Xuất khẩu hàng hóa bước vào cuộc cạnh tranh quyết liệt

Các nước đang có sự thay đổi mạnh mẽ để nâng cao chất lượng hàng xuất khẩu, hàng rào bảo hộ hàng hóa của các quốc gia ngày càng gia tăng.

Một dây chuyền may mặc công nghệ cao của Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam

Trong khi cơ cấu hàng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn chưa thực sự thay đổi, chủ yếu vẫn là gia công và xuất khẩu hàng thô.Đây là nhận định của các chuyên gia tại Diễn đàn xuất khẩu 2017 do Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TPHCM tổ chức ngày 8-8 tại TPHCM.

Kim ngạch xuất khẩu cả năm sẽ đạt khoảng 200 tỷ USD

Theo số liệu của Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm ước đạt 115,2 tỷ USD, tăng 18,7% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu 7 tháng đầu năm ước đạt 118,3 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ, nhập siêu 3,08 tỷ USD. So với cùng kỳ, 7 tháng đầu năm xuất khẩu duy trì mức tăng trưởng cao (cùng kỳ tăng chỉ tăng 5,5%). Có 20 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó có 8 mặt hàng đạt kim ngạch trên 3 tỷ USD. Tổng kim ngạch của các mặt hàng này chiếm tới 85,5% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. Các DN trong nước tiếp tục đạt mức tăng trưởng khá, cụ thể đạt 32,2 % tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 14,6% so với cùng kỳ, đây cũng là điểm tích cực trong hoạt động xuất khẩu. Kim ngạch nhập khẩu tăng trưởng cao nhưng tập trung vào các mặt hàng cần nhập khẩu, là đầu vào cho sản xuất, xuất khẩu. Xuất khẩu vào các nước có Hiệp định thương mại tự do (FTA) ngày càng tăng cao, cho thấy các DN đã tận dụng tốt cơ hội do các hiệp định này mang lại.

Ông Nguyễn Phú Hòa, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, nhìn nhận nhiều khả năng kim ngạch xuất khẩu cả năm sẽ đạt khoảng 200 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ. Nhập khẩu năm 2017 ước đạt 205 tỷ USD, tăng trên 17% so với cùng kỳ. Với sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, thị trường xuất khẩu năm 2017 và năm 2018 sẽ tiếp tục đạt được xu hướng tăng trưởng. Tuy nhiên hoạt động xuất khẩu nói riêng, và nền kinh tế nói chung đã bộc lộ nhiều điểm nghẽn, cần thay đổi để phát triển.

Khoảng cách quá lớn và những rủi ro khó tránh

Theo ông Nguyễn Phú Hòa, kinh tế toàn cầu đã chứng kiến những diễn biến khó lường. Thị trường Châu Âu với sự ra đi quyết liệt của nước Anh đã đặt ra nhiều cầu hỏi về sự điều chỉnh chiến lược của Liên minh Châu Âu, chưa kể hiện nay quan hệ ngoài giao giữa Việt Nam và Đức đang nổi lên một số bất đồng. Nước Mỹ với tổng thống đắc cử Donald Trumph đã quay lưng với thương mại tự do, ông Trumph đã thẳng thừng bác bỏ TPP và nêu quan điểm rõ rệt về bảo hộ thị trường, sản xuất trong nước. Trung Quốc đang tái cơ cấu, tập trung vào thị trường nội địa và có những chiến lược hết sức mạnh mẽ để cạnh tranh với Nhật, Hàn Quốc và cả với Mỹ trong lĩnh vực chất lượng và năng suất. Không phải ngẫu nhiên mà người Trung Quốc ganh đua với Mỹ trong việc tạo ra siêu máy tính, hay trí thông minh nhân tạo.

Nước Nhật đang lặng lẽ trở thành quốc gia mà ở đó robot từng bước làm việc bên cạnh con người. Năng lực sản xuất của Nhật sắp tới sẽ gia tăng theo cấp số nhân! Hàn Quốc đi vào năng lực thiết kế, sáng tạo, định ra xu hướng và tạo dựng thế lực dẫn đầu ở nhiều chuỗi sản xuất.

Trong khi đó, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tác động hết sức mạnh mẽ, làm thay đổi sâu sắc phương thức sản xuất, quản trị xã hội, dịch vụ, thương mại… làm cho chiến lược phát triển của các nước dựa vào thu hút đầu tư nước ngoài và lợi thế lao động giá rẻ có nguy cơ phá sản.

Những diễn biến trên đặt ra những khoảng cách quá lớn và những rủi ro khó tránh khỏi cho DN Việt Nam. Để bảo vệ sự đoàn kết, Châu Âu chắc chắn sẽ đẩy mạnh đặt ra các hàng rào kỹ thuật đối với hàng nhập khẩu để bảo hộ thị trường, bảo hộ đầu tư ở các nước có trình độ phát triển chưa tương đồng.

Nước Mỹ với sự giúp sức của quá trình robot hóa, nên việc kêu gọi các nhà sản xuất quay trở lại Hoa Kỳ để sản xuất sản phẩm “Made in America” là đều có thể trở thành hiện thực và song song với quá trình ấy, nước Mỹ với thế mạnh của mình sẽ đặt ra các rào cản kỹ thuật, đôi lúc là vô lý và có thể vi phạm các quy định của WTO, dẫn chúng ta đến những vụ kiện tụng mệt mỏi. Ví dụ mới nhất như đạo luật Farm Bill.

