Xuân về trên huyện nông thôn mới

Những ngày này, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang rộn ràng vào xuân, từ trang trí nhà cửa, đường hoa, cho đến chợ hoa, làng nghề trên địa bàn huyện đã trở nên nhộn nhịp để phục vụ nhu cầu mua sắm, thưởng lãm của người dân khi Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đang đến gần.

NHỘN NHỊP ĐƯỜNG HOA XUÂN

Huyện Gò Công Tây đã đưa Đường hoa Xuân Giáp Thìn 2024 tại tuyến đường Phạm Đăng Hưng (khu phố 3, thị trấn Vĩnh Bình) để phục vụ nhu cầu vui xuân của người dân. Đường hoa xuân năm nay được thiết kế cổng chào đẹp mắt; đặc biệt thu hút nhiều hộ kinh doanh hoa kiểng các nơi trong và ngoài huyện Gò Công Tây về buôn bán tại đường hoa.

Bà Phạm Thị Trang, chủ gian hàng kinh doanh hoa tại Đường hoa Xuân Giáp Thìn 2024 ở huyện Gò Công Tây chia sẻ, năm nay, các loại hoa đa dạng, phong phú, bên cạnh mai vàng, hoa cúc, vạn thọ, cát tường truyền thống, còn có các loại hoa giống mới lạ như: Cúc Hàn Quốc, cúc Pico, cúc Hà Lan, cúc mâm xôi đủ màu cam, đỏ, tím, các giống hoa ly, bông giấy đủ màu sắc rực rỡ... có giá bán từ 60.000 đồng - 150.000 đồng/1 cặp, tùy loại hoa.

Không khí mua bán nhộn nhịp tại các gian hàng kinh doanh hoa kiểng trên Đường hoa Xuân Giáp Thìn 2024 ở huyện Gò Công Tây.

Theo Ban Tổ chức Đường hoa Xuân Giáp Thìn 2024, các gian hàng đều được bố trí gọn gàng, trưng bày đẹp, hiện tại việc buôn bán hoa kiểng tại đường hoa xuân cũng nhộn nhịp hơn. Việc tổ chức đường hoa xuân là nét đẹp truyền thống mang không khí tết đến với mọi người, mọi nhà. Người dân có thể đi dạo ngắm hoa, chụp ảnh, mua sắm những loại hoa kiểng yêu thích mang về tô điểm thêm cho ngôi nhà để tạo không khí vui tươi, náo nức đón Tết cổ truyền dân tộc.

TẤT BẬT LÀNG NGHỀ

Cùng với không khí nhộn nhịp của đường hoa, chợ hoa xuân, thì người dân xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây lại tất bật vào vụ làm bánh tráng khoai mì mùa tết.

Bánh tráng được chế biến từ khoai mì là đặc sản của người dân xã Vĩnh Hựu, có từ lâu đời. Bánh được tráng thủ công từ đôi bàn tay khéo léo của những người dân khu vực Xóm Chổi, xã Vĩnh Hựu. Bà Trần Thị Liên, người dân ấp Phú Quý, xã Vĩnh Hựu cho biết, người dân trong xã tập trung làm bánh tráng vào khoảng tháng Chạp. Vào thời điểm này, các hộ làm bánh tráng khoai mì của ấp Phú Quý bắt đầu tỏa ra khắp nơi trong huyện Gò Công Tây để thu mua khoai mì, thường là loại khoai mì củ tròn, to chắc để cho ra bột dẻo thì bánh mới ngon.

Từ sáng sớm, người làm bánh tráng đã thức dậy gọt, rửa khoai mì sạch sẽ và đưa vào máy nạo lấy phần bột, hấp chín, quết nhuyễn mịn, rồi trộn với các nguyên liệu sữa, đường, nước cốt dừa, đặc biệt là không dùng phẩm màu hay chất tạo mùi, chất bảo quản trong chế biến, 100% làm từ các nguyên liệu tự nhiên tạo nên hương vị đặc trưng riêng mà không nơi nào có được.

Bánh tráng khoai mì làm ra được mang bỏ mối khắp các chợ trong và ngoài huyện Gò Công Tây, được nhiều người đặt làm quà biếu trong dịp tết. Trung bình 1 hộ có thể làm từ 1.500 đến 2.000 cái bánh tráng/ngày. Giá bánh tráng loại thường khoảng 25.000 đồng/chục, loại đặc biệt khoảng 60.000 đồng/chục.

Trong những ngày Tết cổ truyền dân tộc, mọi người quây quầng bên nhau ăn bánh tráng khoai mì ngọt nhẹ, nhâm nhi cùng tách trà nóng, kể nhau nghe những câu chuyện của năm cũ, cùng những dự định cho năm mới làm ai cũng thích và càng thêm yêu quê hương mình...

KIM LAN - QUẾ ANH

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/xa-hoi/202402/xuan-ve-tren-huyen-nong-thon-moi-1002952/