Xuất khẩu quốc phòng của Ấn Độ đạt mức kỷ lục, vượt mốc 2,5 tỷ USD

Những mặt hàng đóng góp chính cho danh mục xuất khẩu quốc phòng của Ấn Độ gồm đồ bảo hộ cá nhân, phương tiện tuần tra ngoài khơi, trực thăng ALH, máy bay chiến đấu hạng nhẹ Tejas.

Trực thăng ALH. (Nguồn: scramble)

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh ngày 1/4 thông báo xuất khẩu quốc phòng của nước này đã tăng lên mức kỷ lục khi vượt mốc 2,5 tỷ USD trong lịch sử kể từ khi Ấn Độ giành được độc lập.

Trên mạng xã hội X, Bộ trưởng Singh viết: “Xuất khẩu quốc phòng của Ấn Độ đã vượt mức 2,5 tỷ USD trong năm tài chính 2023-2024, tăng 32,5% so với tài khóa trước đó."

Theo Bộ trưởng Singh, sức tăng trưởng ngoạn mục này phản ánh những nỗ lực phối hợp và sáng kiến chiến lược do Bộ Quốc phòng Ấn Độ thực hiện, đặc biệt là dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Narendra Modi, nhằm tăng cường khả năng sản xuất quốc phòng của đất nước Nam Á và thúc đẩy sản xuất quốc phòng trong nước.

Câu chuyện thành công trong lĩnh vực xuất khẩu quốc phòng của Ấn Độ phần lớn nhờ vào nỗ lực tập thể của khoảng 100 doanh nghiệp nước này, trải dài cả khu vực công và tư nhân.

Các công ty của Ấn Độ đã thể hiện sự đổi mới, hiệu quả và tiêu chuẩn chất lượng đáng khen ngợi, qua đó nâng cao danh tiếng của quốc gia Nam Á là một nhà cung cấp thiết bị và công nghệ quốc phòng đáng tin cậy.

Những mặt hàng đóng góp chính cho danh mục xuất khẩu quốc phòng của Ấn Độ gồm đồ bảo hộ cá nhân, phương tiện tuần tra ngoài khơi, trực thăng ALH, máy bay chiến đấu hạng nhẹ Tejas, hệ thống điện tử hàng không SU, hệ thống giám sát ven biển, các linh kiện cơ khí kỹ thuật hạng nhẹ…

Máy bay chiến đấu hạng nhẹ Tejas. (Nguồn: Getty Images)

Những công nghệ và thiết bị quốc phòng tiên tiến nêu trên đã thu hút được sự quan tâm đáng kể từ các khách hàng quốc tế, nâng cao hơn nữa vị thế của Ấn Độ với tư cách là nhà xuất khẩu khí tài quốc phòng hàng đầu.

Xuất khẩu quốc phòng của Ấn Độ trải rộng trên 84 quốc gia và khu vực trên toàn thế giới như Italy, Maldives, Sri Lanka, Nga, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Ba Lan, Philippines, Saudi Arabia, Ai Cập, Israel, Tây Ban Nha, Chile…

Cách tiếp cận toàn cầu này nhấn mạnh nhu cầu gia tăng đối với các sản phẩm quốc phòng của New Delhi và sự công nhận ngày càng lớn về khả năng của Ấn Độ trong việc đáp ứng nhu cầu an ninh ngày càng lớn của các nước trên thế giới.

Tuy nhiên, Ấn Độ không chỉ là nước xuất khẩu quốc phòng đạt mức kỷ lục mà còn là nước nhập khẩu vũ khí hàng đầu thế giới.

Báo cáo của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) cho thấy, trong giai đoạn 2019-2023, Ấn Độ vẫn là nước nhập khẩu vũ khí hàng đầu thế giới, chiếm 9,8% doanh số bán vũ khí toàn cầu.

Cũng theo báo cáo của SIPRI, Nga tiếp tục là nhà cung cấp vũ khí chính của Ấn Độ - chiếm 36% lượng nhập khẩu vũ khí của New Delhi, mặc dù thị phần tổng thể của nước này đã giảm do Ấn Độ ngày càng phụ thuộc vào các nước phương Tây và các nhà cung cấp bản địa; tiếp theo là Pháp (33%), Mỹ (13%), Saudi Arabia (8,4%), Qatar (7,6%), Ukraine (4,9%), Pakistan (4,3%), Nhật Bản (4,1%), Ai Cập (4%), Australia ( 3,7%), Hàn Quốc (3,1%) và Trung Quốc (2,9%).

Các xe tăng tham gia cuộc diễu hành nhân kỷ niệm 74 năm Ngày Cộng hòa tại thủ đô New Delhi, Ấn Độ ngày 26/1/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trước đó, nhập khẩu vũ khí của Ấn Độ chiếm 11% doanh số bán vũ khí toàn cầu trong giai đoạn 2018-2022. Con số này đã giảm nhẹ xuống còn 9,8% trong giai đoạn 2019-2023.

Đáng chú ý, bất chấp nỗ lực của Chính phủ Thủ tướng Narendra Modi trong việc xây dựng cơ sở công nghiệp quốc phòng vững mạnh, Ấn Độ vẫn không nằm trong số 25 quốc gia xuất khẩu vũ khí hàng đầu./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/xuat-khau-quoc-phong-cua-an-do-dat-muc-ky-luc-vuot-moc-25-ty-usd-post937740.vnp