Xuất khẩu nông lâm thủy sản: Những dự cảm lạc quan

Dù gặp không ít khó khăn trong năm 2013, song nhiều lĩnh vực xuất khẩu nông lâm thủy sản vẫn cán đích khi đạt kim ngạch gần 27,5 tỷ USD, tăng 0,7% so với năm 2012. Giới chuyên gia dự báo, các mặt hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu vẫn tiếp tục là thế mạnh của nền kinh tế trong năm 2014 này.

Nhiều khó khăn đang ở phía trước đối với các mặt hàng nông, thủy sản,

song đây vẫn là lĩnh vực được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng năm 2014

Nhiều ngành hàng mũi nhọn: Khó chồng khó

Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Chile đã chính thức có hiệu lực từ đầu tháng 2-2014, cho phép 73,7% tổng xuất khẩu của Chile sang Việt Nam được miễn hoàn toàn thuế nhập khẩu. Phần còn lại sẽ được dỡ bỏ trong lộ trình từ 5 đến 15 năm. Đây là tin vui cho các DN Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa sang Chile trong thời gian tới.

Năm 2013, người ta chứng kiến sự lung lay của "bệ đỡ” nền kinh tế, khi mà hàng loạt các ngành hàng thuộc kinh tế nông nghiệp liên tục vấp phải trở ngại. Trước tiên phải kể đến xuất khẩu gạo. Trong năm 2013, không dưới một lần Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã buộc phải điều chỉnh mục tiêu xuất khẩu gạo theo xu hướng giảm. Có nhiều lý do khiến VFA nhiều lần buộc phải hạ mục tiêu xuất khẩu gạo trong năm 2013, song một trong những lý do đáng lưu ý là do gạo xuất khẩu qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc ồ ạt đến mức chúng ta thiếu gạo cho các đơn đặt hàng xuất qua đường chính ngạch.

Là sản phẩm luôn được kỳ vọng là lĩnh vực xuất khẩu trọng yếu của Việt Nam, song con cá tra đã liên tục gặp khó trong năm 2013 vì tình trạng thiếu nguyên liệu. Và ngay đầu năm 2014 này, cá tra vẫn đang tiếp tục gặp khó khăn khi bị vướng vào một trong các điều lệ nghiêm ngặt của Dự luật Nông trại Hoa Kỳ. Thêm vào đó, mới đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) đã có động thái cảnh báo về tình trạng các DN xuất khẩu cá tra sử dụng chất phụ gia E500/E501 trong chế biến cá tra phi - lê khi bán hàng sang các nước EU.

Hàng loạt những tin không lành đến với cá tra xuất khẩu của Việt Nam. Trong khi đó, những thống kê từ phía Bộ Công thương cho thấy, ngay trong tháng 1 này, kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng thuộc lĩnh vực nông lâm thủy sản đã giảm đáng kể. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 1 ước đạt 1,51 tỷ USD, giảm 15,8% so với tháng 12 năm 2013 và giảm tới 21,3% so với cùng kỳ năm 2013. Các mặt hàng vẫn đang có xu hướng giảm cả về lượng và giá phải kể đến cà phê (giảm 9,9% về giá và 39,7% về lượng). Một mặt hàng được coi là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam cũng đang nằm trong danh sách có chiều hướng đi xuống, đó là cao su. Trong tháng 1 vừa qua giá cao su xuất khẩu đã giảm tới 23%.

Những con số nói trên cho thấy, nhiều mặt hàng thuộc lĩnh vực nông lâm thủy sản xuất khẩu tiếp tục phải đối diện với không ít khó khăn. Hiệp hội Cá tra Việt Nam lo ngại, rồi đây, khi dự luật Nông trại của Hoa Kỳ được thông qua, cá tra sẽ phải mất tới 5- 7 năm để có thể điều chỉnh "bản thân” để thích ứng với thị trường Mỹ nếu còn muốn tham gia vào thị trường này. Thêm nữa, với những cảnh báo từ EU, VASEP cũng bày tỏ lo ngại, hình ảnh, uy tín của con cá tra Việt Nam sẽ không còn được nguyên vẹn trên thị trường châu Âu.

