Xuất khẩu giày dép mang về hơn 20,2 tỷ USD trong năm 2023

Hết năm 2023, xuất khẩu mặt hàng giày dép mang về hơn 20,2 tỷ USD, giảm 15,3% so với năm 2022.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu giày dép các loại của Việt Nam trong tháng 12 đạt hơn 1,8 tỷ USD, giảm 3,6% so với tháng trước đó. Như vậy hết năm 2023, xuất khẩu mặt hàng giày dép đã mang về hơn 20,2 tỷ USD, giảm 15,3% so với năm 2022.

Từ năm 1998, giày dép đã tham gia câu lạc bộ các mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên và nhanh chóng ghi danh trong nhóm có kim ngạch cao. Sản lượng xuất khẩu giày dép của Việt Nam chỉ đứng sau thị trường Trung Quốc .

Theo Công Thương, hiện Việt Nam đang xếp thứ 2 thế giới về xuất khẩu giày dép với lượng xuất khẩu ước tính chiếm 10% của thế giới. Đáng chú ý trong năm 2020, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu giày vải lớn nhất thế giới về giá trị, vượt xa Trung Quốc (theo World Footwear Yearbook). Mặt hàng giày dép của Việt Nam đã được xuất khẩu tới hơn 150 thị trường trên thế giới, trong đó, tập trung ở những thị trường chính như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Anh…

Xét về thị trường nhập khẩu, Mỹ, Trung Quốc và Bỉ lần lượt là 3 thị trường lớn nhất của giày dép Việt Nam. Trong năm 2023, Mỹ đã chi hơn 7,1 tỷ USD nhập khẩu giày dép từ Việt Nam, giảm 25,5% so với năm 2022. Trung Quốc là thị trường đứng thứ 2 và là một trong số ít thị trường chứng kiến mức tăng trưởng dương. Trị giá xuất khẩu sang láng giềng đạt 1,8 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2022.

Đứng thứ 3 là thị trường Bỉ với hơn 1,2 tỷ USD, giảm 26% so với năm trước. Năm 2023 là một năm nhiều khó khăn đối với ngành giày dép Việt Nam. Nguyên nhân đến từ các thị trường chính như Mỹ, EU, Nhật Bản bị suy giảm do tình hình lạm phát, sức tiêu dùng suy giảm, đặc biệt số lượng các mặt hàng tồn kho khá lớn.

Mục tiêu của ngành da giày, đến năm 2030, tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép, túi xách đạt 38-40 tỷ USD. Ảnh minh họa: Thế Duyệt/Đại Đoàn Kết

Mặc dù nhiều khó khăn bủa vây, nhưng da giày đang được xác định là ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, có sản phẩm chất lượng, cạnh tranh trên thị trường thế giới. Theo Đại Đoàn Kết, mục tiêu của ngành da giày, đến năm 2030, tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép, túi xách đạt 38-40 tỷ USD. Đến năm 2035, ngành sẽ phát triển hiệu quả và bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất trong nước; tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu; phát triển được một số thương hiệu tầm khu vực và thế giới.

Giới chuyên gia kinh tế nhận định, với chiến lược tổng thể nói trên, Việt Nam đang quyết tâm giữ ngành da giày là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực hàng đầu thế giới. Để có thể thực hiện quyết tâm này, nhà quản lý đã và đang từng bước xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện có hiệu quả chiến lược này. Các doanh nghiệp (DN) ngành da giày sẽ đóng góp cho việc hoàn thành chiến lược đó...

Tất nhiên, để có thể hiện thực hóa những mục tiêu nói trên, ngành da giày còn rất nhiều việc phải làm. Trong đó, yếu tố quan trọng là hướng đến sản xuất xanh, tuân thủ các điều kiện quy định mà thị trường thế giới đưa ra.

Sản xuất xanh là một trong những yêu cầu đặt ra đối với các DN da giày nói chung, các DN sản xuất nói riêng. Khẳng định vai trò quan trọng của yếu tố “xanh”, tại buổi công bố chương trình xét chọn và trao danh hiệu “Doanh nghiệp xanh” năm 2023, ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM (HUBA) nhấn mạnh, thời gian qua, một số DN sau khi tuân thủ quy trình sản xuất xanh đang gặt hái thành công khi quá tải đơn hàng. “Phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là hướng đi bắt buộc và sống còn không chỉ riêng DN mà cho cả nền kinh tế của quốc gia”.

Bàn luận về sự phát triển của ngành da giày Việt Nam, ông Maxime Rogeon, Trưởng Bộ phận Da giày của công ty Decathlon Việt Nam cho rằng, mặc dù Việt Nam hiện đang có nhiều lợi thế như: Các nhà sản xuất lớn trên thế giới đều có cơ sở sản xuất tại Việt Nam; thị trường lớn nhờ các FTA; tự chủ được khoảng 50% nguyên liệu.

Tuy nhiên, với nhiều đối thủ cạnh tranh như Indonesia, hiện đang có mức thuế nhập khẩu vào Mỹ tốt hơn Việt Nam, Việt Nam cần phải có những giải pháp về logistics xanh, giải pháp về nguồn cung ứng và vận chuyển nhanh hơn nữa.

Ngành da giày Việt Nam cần phải có cuộc cách mạng lần thứ tư thật sự; cần có chính sách khuyến khích ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất.

Việt Nam cũng cần cơ cấu lại ngành sản xuất giày dép. Hiện có nhiều quy trình sản xuất, mô hình kinh doanh bền vững giúp tiết kiệm nhiều hơn mà Việt Nam có thể áp dụng. Việt Nam cũng cần sáng tạo các mô hình kinh doanh mới.

Cũng khẳng định vai trò quan trọng của yếu tố phát triển bền vững, Phó Chủ tịch LEFASO Diệp Thành Kiệt cho biết, trong lĩnh vực thời trang, các thị trường lớn và các thương hiệu lớn là người dẫn dắt cuộc chơi. Do vậy, để có thể thực hiện được các mục tiêu của chiến lược tổng thể, giữ vững được vị trí xuất khẩu cao, các DN da giày Việt Nam buộc phải tuân theo các quy định của cuộc chơi.

Theo đó, các DN cần tập trung vào các tiêu chuẩn của yêu cầu phát triển bền vững. “Các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới sẽ không có ý nghĩa nếu các DN không đáp ứng các yêu cầu về phát triển bền vững của thị trường”, ông Kiệt nhấn mạnh.

Giới chuyên gia nhận định, DN da giày có thể xuất khẩu cao vào châu Âu nhờ Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA), nhưng khi cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của EU (CBAM) có hiệu lực, nếu không thỏa mãn tiêu chí của CBAM, dù có EVFTA, các DN Việt cũng không thể xuất khẩu vào châu Âu.

Cùng với đó, DN phải phát triển được năng lực tự thiết kế; giá thành sản xuất phải có chi phí thấp nhất để nâng sức cạnh tranh. Về phía Nhà nước cần ban hành sớm các chính sách khuyến khích nội địa hóa nguyên liệu, khuyến khích thực hiện các yêu cầu về phát triển bền vững.

Minh Hoa (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/xuat-khau-giay-dep-mang-ve-hon-202-ty-usd-trong-nam-2023-a648206.html