Trung Quốc đang điều chỉnh để nâng tầm quốc gia, Trung Quốc sẽ đi vào nền tảng sản xuất hiện đại như Hàn Quốc, Nhật Bản, và ra sức thay đổi chất lượng hàng hóa Trung Quốc. Ngoài ra Trung Quốc chủ trương từ lâu sẽ tự sản xuất để đáp ứng các nhu cầu trong nước. Ví dụ, Trung Quốc trồng đại trà thanh long để giảm nhu cầu nhập từ Việt Nam.

Khó khăn, rủi ro từ bên ngoài là rất lớn và rất khó để vượt qua bởi vì các thách thức này liên quan đến trình độ khoa học công nghệ do cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang đến, trong khi đó chúng đang ở đỉnh điểm đối diện với những khó khăn nội tại. Vị thế quốc gia xuất khẩu của Việt Nam ngày hôm nay, là thành quả của công cuộc đổi mới, tuy nhiên chất lượng xuất khẩu, chất lượng tăng trưởng của chúng ta đã đến lúc phải xem lại. Chúng ta xuất khẩu bất cứ thứ gì chúng ta có, xuất khẩu thô, đẩy nhanh số lượng. Hiện nay, làn sóng xuất khẩu lần thứ 1 đã đạt đến ngưỡng phát triển theo mô hình này.

Khả năng cung ứng của DN Việt Nam còn nhỏ bé

Cùng quan điểm trên, nhiều diễn giả tại hội nghị cho rằng, năng lực cạnh tranh xuất khẩu sẽ ngày càng gay gắt, nhưng khả năng cung ứng của DN Việt Nam vẫn còn rất nhỏ bé trong chuỗi cung ứng. Ông Yuichino Shiotani, Tổng Giám đốc Top Valu Japan, cho biết chỉ tính riêng mặt hàng may mặc và đồ dùng gia đình, năm 2016 Nhật Bản nhập khẩu hơn 600 triệu Yên, với hơn 687 DN cung ứng. Riêng Việt Nam mới chỉ có khoảng 50 DN cung ứng, với kim ngạch xuất khẩu vào Nhật đạt khoảng 28,4 triệu Yên.

Từ những đòi hỏi từ thực tế, Việt Nam cần một cuộc kiến tạo làn sóng xuất khẩu lần 2 thị trường thế giới để thay đổi năng lực cạnh tranh của sản phẩm, đi vào giá trị gia tăng, nâng tầm thương hiệu, hình ảnh quốc gia. Việt Nam cần có những sản phẩm khác biệt, có chất lượng. Đặc biệt cần có sự thay đổi trong sản xuất để giảm thiểu tỷ lệ tổn thất trong sản xuất để giảm giá thành sản phẩm. Với từng quốc gia, DN cần tìm hiểu kỹ các luật lệ, chú trọng các chuẩn mực trong sản xuất, kinh doanh mới có thể thuyết phục được các đối tác.

Vậy DN cần làm gì để tăng cường lượng hàng xuất khẩu? Theo lời khuyên của ông Yuichino Shiotani, các DN không nên chạy theo các sản phẩm đại trả trên thị trường mà cần có sự khác biệt. Không nên chạy theo số lượng lớn đơn hàng mà cần tập trung vào chất lượng, vì nếu sản phẩm làm ra một cách dễ dàng sẽ không có giá trị cao.

Về phía Chính phủ, cần tập trung thực hiện tốt cải cách môi trường kinh doanh để các DN yên tâm đầu tư vào Việt Nam. Chính phủ cần làm ngay để tăng khả năng tiếp cận của DN đối với kỹ năng và người tài, nhà khoa học. Cần phổ biến tất cả các nghiên cứu có nguồn vốn từ ngân sách, công khai để sử dụng, đánh giá, trao đổi giữa nhà khoa học, quản lý, doanh nghiệp, người dân, người tài…tránh lãng phí trùng đề tài, đề tài không cần thiết, hoặc giải ngân rồi cất vào tủ. Phải chia ra thành các đề mục do Văn phòng Chính phủ quản lý và yêu cầu các bộ, khuyến khích toàn xã hội tham gia dưới các đề mục: công nghệ, quản trị, tiếp thị, hội nhập, phản biện chính sách, phát triển thị trường mua bán phát minh sáng chế. Điều quan trọng là cần kiến tạo niềm tin, và tự tin vì vấn đề chính ở đây là DN, người dân đang thiếu tự tin. Chính phủ cần xây dựng lại quy tắc ứng xử trong xã hội Việt Nam. Toàn bộ các văn bản, nghị định sắp được xây dựng lại phải lấy quan điểm tin vào DN, nâng đỡ DN, hướng dẫn DN rõ ràng. Ngược lại luật pháp, chế tài phải đủ sức răn đe và nghiêm minh. Chỉ như vậy mới thúc đẩy kinh tế nói chung, xuất khẩu nói riêng phát triển trong giai đoạn mới.

HẢI HÀ

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/xuat-khau-hang-hoa-buoc-vao-cuoc-canh-tranh-quyet-liet-460415.html