Đối với thị trường gạo, mặc dù sau một năm sụt giảm hơn 17% về khối lượng, VFA vẫn tiếp tục nâng mục tiêu xuất khẩu đạt 7 triệu tấn, cao hơn năm 2013 hơn nửa triệu tấn. Đây là mục tiêu không dễ dàng đạt được khi nguồn cung của thế giới đang ở mức cao.

Hàng loạt khó khăn, thách thức vẫn đang ở phía trước đối với nhiều mặt hàng nông, thủy sản. Tuy nhiên, đây vẫn là lĩnh vực được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng cao trong năm 2014 này.

Xuất khẩu hạt điều dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong 2014

Những dự cảm lạc quan

Hạt điều là một trong những sản phẩm đã "tỏa sáng” trong năm 2013 và tiếp tục được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2014. Dù chỉ đặt mục tiêu xuất khẩu 1,5 tỉ USD trong năm 2013 nhưng kết quả cuối cùng đã mang lại bước tiến ngoạn mục cho ngành điều khi đạt kim 1,66 tỉ USD, tăng hơn 19% về lượng và gần 13% về giá trị. Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas) dự báo năm 2014 ngành điều vẫn giữ được mức tăng ít nhất bằng năm ngoái dựa trên những kết quả đạt được trong năm qua.

Là sản phẩm xuất khẩu gặp khá nhiều thuận lợi trong năm 2013, tuy nhiên, Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam (VPA) vẫn khá thận trọng khi đưa ra dự báo rằng, năm 2014, kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu sẽ đạt 900 triệu USD, tương đương năm 2013. Song, cần nhớ là, VPA thường đưa ra dự báo thấp vào đầu năm nhưng cuối năm luôn đạt giá trị xuất khẩu cao hơn so với dự báo.

Có sự bứt phá ấn tượng nhất trong năm 2013 chính là sản phẩm tôm xuất khẩu. Mặc dù gặp khá nhiều rào cản trong thời điểm đầu năm, kéo dài cho đến giữa năm 2013 (nguy cơ bị Mỹ áp hai loại thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp, và những giám sát khắt khe về chất bảo quản từ Nhật Bản), song đến cuối năm ngành tôm xuất khẩu đã có bước "lội ngược dòng ngoạn mục” khi về đích ngoạn mục, kim ngạch xuất khẩu vượt ngưỡng 3 tỷ USD, tăng 36% so với 2012. Với những lợi thế đang có, VASEP dự báo, năm 2014 này, xuất khẩu tôm vẫn có thể duy trì kim ngạch như năm ngoái.

Một mặt hàng khác có mức tăng trưởng nhanh trong năm 2013 và gia nhập vào nhóm những mặt hàng đạt 1 tỉ USD là rau, củ, quả khi thu về cho nền kinh tế trong nước hơn 1,037 tỉ USD trong năm này, tăng hơn 25% so với năm 2012. Theo dự báo của Hiệp hội rau quả Việt Nam (Vinafruit), mặt hàng rau củ quả xuất khẩu có mức tăng trưởng từ 20-30% mỗi năm trong nhiều năm qua và Vinafruit kỳ vọng giữ được mức tăng trưởng này trong năm 2014.

Đặc biệt, nhiều cơ hội đang mở ra cho các DN xuất khẩu nói chung, các DN xuất khẩu nông lâm thủy sản nói riêng khi các Hiệp định thương mại tự do đang được đàm phán và ký kết. Theo nhận định của Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, dự báo trong năm 2014 này, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đang được Bộ Công thương tích cực đàm phán, ký kết sẽ góp phần mở rộng thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu, mở ra nhiều cơ hội mới cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Duy Phương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=76107&menu=1372&style=1