Xuất khẩu gạo: bên mua chi phối 'cuộc chơi' sau các phiên mở thầu tiêu chuẩn

Ấn Độ- quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới tiếp tục chính sách tạm dừng xuất khẩu gạo trắng non- basmati vốn đã được thiết lập từ tháng 7 năm ngoái. Điều này cho thấy, yếu tố thuận lợi với Việt Nam phần nào đó vẫn được duy trì từ những tháng cuối năm ngoái, nhưng bước sang đầu năm 2024 'cuộc chơi' trong thương mại gạo thế giới đã bắt đầu thay đổi với sự chi phối từ bên mua…

Chuyển gạo xuống ghe để trung chuyển về cảng TPHCM nhằm thực hiện hợp đồng cho Bulog. Ảnh: Trung Chánh

Xuất khẩu gạo Việt Nam trong nửa đầu tháng 4-2024 đạt gần 512.000 tấn với trị giá gần 319 triệu đô la Mỹ. Điều này, giúp đưa lũy kế đến ngày 15-4, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt gần 2,7 triệu tấn với trị giá xuất khẩu đạt hơn 1,744 tỉ đô la Mỹ, theo số liệu báo cáo sơ bộ của Tổng cục Hải quan. Đây là kết quả khá ấn tượng mà ngành hàng lúa gạo Việt Nam đạt được…

Mở thầu xong, buộc bên bán giảm tiếp

Quí đầu năm 2024, Indonesia là thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam sau Philippines, với khối lượng đạt trên 445.000 tấn, trị giá đạt trên 285 triệu đô la Mỹ, tăng gần 200% về lượng và gần 309% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu gạo của Việt Nam vào Indonesia chiếm 20,4% về lượng và 20% về giá trị trong tổng xuất khẩu gạo Việt Nam sang các thị trường trong quí đầu năm nay.

Dữ liệu từ Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) cho thấy, từ đầu năm 2024 đến nay, Indonesia đã 4 lần mở thầu nhập khẩu gạo từ các quốc gia trên thế giới như: Thái Lan, Myanmar, Pakistan, Bangladesh và Việt Nam, trong đó, 3 lần mời nhập khẩu gạo có nguồn gốc từ Việt Nam.

Tuy nhiên vấn đề đáng nói là sau mỗi lần mở thầu, phía Indonesia đều yêu cầu doanh nghiệp hoặc một số doanh nghiệp tham dự gói thầu đạt “tiêu chuẩn” đàm phán lại vòng hai để yêu cầu hạ giá tiếp so với giá bỏ thầu. Điều này cho thấy không phải doanh nghiệp có giá dự thầu thấp nhất là chiến thắng.

Chẳng hạn, với gói thầu lần thứ 4 vừa được Bulog công bố, Indonesia dành cho gạo Việt Nam tổng khối lượng là 109.000 tấn và được chia làm 4 “Lot” (số lượng đơn vị được tiêu chuẩn hóa của một tài sản được giao dịch), bao gồm “Lot” 6, 7, 8 và 11 với khối lượng lần lượt là 30.000 tấn, 25.000, 29.000 và 25.000 tấn.

Theo đó, Tổng công ty lương thực miền Bắc (Vinafood 1) dự thầu bán cho Indonesia “Lot” 6, 7 và 8 với giá dự thầu lần lượt cho 3 “Lot” này là 590 đô la Mỹ/tấn, 610 đô la Mỹ/tấn và 608 đô la Mỹ/tấn.

Tuy nhiên, Bulog không đồng ý với mức giá nêu trên và thực hiện “đàm phán” lại với Vinafood 1 để đi đến thống nhất mức giá mới cho 3 “Lot” 6, 7 và 8 lần lượt ở mức: 585 đô la Mỹ/tấn, 590 và 585 đô la Mỹ/tấn, tức thấp hơn mức giá Vinafood 1 đưa ra trước đó lần lượt 5 đô la Mỹ/tấn, 20 đô la Mỹ/tấn và 23 đô la Mỹ/tấn.

Tương tự, đơn vị giành chiến thắng đối với “Lot” 11 là Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời khi chấp nhận đàm phán giảm từ mức giá 604 đô la Mỹ/tấn xuống còn 588 đô la Mỹ/tấn, tức giảm 16 đô la Mỹ/tấn.

Được biết, có một số đơn vị không chấp nhận giảm giá theo yêu cầu của Bulog hay nói cách khác đàm phán không thành công đã đành rút lui. Chẳng hạn, Mekong Food đã rút lui khỏi “Lot” 11 của gói thầu nêu trên là một điển hình.

