Xuất khẩu lao động giúp nhiều hộ dân ở Sóc Trăng thoát nghèo, ổn định kinh tế

Xuất khẩu lao động là một kênh giải quyết việc làm hiệu quả, góp phần đào tạo nghề, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho một bộ phận người lao động, chủ yếu ở nông thôn.

Tiếp chúng tôi ở khoảng sân của gia đình, bà Thạch Thị Thương, ở ấp Soài Côn, Phường 2, thị xã Vĩnh Châu, nhìn về chiếc xe tải đang chở đầy cát, đá… bà cho hay, vật liệu xây dựng này dùng để chuẩn bị xây nhà của đứa con gái đang làm việc ở nước ngoài.

Chiếc xe tải vừa rời đi, bà Thương liền kể lại về sự đổi thay của cuộc sống gia đình từ khi 2 người con gái đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, đó là nhiều năm về trước, gia đình bà cũng có cuộc sống khá khó khăn. 5 người con không có việc làm ổn định, chồng bà thường xuyên đau ốm, chỉ có thể dựa vào mấy công đất nuôi tôm. 4 năm trước, được chính quyền địa phương và cán bộ Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thị xã Vĩnh Châu tư vấn và hỗ trợ vay vốn đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng, 2 đứa con gái bà tham gia đi lao động ở Đài Loan (Trung Quốc), với công việc sản xuất thiết bị y tế. Sau 3 năm, 2 người con gái đã gửi tiền về xây nhà, cuộc sống của gia đình cũng tứ đó cải thiện dần.

Ngôi nhà tường khang trang của các hộ gia đình ở Phường 2, thị xã Vĩnh Châu có con đi xuất khẩu lao động gửi tiền về xây dựng

"Cất nhà cho gia đình thì khoảng 400 triệu đồng, còn nhà riêng thì dự định hết khoảng 500 triệu. Hàng tháng con gửi về cho tôi nuôi 5-6 triệu đồng để chi tiêu và nuôi cháu. Trước đây thì gửi về 10 triệu đồng/tháng", bà Thương nói.

Xuất khẩu lao động là một trong những giải pháp hiệu quả để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống và giảm nghèo bền vững. Vì vậy mà thời gian qua, cùng với những nỗ lực trong việc chuyển đổi sinh kế, tạo việc làm cho người dân trên địa bàn, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng đã chú trọng tuyên truyền, hỗ trợ người dân đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và học sinh, sinh viên tham gia chương trình du học sinh vừa học, vừa làm. Nhờ đó, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc.

Như hộ anh Châu Tuấn, ở ấp Âu Thọ B, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu. Con trai anh là Châu Kiến Hòa, sau 4 năm quyết định sang Đài Loan (Trung Quốc) du học đại học an toàn thực phẩm theo chương trình du học sinh vừa học, vừa làm, em đã tốt nghiệp vào thời gian trước và đang làm việc cho một công ty thực phẩm ở Đài Loan (Trung Quốc). Anh Tuấn chia sẻ, điều vui nhất là trong thời gian vừa học vừa làm, gia đình anh không phải tốn tiền lo cho con.

Anh Châu Tuấn (người thứ 2 từ bên phải) kể về con trai Châu Kiến Hòa đi xuất khẩu lao động

Ông Trần Nhuận Thanh Liêm, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thị xã Vĩnh Châu cho biết, thời điểm trước, đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh, thị trường lao động ngoài nước có chững lại nhưng đã gần như phục hồi sau đại dịch. Số người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã đạt mức cao hơn trước đại dịch. Đặc biệt là khi HĐND tỉnh Sóc Trăng ban hành Nghị quyết số 02 về quy định chính sách hỗ trợ vốn vay đối với người lao động tỉnh đi là việc ở nước ngoài theo hợp đồng và học sinh, sinh viên tham gia chương trình du học sinh vừa học, vừa làm từ ngân sách tỉnh đã giúp nhiều lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, lao động là thân nhân người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số có cơ hội đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng, góp phần hiệu quả vào công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tính đến thời điểm này, thị xã Vĩnh Châu có 8 lao động và học sinh, sinh viên được tiếp cận vay vốn theo Nghị quyết này, với mức hỗ trợ vay vốn từ 100 - 200 triệu đồng.

"Nghị quyết này giúp lao động đỡ lo về phần kinh phí ban đầu, đặc biệt là lao động nghèo, lao động là người dân tộc. Theo Nghị quyết 02 này bình quân 1 lao động không quá 200 triệu. Chi phí này sẽ đảm bảo cho các em mạnh dạn tham gia, đỡ lo về vốn, kinh phí…".

Về mặt kinh tế, có thể thấy rõ nhất khi người lao động đi làm việc ở nước ngoài thu nhập có tăng lên. Trung bình 3 năm làm việc tại nước ngoài, người lao động có thể tích lũy được từ 500 - 700 triệu đồng. Với số tiền tích lũy được, nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo, xây dựng nhà cửa khang trang. Người lao động sau khi về nước có khả năng đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, phát triển sản xuất, ổn định kinh tế, tạo nên nhiều việc làm mới, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động khác.

Ông Trần Trí Vân, Phó Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, cho biết, UBND thị xã đã tổ chức triển khai thực hiện, ban hành nhiều chương trình, kế hoạch nhằm tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ này với mục tiêu mỗi năm đưa khoảng 80 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Theo đó, đã chỉ đạo Phòng Lao động Thương binh và xã hội; Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên thị xã phối hợp với UBND các xã, phường, công ty có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tuyên truyền, vận động người dân trong độ tuổi đảm bảo đủ các điều kiện đăng ký tham gia. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các chương trình tư vấn, giới thiệu việc làm ở trong và ngoài nước. Qua đó, để người dân nắm bắt thông tin, hiểu được ý nghĩa, chính sách hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tạo nguồn lao động, thực hiện chỉ tiêu đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng kể cả du học sinh vừa học, vừa làm được UBND tỉnh giao.

Trong năm nay, toàn thị xã có 72 lao động tham gia ký hợp đồng lao động có thời hạn ở nước ngoài, trong đó lao động là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 80%. Thu nhập bình quân của người lao động từ 10-40 triệu đồng/tháng. Nhìn chung, cuộc sống của nhiều hộ gia đình trên địa bàn có người thân đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng được cải thiện đáng kể.

Để nâng cao hiệu quả công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Phó chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu Trần Trí Vân nhấn mạnh thêm: "Thị xã sẽ đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và học sinh, sinh viên tham gia chương trình du học sinh vừa học, vừa làm. Thường xuyên cập nhật các quy định, thông tin, chính sách của trung ương và địa phương liên quan đến lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tiếp tục đẩy mạnh lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số với chương trình vay vốn tín dụng chính sách xã hội".

Thực tế, với việc tăng cường đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài là giải pháp hiệu quả trong giải quyết việc làm, mang đến thu nhập cao cho người lao động, từng bước cải thiện đời sống, góp phần giảm nghèo tại địa phương. Bản thân người lao động cũng ý thức hơn trong việc tự rèn luyện nâng cao trình độ ngoại ngữ, phát triển tay nghề để tìm kiếm các cơ hội việc làm tốt hơn ở nước ngoài. Sau khi về nước có khả năng đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, ổn định kinh tế, tạo nên nhiều việc làm mới cho người lao động ở địa phương.

Thạch Hồng/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/xuat-khau-lao-dong-giup-nhieu-ho-dan-o-soc-trang-thoat-ngheo-on-dinh-kinh-te-post1065618.vov