Xuân với đổi mới sáng tạo

BHG - Như có nhân duyên giữa đất trời với con người và dân tộc Việt Nam. Vào mùa Xuân năm 1911 (ngày 6/3/1911), Nguyễn Tất Thành ở tuổi thanh xuân đã quyết định lên tàu Amiran Latusơ Tơrêvin làm việc để xuất dương tìm đường cứu nước. Mùa Xuân 1919 Nguyễn Ái Quốc vào Đảng Xã hội Pháp, tiếp đó năm 1920 Nguyễn Ái Quốc là người đồng sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, là chiến sĩ cộng sản đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Mười năm sau, vào mùa Xuân năm 1930 (ngày 03/2/1930), Đảng Cộng sản Việt Nam do Người sáng lập ra đời. Từ đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng với đường lối sáng tạo và đúng đắn cách mạng Việt Nam đã đi cùng với Xuân ghi được những mốc son lịch sử chói lọi trong thời đại Hồ Chí Minh. Mùa Xuân năm 1954 với chiến thắng Điện Biên Phủ “vang dội địa cầu” buộc thực dân Pháp đầu hàng, rút quân khỏi Việt Nam sau gần 100 năm đô hộ, mở ra kỷ nguyên mới với dân tộc Việt Nam và là ngọn cờ vẫy gọi các dân tộc bị nô lệ vùng lên giải phóng khỏi ách đô hộ của chủ nghĩa thực dân.

Sau chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968 và chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 ở Hà Nội, buộc Mỹ phải ký hiệp định rút hết quân xâm lược khỏi miền Nam Việt Nam vào mùa Xuân năm 1973. Đầu Xuân năm 1975 Bộ Chính trị họp (6/01/1975) nêu quyết tâm giải phóng miền Nam. Trận thắng ngày 10/3/1975 ở Buôn Mê Thuột, mở đầu chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vào mùa Xuân năm 1975, đánh thắng đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. “Mùa Xuân đầu tiên” Việt Nam giành độc lập và thống nhất toàn vẹn lãnh thổ; “Mùa Xuân theo én về” báo hiệu sự suy vong của chế độ thực dân mới.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đồng chí lãnh đạo Trung ương chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo tỉnh.

Sau chiến thắng “hai đế quốc to” và ở biên giới, Việt Nam phải đương đầu với trận chiến mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra: “Nếu dân tộc độc lập mà dân không được hưởng tự do thì độc lập không có ý nghĩa gì”, đất nước đã “rũ bùn” bật dậy cùng Xuân tìm ra con đường vượt qua nghèo nàn, lạc hậu và sự trì trệ. Mùa Xuân năm 1986 Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 31-NQ/TW (ngày 24/2/1986) về việc xử lý kiên quyết, nhanh chóng tình thế, đưa hoạt động kinh tế - xã hội vượt qua khó khăn. Cùng với các Nghị quyết 6, 7, 8 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa V) trước đó, Nghị quyết số 31 ghi dấu mốc lịch sử với việc hình thành tư tưởng đổi mới. Từ đó Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đề ra đường lối đổi mới với tư duy: “Phải nhìn thẳng vào sự thật”; “Dám thay đổi lối mòn tìm ra cái mới”, từng bước thực hiện cơ chế thị trường thay cho cơ chế quan liêu bao cấp không còn phù hợp. Quá trình đổi mới cơ chế quản lý kinh tế từng bước vừa thử nghiệm, sửa đổi, bổ sung; vừa sáng tạo để định hình và hoàn thiện dần cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN. Vào mùa Xuân năm 1988 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 10-NQ/TW về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp (còn gọi là khoán 10) đã tạo nên “một cú hích” mạnh mẽ cho sản xuất nông nghiệp. Từ một nước thiếu lương thực triền miên, đến năm 1989 sản lượng lúa cả nước đạt 21,5 triệu tấn và lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu được 1,2 triệu tấn gạo. Đây là “thành tựu như trong mơ” có được nhờ cơ chế mới cũng ra đời vào mùa Xuân.

Gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới khởi nguồn từ mùa Xuân 1986 với những chủ trương, chính sách và cơ chế có tính đột phá mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, đất nước đã đạt được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn để có được cơ đồ như ngày nay. Quy mô, trình độ nền kinh tế tăng gấp 13 lần, GDP đạt 433 tỷ USD, bình quân đầu người 4340 USD, kim ngạch xuất khẩu tăng 295 lần. Có 143 nước và vùng lãnh thổ trực tiếp đầu tư vào Việt Nam (FDI) với số vốn tăng 22 lần. Hộ nghèo giảm từ 58% xuống dưới 4% theo chuẩn mới. Từ một nước nghèo và lạc hậu, lại bị chiến tranh tàn phá nặng nề, bị bao vây cấm vận Việt Nam đã thoát ra, vươn lên vào tốp các nước có thu nhập bình quân trung bình. Hiện là nước xuất khẩu nông sản đứng ở tốp đầu; có đối tác thương mại với 220 quốc gia, vùng lãnh thổ, là bạn hàng đứng thứ 7 của Hoa Kỳ. Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 191/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, là đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với 31 nước, thành viên của 16 Hiệp ước Quốc tế về thương mại tự do. Nền kinh tế có độ mở hàng đầu thế giới.

Vào mùa Xuân năm 2023 diễn ra cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Tổng thống Joe Biden. Tổng thống Hoa Kỳ đến thăm Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, đây là sự kiện lịch sử quan trọng đối với mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trong tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp. Việc Tổng thống Hoa Kỳ nhận lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đến thăm và tiến hành hội đàm tại Văn phòng của Trung ương Đảng chứng tỏ Hoa Kỳ thừa nhận vai trò lãnh đạo độc tôn của Đảng Cộng sản Việt Nam và uy tín của Tổng Bí thư Đảng ta. Tại cuộc hội đàm, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam và Tổng thống Hoa Kỳ nhất trí nâng quan hệ hai nước Việt - Mỹ lên đối tác chiến lược toàn diện, vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Hai nước tôn trọng độc lập thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau. Hoa Kỳ hứa sẽ hợp tác với Việt Nam vì hòa bình, độc lập, hùng cường, thịnh vượng.

Lịch sử đất nước ở thời đại Hồ Chí Minh phát triển cùng mùa Xuân, cứ nảy lộc, đâm chồi, ra hoa kết trái không ngơi nghỉ với thời gian. Đường lối cách mạng cùng với mục tiêu phấn đấu theo con đường đã chọn luôn được sáng tạo, bổ sung và hoàn thiện, với những cơ chế, chính sách ứng phó linh hoạt để phù hợp với tình hình, cũng như mùa Xuân luôn ứng biến với đất trời để phát triển xanh tươi.

Bước vào Xuân năm 2024, đất nước vững tin với những thành quả đã gặt hái được cũng như những hứa hẹn đang chờ đón. Đó là những năm tới Việt Nam phấn đấu gia nhập hàng ngũ các cường quốc nằm trong chuỗi công nghệ bán dẫn toàn cầu; nghiên cứu, sản xuất sản phẩm chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), phát triển kinh tế kỹ thuật số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo… Việt Nam là địa chỉ tin cậy, điểm đến đầy tiềm năng với những nhà đầu tư công nghệ cao, công nghệ tái tạo tầm cỡ thế giới.

Vào mùa Xuân năm 2023 đã tiến hành sơ kết giữa nhiệm kỳ với những kết quả và bài học rút ra được, ta càng tự hào và vững tin mục tiêu mà Đại hội Đảng lần thứ XIII (diễn ra vào mùa Xuân năm 2021) đã đề ra. Phấn đấu năm 2024 kinh tế tăng trưởng 6-6.5%; năm 2025 thu nhập bình quân đầu người 4.700-5.000 USD; năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để đạt được mục tiêu đó, cần tập trung vào các mũi đột phá chiến lược, trong đó quan trọng nhất là hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ; tăng cường sức mạnh tổng hợp và nguồn nhân lực con người Việt Nam kết hợp với vai trò của khoa học công nghệ; phát huy dân chủ, khối đại đoàn kết, giá trị văn hóa dân tộc với khát vọng đưa đất nước phát triển thịnh vượng, bừng dậy sức Xuân, “sánh vai cùng cường quốc năm châu”.

TS. Đặng Duy Báu

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/thoi-su-chinh-tri/202402/xuan-voi-doi-moi-sang-tao-032740a/