Là đơn vị tham dự và trúng thầu ở lần mở thầu đầu tiên trong năm 2024 của Bulog, ông Lê Phát Long, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Phát Tài khi trao đổi với KTSG Online cho biết, tại cuộc đấu thầu lúc bấy giờ, Indonesia đã chọn ra những đơn vị có giá thấp nhất để đàm phán tiếp vòng hai, tức không phải đơn vị nào bỏ thầu có giá thấp nhất sẽ giành chiến thắng.

Theo ông Long, đơn vị nào đồng ý đàm phán và đồng thuận với mức giá mới được Bulog đưa ra, thì sẽ được gửi email thông báo… thắng thầu.

Theo tìm hiểu của KTSG Online, ngoài Việt Nam, ở lần mở thầu thứ 4 này, doanh nghiệp thắng thầu đối với gạo có nguồn gốc từ Myanmar cũng đã giảm giá ở “Lot” 1 và 2. Tương tự, Thái Lan cũng giảm giá ở “Lot” 3, 4, 5 và 10, trong khi Pakistan giảm ở “Lot” 9.

Với việc các nhà xuất khẩu gạo phải đồng ý theo “thỏa hiệp” theo yêu cầu của nhà nhập khẩu như nêu trên cho thấy “cuộc chơi” thương mại gạo ở thời điểm hiện nay đang trong tay nhà nhập khẩu.

Theo một nguồn tin khi trao đổi với KTSG Online, với giá trúng thầu như nêu trên của các doanh nghiệp Việt Nam, trường hợp tìm được tàu có cước vận chuyển dưới 20 đô la Mỹ/tấn thì khả năng vẫn có lãi được vài đô la Mỹ mỗi tấn. Bởi giá gạo cặp mạn hiện đang ở mức xấp xỉ 570 đô la Mỹ/tấn.

Cung tăng cao, giá gạo Việt Nam giảm sâu

Cho đến nay, Ấn Độ vẫn duy trì lệnh tạm ngưng xuất khẩu gạo trắng non-basmati đã được thiết lập từ ngày 20-7 năm ngoái. Trong khi đó, El Nino ảnh hưởng đến sản lượng lúa gạo ở nhiều khu vực trên thế giới, bao gồm cả những quốc gia vốn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Hai yếu tố này phần nào mang lại kết quả thuận lợi cho các nước xuất khẩu, bao gồm Việt Nam.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Phong, Giám đốc Công ty lương thực Vạn Lợi, yếu tố khác biệt của Việt Nam so với các nước xuất khẩu khác là nguồn cung lúa gạo trong những tháng đầu năm 2024 dồi dào hơn so với những tháng cuối năm ngoái. Bởi lẽ, đây là thời điểm khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thu hoạch vụ lúa đông xuân 2023-2024- vụ lúa cho sản lượng lớn nhất trong năm.

Theo ông Phong, nguồn cung lớn trong khi khả năng dự trữ dài hạn còn hạn chế hay nói cách khác áp lực buộc phải bán của ngành gạo Việt Nam lớn. Điều này dẫn đến tình trạng giá giảm khá mạnh so với thời điểm những tháng cuối năm ngoái.

Báo cáo thống kê của Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, gạo 5% tấm của Việt Nam hiện được chào bán quanh mức giá 582-586 đô la Mỹ/tấn và 557-561 đô la Mỹ/tấn đối với phân khúc 25% tấm (giá FOB).

Trong khi đó, thời điểm giữa tháng 12-2023, gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán quanh mức 663-667 đô la Mỹ/tấn và 643-647 đô la Mỹ/tấn đối với phân khúc 25% tấm. Điều này có nghĩa, gạo 5% tấm của Việt Nam hiện đã mất giá hơn 80 đô la Mỹ mỗi tấn và gần 90 đô la Mỹ/tấn đối với phân khúc gạo 25% tấm.

Không chỉ giá xuất khẩu, đối với thị trường nội địa ở khu vực ĐBSCL các giống hạt dài như: OM 18, OM 5451, Đài Thơm 8 được thương lái thu mua tại ruộng (lúa tươi) chỉ còn 7.800-7.950 đồng/kg và 7.700-7.800 đồng/kg đối với các giống lúa thường (OM 380, IR 50404). Trong khi đó, thời điểm giữa tháng 12-2023, các giống hạt dài có giá lên đến 9.200-9.300 đồng/kg và 9.000-9.100 đồng/kg đối với các giống lúa thường.

Điều này có nghĩa, giá lúa thị trường nội địa cũng đã “bốc hơi” khoảng 1.300-1.400 đồng/kg đối với các giống hạt dài và khoảng 1.300 đồng/kg đối với các giống lúa thường.

Trung Chánh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/xuat-khau-gao-ben-mua-chi-phoi-cuoc-choi-sau-cac-phien-mo-thau-tieu-chuan/