Xuất khẩu giày dép khởi sắc, nhưng vẫn đối mặt nhiều nỗi lo

Đơn hàng xuất khẩu giày dép đang dần hồi phục, tuy nhiên, ngành xuất khẩu đứng thứ 2 kim ngạch thế giới của Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức lớn.

Để tham gia chuỗi cung ứng, ngành da giày buộc phải chuyển đổi sản xuất xanh bền vững. Ảnh: TTXVN.

Lấy lại đà tăng

Tháng 4/2024, da giày tiếp tục nằm trong nhóm ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn, với kim ngạch xuất khẩu 1,956 tỷ USD. Lũy kế 4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép đạt 6,542 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Tại những thị trường xuất khẩu truyền thống của Việt Nam, giày dép và túi cặp chiếm một thị phần không nhỏ. Theo số liệu từ Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, quý I/2024 mặt hàng giày dép của Việt Nam chiếm 41,7%, mặt hàng túi - cặp chiếm 45,4% thị phần tại Mỹ; tiếp đến là thị trường EU với 28,6% và 27,1%; Trung Quốc là 11% và 3%; Nhật Bản là 6,3% và 11,3%... Đặc biệt, da giày là ngành tận dụng tốt các FTA, nhất là ở khối các thị trường có Hiệp định EVFTA, CPTPP.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày- Túi xách Việt Nam cho biết, Việt Nam là nước sản xuất giày dép đứng thứ 3 trên thế giới, sau Trung Quốc và Ấn Độ, và đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu. Hiện nay, ngành da giày có nhiều tín hiệu tích cực, xuất khẩu có nhiều khởi sắc.

Đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Gia Định cho biết, hiện doanh nghiệp đã có đủ đơn hàng cho quý III/2024. Bên cạnh các khách hàng truyền thống tại Mỹ, EU, doanh nghiệp đã mở rộng thêm khách hàng mới ở Nhật Bản, Hàn Quốc, và khai thác những thị trường ngách như Nam Phi, Mexico… Theo đại diện công ty, đơn hàng đã tăng 30% so với năm trước.

Mặc dù vậy, theo bà Xuân, da giày là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Với 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết, Việt Nam tiếp cận và thiết lập quan hệ thương mại với gần 230 thị trường. Do vậy, chính sách thay đổi của thị trường nhập khẩu sẽ có tác động mạnh mẽ tới các doanh nghiệp trong ngành.

Do đó, các quốc gia xuất khẩu, trong đó có Việt Nam cần nhanh chóng cải thiện và minh bạch thông tin chuỗi cung ứng sản phẩm của mình bắt đầu từ khâu nguyên liệu, sản xuất bền vững hướng đến kinh tế tuần hoàn, có trách nhiệm với xã hội và môi trường.

Vẫn nhiều thách thức

Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Lefaso, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần đầu tư Thái Bình (TBS Group) cho biết, một trong những khó khăn lớn của ngành da giày là công nghiệp hỗ trợ cung ứng nguyên liệu chưa phát triển. Các doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào gia công mà không phát triển khâu nguyên phụ liệu. Hiện nay phần lớn nguyên liệu phục vụ sản xuất xuất khẩu được nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước ASEAN. Do đó, để đáp ứng tỉ lệ xuất xứ nội khối theo yêu cầu của các FTA là một trở ngại lớn.

Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 ban hành theo Quyết định số 879/QĐ-TTG ngày 9/6/2014 đã xác định dệt may – da giày là hai trong số 7 ngành công nghiệp ưu tiên của Việt Nam. Tuy nhiên để tiếp tục phát triển ngành trong giai đoạn sắp tới, cần có những giải pháp đột phá để nâng cấp chuỗi giá trị ngành nhằm tạo ra những lợi ích bền vững.

“Để làm được điều này, cần phải thúc đẩy phát triển hoạt động của thị trường cung ứng nguyên phụ liệu theo hướng quy mô, chuẩn hóa và minh bạch. Từ đó giúp các doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao tính năng động, hiệu quả, có cơ hội vươn lên và tham gia vào chuỗi cung ứng ngành”, ông Thuấn nhìn nhận.

Còn ông Trịnh Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho biết, mới đây Mỹ đã ban hành chính sách cho phép áp dụng điều tra trợ cấp xuyên quốc gia. Chính sách này nhằm vào những ngành gia công và nhiều nguyên phụ liệu đầu vào. Theo đó, nếu Việt Nam mua nguyên phụ liệu từ nước thứ 3, và nước này trợ cấp sản xuất nguyên phụ liệu này thì khi Việt Nam mua sử dụng sản phẩm này để sản xuất và xuất khẩu sẽ bị đánh thuế. Không chỉ Mỹ, mà cả EU cũng đang nghiên cứu triển khai chính sách này. Do đó, việc có một trung tâm giao dịch nguyên liệu liệu là cần thiết để doanh nghiệp đa dạng nguồn nguyên phụ liệu đầu vào, để tránh bị phụ thuộc vào một thị trường.

Theo đại diện Bộ Công Thương, nguyên liệu ngành được xác định là một trong những ngành công nghiệp trọng điểm, song chúng ta chưa phát triển được, nên các doanh nghiệp phải chấp nhận gia công. Bên cạnh đó là năng lực khai thác cơ hội từ các FTA như CPTPP, EVFTA, RCEP… còn hạn chế. Ngoài ra, mức độ tự động hóa, chuyển đổi số, phát triển sản xuất theo hướng bền vững, kinh tế tuần hoàn chưa cao.

Trong thời gian tới, để thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Công Thương và Chiến lược phát triển ngành dệt may da giày cũng như các Nghị quyết phát triển về công nghiệp hỗ trợ, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các doanh nghiệp, ngành liên quan hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu nhằm tiếp thu việc chuyển giao các giải pháp, ứng dụng công nghệ mới trong ngành da giày theo xu hướng sản xuất, xuất khẩu xanh, bền vững, phù hợp với điều kiện của nước ta. Đồng thời, đẩy mạnh tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, kết nối giao thương, hỗ trợ doanh nghiệp dệt may, da giày trong hoạt động xúc tiến thương mại, đặc biệt là đối với các sản phẩm dệt may xanh, tuần hoàn tại thị trường EU và các thị trường tiềm năng.

Thu Trang/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/xuat-khau-giay-dep-khoi-sac-nhung-van-doi-mat-nhieu-noi-lo-20240506163515126.htm