Xuân về vang tiếng cồng, chiêng bản Mường

Mùa Xuân về, là khi những cây mơ, cây mận bung nở hoa trắng muốt, dịu dàng trên những vạt rừng đồi; là khi những phụ nữ Mường xúng xính trong váy áo mới rực rỡ sắc màu, tất bật chuẩn bị những món ăn cổ truyền ngày Tết để dâng lên tổ tiên, mời khách quý... Đối với người Mường ở Nho Quan, vào những ngày đầu xuân năm mới thường không thể thiếu vắng tiếng cồng, chiêng 'pinh, pòng, pinh... pồng pênh pồng....', tạo nên không khí rộn ràng, vui tươi khắp các bản làng.

Biểu diễn cồng chiêng tại Festival Ninh Bình 2022 - Tràng An kết nối di sản. Ảnh: Minh Quang

Biểu diễn cồng chiêng tại Festival Ninh Bình 2022 - Tràng An kết nối di sản. Ảnh: Minh Quang

Bà Bùi Thị Dung, Hội trưởng Hội cồng, chiêng giáo xứ Đồng Bài, xã Quảng Lạc (huyện Nho Quan) cho biết: Người Mường Quảng Lạc sử dụng cồng, chiêng vào các dịp đón năm mới, lễ mừng nhà mới, lễ hội mùa Xuân, ngày lễ trọng của Nhà thờ xứ, ngày đại đoàn kết toàn dân của thôn, xã, các dịp lễ kỷ niệm, ngày hội văn hóa các dân tộc của huyện, của tỉnh...

Trong những dịp này, đặc biệt trong lễ hội Xuân năm mới, tiếng cồng, chiêng lại vang lên, với những thanh âm "ping, pòng, pinh..." rất thân quen, gần gũi, tạo thành những âm thanh vang vọng vào vách núi, đồng rừng, không chỉ là niềm vui khi năm mới đến, mà còn mang ý nghĩa linh thiêng, mời tổ tiên nơi Mường Trời về ăn Tết, vui Xuân.

Hội cồng, chiêng giáo xứ Đồng Bài, xã Quảng Lạc hiện có trên 30 thành viên, là những phụ nữ người Mường, theo đạo Công giáo, rất nhiệt tình và tâm huyết với việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống quê hương. Hội đã sưu tầm và lưu giữ được trên 30 chiếc cồng, chiêng lớn nhỏ. Các thành viên trong Hội gồm hầu hết là nữ giới, người cao tuổi nhất đã ở tuổi ngoài 70, ít tuổi nhất cũng ngoài 30.

Bà Bùi Thị Nhiệm, thôn Đồng Bài chia sẻ: Tôi đã tham gia Hội cồng, chiêng được gần chục năm, giờ tuổi cao, không còn sức khỏe và sự nhanh nhẹn để vừa cầm, vừa đánh, vừa di chuyển khi biểu diễn cùng chiếc chiêng nặng vài kg được nữa. Nhưng tôi động viên con, cháu tham gia.

Quan điểm của tôi là, đồng bào Mường cần phải có trách nhiệm, bởi đó là truyền thống, là tinh thần, nét văn hóa đẹp của dân tộc, bản làng mình, để giữ gìn và phát huy cho hôm nay và mai sau. Tại xã Cúc Phương, các hoạt động văn hóa, văn nghệ mang đậm bản sắc truyền thống dân tộc Mường đã và đang được khôi phục lại, không ngừng phát huy trong đời sống đương đại, trong đó có việc sưu tầm, bảo vệ và sử dụng các nhạc cụ cồng, chiêng.

Ông Đinh Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Cúc Phương cho biết: Là người con sinh ra và lớn lên ở bản Mường, ngay từ nhỏ, tôi đã biết và hiểu được ý nghĩa độc đáo của tiếng cồng, chiêng. Người Mường đã thổi hồn cho cồng, chiêng và sáng tác ra những điệu nhạc, màn biểu diễn mang đậm nét văn hóa của riêng dân tộc mình.

Thực ra, mỗi chiếc cồng, chiêng thường mang trong đó yếu tố tâm linh, được đồng bào Mường gửi gắm vào đó nhiều điều mong ước. Những chiếc chiêng lớn thường được đặt trang trọng trong mỗi nhà. Đó là tài sản quý trong mỗi gia đình và không dễ gì được gia chủ cho mượn, cho xem... "Ngay từ thời niên thiếu, chúng tôi đã được cha mẹ truyền dạy và có tình yêu tha thiết với cồng, chiêng cũng như những bài hát bằng tiếng Mường. Với sự hướng dẫn của người lớn, chúng tôi sớm biết phân biệt rõ cồng với chiêng. Như cồng thường cỡ nhỏ, dày hơn, còn chiêng thường là loại to, mỏng hơn.

