Xuất khẩu thủy sản năm 2012: Mục tiêu và thách thức

Mục tiêu mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đặt ra cho năm 2012 là cả nước phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 6,5 tỷ USD. Tuy nhiên, vẫn có nhiều khó khăn, thách thức mà ngành thủy sản phải vượt qua để đạt được mục tiêu này.

Mục tiêu mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đặt ra cho năm 2012 là cả nước phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 6,5 tỷ USD. Tuy nhiên, vẫn có nhiều khó khăn, thách thức mà ngành thủy sản phải vượt qua để đạt được mục tiêu này.

Ngành thủy sản đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 6,5 tỷ USD

Triển vọng mới

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, với con số xuất khẩu đạt trên 6 tỷ USD, có thể khẳng định, thủy sản năm 2011 được mùa, được giá. Đây cũng là năm đầu tiên nước ta thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản giai đoạn 2011 - 2020, do vậy con số trên báo hiệu những triển vọng mới của ngành thủy sản.

Bước sang tháng đầu tiên của năm 2012, xuất khẩu thủy sản tiếp tục có những bứt phá mới. Ngay từ những ngày đầu năm, nhiều doanh nghiệp thủy sản đã bắt tay thực hiện các hợp đồng xuất khẩu mới. Nhờ đó, xuất khẩu thủy sản tháng 1-2012 tiếp tục tăng, đặc biệt là với một số mặt hàng thủy sản chính như: tôm và cá tra, kết thúc tháng 1-2012, xuất khẩu cá tra đạt 160 triệu USD, tăng gần 16% so với cùng kỳ năm 2011.

Tăng trưởng xuất khẩu thủy sản được thể hiện ở tất cả các thị trường tiêu thụ lớn, điển hình như Mỹ, Đức, Nhật... Hiện, lượng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản đang tăng trưởng mạnh, năm 2011, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Nhật tăng 37%. Kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ cũng liên tục tăng 20%/năm trong 3 năm trở lại đây, theo Bộ NN&PTNT, nếu vẫn giữ nguyên mức tăng này thì tới năm 2015, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ sẽ đạt khoảng 30 tỷ USD/năm.

Vẫn còn nhiều thách thức

Mục tiêu của ngành thủy sản vẫn đang gặp không ít những khó khăn, thách thức lớn, đó là chất lượng con giống thấp, điển hình là giống cá tra, tôm nước lợ, tỷ lệ sống rất thấp. Lượng con giống qua kiểm dịch chưa cao, đặc biệt là tôm giống, tôm bố mẹ hoàn toàn phụ thuộc vào khai thác tự nhiên và chất lượng chưa được chọn lọc đồng đều.

Bên cạnh đó, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong nuôi trồng thủy sản đang gây ra thiệt hại lớn đối với nuôi trồng, lượng thức ăn phục vụ nuôi trồng thủy sản của nước ta vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, giá cả bấp bênh… đã có ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả nuôi trồng thủy sản. Hiện các mặt hàng thủy sản Việt Nam cũng chịu sự cạnh tranh lớn từ các nước trên thế giới. Do đó, việc bảo đảm về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và năng lực cạnh tranh cao là yêu cầu cấp thiết đặt ra đối với ngành thủy sản.

Trong thời gian qua, không ít lô hàng thủy sản của Việt Nam đã bị cảnh báo từ các nước nhập khẩu do chất lượng chưa bảo đảm, nhất là về lượng thuốc tồn dư kháng sinh trong sản phẩm thủy sản. Điều này đang đặt Việt Nam trước nguy cơ bị mất đi nhiều thị trường lớn trên thế giới, đặc biệt là Mỹ, Nhật và EU…

Mới đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã có buổi gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp thủy sản xung quanh nhiều khó khăn, vướng mắc trong xuất khẩu thủy sản hiện nay. Hầu hết các doanh nghiệp đều cho rằng, năm 2012 là năm rất khó khăn của ngành thủy sản. Các doanh nghiệp đang phải đối mặt với các thách thức lớn về thiếu nguyên liệu, chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, khả năng cạnh tranh suy giảm… Bên cạnh đó, những khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng, giá thành sản xuất tăng, nguyên liệu đầu vào tăng đang trở thành nỗi lo thường trực đối với các doanh nghiệp thủy sản hiện nay.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh việc kiểm soát chất lượng sản phẩm, đặc biệt là cần thay đổi cách tiếp cận kiểm soát an toàn thực phẩm phù hợp với Luật An toàn thực phẩm, thông lệ quốc tế, thay đổi cách kiểm soát kháng sinh và các yếu tố rủi ro an toàn thực phẩm theo hướng kiểm soát đầu nguồn thay vì kiểm tra lô hàng như hiện nay...

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, trong năm 2012, Bộ NN&PTNT sẽ triển khai mạnh hơn việc kiểm soát chất lượng theo chuỗi giá trị thủy sản để góp phần giảm bớt các khó khăn cho doanh nghiệp. Nhưng hiện có những thị trường như Nhật Bản, Canada, nếu chúng ta không làm ngặt thì sẽ có nguy cơ bị mất. Vì thế, không thể vì một số doanh nghiệp có thể nhẹ nhàng hơn trong việc kiểm tra chất lượng mà cả nước lại bị mất đi những thị trường này.

Giải pháp đồng bộ

Năm 2012 được dự báo là năm khó khăn, nhưng các chuyên gia cho rằng vẫn còn nhiều cơ hội đối với xuất khẩu thủy sản. Bởi lẽ, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm này trên thế giới rất cao, đặc biệt là mặt hàng cá tra đang rất được ưa chuộng trên thế giới. Theo đó, trong năm 2012, ngành thủy sản dự kiến xuất khẩu đạt 6,5 tỉ USD, tăng 20 - 25% so với 2011, trong đó cá tra phấn đấu đạt 2 tỉ USD, tôm phấn đấu xuất khẩu đạt 2,5 tỷ USD.

Trong năm 2012, ngành thủy sản đã xác định sẽ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó tiếp tục tập trung vào những đối tượng có lợi thế cạnh tranh cao nhất. Cùng với đó, ngành sẽ tiếp tục tăng diện tích nuôi thủy sản nước mặn, lợ, cơ bản giữ ổn định diện tích nuôi nước ngọt. Đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra và xây dựng mới các tiêu chuẩn, quy chuẩn ngành… Đặc biệt, ngành sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chính sách hỗ trợ ngư dân, người nuôi thủy sản. Ngoài ra, ngành sẽ rà soát lại danh mục các loại hóa chất sử dụng trong sản xuất nuôi trồng, khai thác thủy sản và có văn bản cấm sử dụng các chất gây ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và xuất khẩu.

Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường cũng là một trong những giải pháp để ngành thủy sản bứt phá trong năm 2012. Cụ thể, với nhu cầu tiêu thụ cao, khả năng thanh toán tốt và có lợi thế về vị trí địa lý, những thị trường tiềm năng ở châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ... sẽ là mục tiêu chính cho doanh nghiệp thủy sản trong nước gia tăng mãi lực kinh doanh. Ngoài ra, sẽ tiếp tục được chú trọng một số thị trường khác như Nam Mỹ, Trung Đông...

Bảo Nam

Nguồn Công Lý: http://congly.com.vn/xuat-khau-thuy-san-nam-2012-muc-tieu-va-thach-thuc-c1039n20120308184107281p0.htm