Xuất khẩu năm 2024 phấn đấu tăng trên 6%

Năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu (XNK) hàng hóa Việt Nam ước đạt 683 tỷ USD, giảm 6,6% so với năm trước. Bước sang năm 2024, Bộ Công Thương đặt ra mục tiêu tổng kim ngạch XK tăng trên 6% so với năm 2023; cán cân thương mại duy trì trạng thái thặng dư khoảng 15 tỷ USD. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, mục tiêu nêu trên có nhiều cơ sở khả thi.

Theo Tổng cục Thống kê, dù chưa phục hồi mạnh nhưng mức suy giảm được thu hẹp sẽ là tiền đề hướng đến sự khởi sắc trong năm 2024. Đánh giá về xu hướng sản xuất, kinh doanh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý IV/2023 và dự báo tình hình quý I/2024, Tổng cục Thống kê cho biết, 29,3% doanh nghiệp (DN) dự báo số lượng đơn đặt hàng mới quý I/2024 sẽ tăng so với quý IV/2023.

Theo CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG), dự kiến XK thép trong quý I/2024 sẽ duy trì ở mức cao, đặc biệt là sang EU.

Một số DN dệt may cũng đang nỗ lực để thúc đẩy đơn hàng cho quý I/2024 như Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công đã đạt khoảng 90% kế hoạch về đơn hàng cho quý I/2024. Công ty CP Sợi Phú Bài đã cố gắng có đủ đơn hàng tới hết tháng 1/2024 để chạy đủ công suất của 3 nhà máy. Công ty May 10 đặt mục tiêu doanh thu đạt 4.500 tỷ đồng, vượt 6,6% so với năm 2023, lợi nhuận đạt 130 tỷ đồng, thu nhập bình quân 9,5 triệu đồng/người/tháng.

Theo ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, thời gian tới, ngành dệt may có nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức buộc phải vượt qua. Thị trường với sản phẩm dệt may dự kiến sẽ cải thiện hơn năm 2023, do tình hình kinh tế tại các thị trường nhập khẩu dệt may lớn của Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, dự báo trong năm 2024, ngành hàng rau quả sẽ vượt con số 6 tỷ USD. Theo ông Đặng Phúc Nguyên, kỳ vọng sau chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam, XK rau quả của Việt Nam sang thị trường 1,4 tỷ dân sẽ mở rộng hơn về mặt hàng, quy mô, thị phần. Mỗi năm, Trung Quốc chi khoảng 15 tỷ USD cho nhập khẩu trái cây. Thị phần của Việt Nam năm nay dự kiến khoảng 25 - 30%, chỉ sau Thái Lan và Chile. Trong tương lai, quy mô thị trường này có thể nhân lên gấp đôi, tương ứng 30 tỷ USD. Do vậy, “cơ hội của DN là rất lớn nếu Trung Quốc mở cửa thêm cho các sản phẩm như sầu riêng đông lạnh, dừa tươi, bơ, bưởi da xanh… của Việt Nam”, ông Nguyên nhận định.

Năm 2024, bối cảnh thế giới được dự báo tiếp tục có những chuyển biến lớn và khó lường với nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Mặc dù vậy, XK có nhiều cơ hội để phục hồi và tăng trưởng trong năm 2024 khi vấn đề hàng tồn kho cao tại Hoa Kỳ đang dần được khắc phục. Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đưa ra những thông điệp ngừng tăng lãi suất và tiến tới xem xét giảm lãi suất trong năm 2024. Những nỗ lực trong đẩy mạnh đàm phán, đa dạng hóa thị trường XK của Việt Nam trong thời gian qua sẽ đem lại lợi thế cạnh tranh hơn cho hàng XK của ta thời gian tới.

Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho rằng, năm 2024, hoạt động XNK giữa Việt Nam với thị trường Âu Mỹ sẽ có những điều kiện thuận lợi, nhưng cũng có thách thức khá lớn. Do vậy, để duy trì tăng trưởng XK tại thị trường Âu Mỹ, công tác hỗ trợ DN tiếp tục được triển khai theo hướng cụ thể và sâu sát theo từng thị trường và ngành hàng, tập trung vào: Tăng cường nhận thức của DN sản xuất, xuất khẩu về các hướng tiếp cận mới với kinh tế tuần hoàn, sản xuất và tiêu dùng bền vững; khắc phục những hạn chế của DN về thông tin thị trường, khả năng tự chủ nguyên phụ liệu, năng lực sản xuất... Cùng đó, khắc phục những hạn chế của DN Việt Nam hiện nay như: Thông tin thị trường, khả năng tự chủ nguyên phụ liệu, năng lực sản xuất để đảm bảo yêu cầu thị trường, xây dựng thương hiệu… Mặt khác, huy động hệ thống chuyên gia để huấn luyện và phổ biến cho DN về các tiêu chuẩn, quy định mới của thị trường XK.

Để mục tiêu đặt ra cho hoạt động XNK năm 2024 là tổng kim ngạch XK tăng trên 6% so với năm 2023, cán cân thương mại duy trì trạng thái thặng dư khoảng 15 tỷ USD, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới, ký kết các Hiệp định FTA, hiệp định thương mại với các đối tác khác còn nhiều tiềm năng (UAE, MERCOSUR...) để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, hỗ trợ DN tận dụng các cam kết trong FTA, đặc biệt là CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh XK. Đồng thời, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường XK cho các mặt hàng rau, quả khác của Việt Nam...

Lưu Hiệp

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/xuat-khau-nam-2024-phan-dau-tang-tren-6--i719457/