Xuân về trên Langbiang

Cao nguyên Langbiang (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) mùa này nắng sớm, sương chảy mềm trắng muốt dưới thung lũng dần tan đi... Cũng là lúc những cô gái Lạch xiêm y lộng lẫy, men theo lối mòn lên đỉnh núi Mẹ chào đón mùa xuân.

Cận Tết đoàn tụ, chứng kiến sự đổi thay thần kỳ trên quê hương mình, ông Pang Ting Uôk (SN 1950), nguyên Phó ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng, trước bữa ăn với đầy đủ các món ngon vẫn không quên căn dặn con cháu nhớ về những ngày cực khổ. Đó là cách để ông dạy dỗ thế hệ sau ghi nhớ, trân trọng thành quả lao động to lớn mà gia đình và bà con dân tộc mình đã tạo ra dưới sự dẫn dắt của cấp ủy, chính quyền địa phương.

Người Lạch ở Langbiang phát huy văn hóa truyền thống để làm du lịch.

Không tự hào sao được, khi trong quá khứ, Langbiang chỉ là vùng đất đồi núi nghèo nàn, nơi khởi thủy của tổ tiên người Lạch (một nhánh của dân tộc Kho). Như nhiều dân tộc thiểu số khác ở Tây Nguyên, xa xưa người Lạch chỉ biết chăn nuôi trâu, ngựa nhỏ lẻ tự phát hoặc trồng cà phê, trỉa bắp men theo những rẻo cao trên sườn núi và phó mặc cho tự nhiên. Ai cũng hiểu, những ngày đói kém trong năm của các gia đình dưới chân núi Langbiang lúc nào cũng kéo dài thườn thượt. Một bữa ăn đầy đủ vốn là nhu cầu thiết yếu của con người hóa trở thành mong ước xa xỉ đối với hầu hết các gia đình bà con người Lạch.

Nhưng nay, Langbiang đã bừng thức giấc, khác xưa rất nhiều. Hàng trăm căn biệt thự sang trọng, lộng lẫy trong ánh đèn điện đủ màu sắc sáng rực mỗi đêm. Những ngày cận Tết này, khi công việc mùa màng bận rộn đã tạm khép lại, thị trấn nhỏ nép mình dưới chân núi Langbiang lại rộn ràng thanh âm chào đón mùa xuân. Người người, nhà nhà tràn ra chợ mua sắm thực phẩm ăn mừng, chúc tụng nhau hạnh phúc sum vầy những ngày Tết.

Dưới bàn tay, khối óc, lao động cần mẫn, sáng tạo, sự chung tay đồng lòng, đoàn kết chung sống của các dân tộc dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, vùng đất Langbiang từ cằn cỗi năm xưa nay đã cởi bỏ khỏi lớp vỏ của sự nghèo nàn, lạc hậu.

Không chỉ áp dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và giá trị kinh tế, bà con đồng bào dân tộc thiểu số đã vận dụng sáng tạo phong tục, tập quán, nét văn hóa truyền thống độc đáo gắn liền với không gian văn hóa cồng chiêng đã được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại để làm du lịch, thu hút du khách tới tham quan, phát huy thế mạnh và làm giàu cho gia đình, quê hương.

Với bà con, cồng chiêng là thứ không thể thiếu đối với một đời người. Nó hiện diện ngay ở lễ thôi nôi và kết thúc vào ngày bỏ mả. Sinh ra với tiếng chiêng và tiễn biệt trần thế trở về đất mẹ cũng với tiếng chiêng. Bởi vậy, người Lạch có cách cảm thấu thanh âm cồng chiêng tinh tế tới lạ. Người ta dùng tiếng chiêng để bày tỏ nỗi lòng, xúc cảm. Lúc thể hiện sự giận dữ, khi lại thủ thỉ tâm tình, sẻ chia trăn trở buồn vui. Cồng chiêng gắn kết thực tại với quá khứ xa xưa.

Chẳng biết từ khi nào, đỉnh núi cao nhất trong vùng đã gắn liền với huyền thoại của cộng đồng người Lạch, đó là chuyện tình buồn về nàng Lang và chàng Biang. Với cư dân địa phương, mọi thứ có thể bị thời gian lãng quên nhưng tình sử về nàng Lang và chàng Biang thì họ luôn dặn dò con cháu ghi lòng tạc dạ. Đó không chỉ là biểu tượng của tình yêu nam nữ tự do, bình đẳng, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, mà còn là sự đoàn kết, chung sống thuận hòa giữa các cộng đồng, dân tộc khác nhau.

Chuyện kể rằng, nàng Lang và chàng Biang vốn là người của hai bộ tộc khác nhau gắn với lời nguyền “không đội trời chung”. Sau lần vô tình gặp gỡ trên rừng sâu, tình yêu trong họ bùng lên mãnh liệt. Bị dòng tộc chia cách, ngày nhớ đêm mong, tình yêu quá sâu nặng nhưng cả Biang và Lang đều không thể vượt qua ranh giới của lời nguyền luật tục khắc nghiệt để trở thành vợ chồng.

Cuối cùng, cả hai dắt nhau lên đỉnh núi cao nhất vùng, lấy cái chết để chứng minh cho dòng tộc và các bộ lạc khác, tình yêu nam nữ là tự do bất diệt. Chuyện tình của nàng Lang và chàng Biang đã làm lay động khắp các cộng đồng bộ tộc trong vùng. Từ đó, họ có cái nhìn mới về tình yêu, cho nam nữ của các bộ tộc tự do yêu nhau, cưới nhau làm vợ chồng. Nơi nàng Lang và chàng Biang qua đời, để tưởng nhớ họ, người Lạch sinh sống dưới chân núi đặt tên là Langbiang.

Trong căn nhà khang trang ngay dưới chân núi Langbiang, ông Pang Ting Uôk cho biết, trước đây dưới chân núi này chỉ có người Kho - Lạch sinh sống thì nay, hàng chục dân tộc khác từ mọi miền Tổ quốc cũng về đây làm việc, sinh sống và lập nghiệp. Người Lạch, người Kinh, người Mường, người Thái… đã hội ngộ về chân núi Langbiang, đoàn kết làm ăn, cùng hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất rau, hoa và đẩy lùi khó khăn, nâng cao đời sống. Trong quá khứ, người Lạch thường không ăn Tết Cổ truyền, khi người Kinh và các dân tộc khác tới đây lập nghiệp, cùng nhau chung sống, trao đổi văn hóa, nay tất cả đã cùng nhau ăn Tết Cổ truyền, chào đón năm mới.

Khắc Lịch

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/chuyen-dong-van-hoa/xuan-ve-tren-langbiang-i722177/