất thường thực tế được quay ở Thổ Nhĩ Kỳ, Nepal và Ấn Độ. Phần lớn người xem video này không có thời gian xem xét kỹ lưỡng nguồn gốc của nó.

Còn về những bức ảnh của Lionel Messi mà anh ấy dường như ủng hộ cả Israel và Palestine? Tìm kiếm nguồn ảnh của Messi cho thấy những bức ảnh gốc đã được chụp từ rất lâu trước ngày 7/10 bởi Icons, một công ty bán sản phẩm bóng đá và không liên quan gì đến Israel hay Palestine.

Nhức nhối vấn nạn tin giả deepfake và AI

Trên mạng xã hội từng xuất hiện hashtag #pallywood (ghép từ Hollywood và Palestine) với các video cáo buộc rằng Hamas đang sử dụng các diễn viên người Palestine để dàn dựng các hình ảnh về thương vong, ngụ ý rằng những câu chuyện về sự đau khổ của người Palestine là bịa đặt hoặc phóng đại.

Cố vấn an ninh Singapore, Shashi Jayakumar, phát hiện một video dàn dựng thực chất đã có từ năm 2013 và được quay ở Ai Cập. Các video khác sử dụng hashtag #pallywood cho thấy cảnh trẻ em đang nghỉ ngơi sau khi giả chết, trong đó có một video được quay ở Thái Lan trong dịp Halloween. Có nhiều video khác ám chỉ rằng nỗi đau khổ của người Palestine là giả tạo.

Đáng lo ngại hơn là khi các video giả mạo được tạo ra bởi phần mềm trò chơi điện tử có độ phức tạp cao. Công nghệ trò chơi đã được sử dụng để làm giả hình ảnh các máy bay chiến đấu của Iran tấn công tàu Israel. Đoạn video này sau đó được tải lên YouTube. Công nghệ tương tự đã được sử dụng để dựng nên câu chuyện về những người lính Mỹ trực tiếp tham chiến ở Gaza.

Lợi dụng sự khó khăn trong việc phân biệt cảnh quay thực và trò chơi chiến tranh, công nghệ này đã tạo ra những đoạn video giả mạo đầy thuyết phục.

Một vấn đề phức tạp khác là mối đe dọa của trí tuệ nhân tạo (AI) khi nó bị lạm dụng để thao túng truyền thông. Trước đó, mạng xã hội xôn xao với đoạn video siêu mẫu Bella Hadid phát biểu về thảm kịch ngày 7/10. Xem đoạn video, có thể thấy cô ấy đã nói "Tôi sát cánh cùng Israel chống lại nạn khủng bố". Tuyên bố đầy nhiệt huyết của cô được cho là đã gây ấn tượng mạnh vì gia đình cô là người Palestine.

Tuy nhiên, sự thật là Hadid không hề nói những điều như vậy. Có người đã sử dụng công nghệ deepfake và chỉnh sửa bài phát biểu của Hadid từ năm 2016 về việc lớn lên với bệnh Lyme. Còn nhiều ví dụ khác về việc lợi dụng công nghệ để thao túng truyền thông và đưa thông tin sai lệch.

Đôi khi những hành vi ác ý này không chỉ gây khó chịu cho cá nhân người bị nhắm đến, mà còn châm ngòi cho chiến sự khi xung đột tiếp tục tàn phá các cộng đồng và quốc gia.

Từ lâu, tin giả đã là một vấn nạn nhức nhối. Nhưng đến nay, nó thậm chí trở thành loại vũ khí mới có uy lực mạnh mẽ với khả năng lan truyền vòng quanh thế giới bằng tốc độ ánh sáng, thuyết phục hàng triệu người về những "sự thật" không đúng sự thật, những lời dối trá có thể gây ra hậu quả khôn lường.

Hoài Phương (theo CNA, CNN)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/xung-dot-israel--hamas-va-cuoc-chien-vi-su-that-post283646.html