Đồng thời cũng xác định được chức năng, như cồng là phát đi tín hiệu, truyền tin tức, còn chiêng tham gia đánh nhạc. Hai loại cồng và chiêng có cấu tạo và mục đích sử dụng khác nhau, nhưng phải đi với nhau thì mới hòa quyện thành một màn biểu diễn thống nhất.

Việc bảo quản, sử dụng cồng chiêng được giao cho người có tính cẩn thận, thực hiện nghiêm túc việc để vào từng chỗ cố định, không úp xuống mặt đất và thường xuyên lau chùi cho sạch sẽ, bóng đẹp..." - ông Xuân chia sẻ thêm. Là người gốc dân tộc Mường, lại là lãnh đạo xã Cúc Phương, hiện nay ông Đinh Văn Xuân rất tích cực trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống của quê hương.

Bản thân ông Xuân đang có trong tay 13 chiếc cồng, chiêng lớn nhỏ, được "thừa hưởng" từ đời cha, ông. Không giữ làm của riêng mình, ông Xuân thường xuyên cho CLB cồng, chiêng của xã mượn để tập luyện, biểu diễn. Đồng thời, ông Xuân cũng tích cực hỗ trợ, động viên để khôi phục lại những nét văn hóa tiếng Mường; ném còn; đánh mảng; biểu diễn cồng, chiêng…

Bà Bùi Thị Kim Dung, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh huyện Nho Quan cho biết: Do đặc điểm địa lý và đời sống tâm linh của người Mường nên việc khôi phục và giữ gìn nét văn hóa cồng chiêng, đặc biệt sưu tầm những chiếc cồng, chiêng đạt tiêu chuẩn là không dễ. Năm 2017, UBND huyện đã xây dựng đề án "Bảo tồn văn hóa cồng chiêng dân tộc Mường", trong đó chú trọng đến công tác phục dựng lại nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cồng chiêng và tạo không gian sinh hoạt văn hóa cồng chiêng cho đồng bào Mường.

Hiện toàn huyện đã thành lập được 7 CLB văn hóa nghệ thuật ở 7 xã có đông đồng bào dân tộc Mường sinh sống. Còn tại mỗi xã, đều thành lập các CLB, tổ, nhóm, đội văn hóa, nghệ thuật riêng về hát, múa giao duyên, biểu diễn cồng chiêng, đi cà kheo, ném còn, đánh mảng...

Riêng các đội cồng chiêng, hiện đã sưu tập và lưu giữ được ở một số xã, mỗi đội có hàng chục người tham gia và hàng chục chiếc cồng, chiêng trở lên như ở Cúc Phương, Quảng Lạc, Kỳ Phú, Phú Long, Thạch Bình...

Hàng năm, huyện Nho Quan duy trì tổ chức Ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc, là dịp để nhân dân các dân tộc cùng hội tụ giao lưu văn hóa, tăng thêm sự đoàn kết, góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần vui tươi, lành mạnh, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Mới đây, ngày 3/10/2022, UBND huyện Nho Quan ban hành Kế hoạch số 147/KH-UBND xây dựng Đề án "Bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Mường gắn với phát triển du lịch" giai đoạn 2023-2030.

Đề án nghiên cứu giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Mường đối với 7 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của huyện Nho Quan, gồm: Cúc Phương, Kỳ Phú, Phú Long, Quảng Lạc, Yên Quang, Văn Phương và Thạch Bình. Qua đó thực hiện đồng bộ các giải pháp để khôi phục, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường trên địa bàn huyện, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế - xã hội. Nho Quan phấn đấu xây dựng huyện trở thành "Điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn với bạn bè, du khách trong nước và quốc tế".

Người Mường đã thổi hồn cho cồng, chiêng và sáng tác ra những điệu nhạc, màn biểu diễn mang đậm nét văn hóa của riêng dân tộc mình. Thực ra, mỗi chiếc cồng, chiêng thường mang trong đó yếu tố tâm linh, được đồng bào Mường gửi gắm vào đó nhiều điều mong ước.

Hạnh Chi

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/xuan-ve-vang-tieng-cong-chieng-ban-muong/d20230111150939630.htm