'Xuân thu sử thi Bắc Kỳ', cuốn sách 'giao thoa' văn hóa Đông - Tây

Cuốn sách 'Xuân thu sử thi Bắc Kỳ' trình bày những triết lý văn hóa phương Đông nhưng chứa đựng những góc nhìn đậm dấu phương Tây, nên có thể coi cả cuốn sách như một sự giao thoa của văn hóa Đông - Tây.

Ngày 4/7, Viện Pháp tại Hà Nội tổ chức giới thiệu cuốn sách “Xuân thu sử thi Bắc Kỳ” và tọa đàm văn hóa “Xuân thu sử thi Bắc Kỳ” - nhìn từ tiếp xúc Pháp Việt đầu thế kỷ XX.

Cuốn sách “Xuân thu sử thi Bắc Kỳ” - tác giả là học giả người Pháp Pierre Foulon, dịch giả Phan Tín Dụng chuyển ngữ.

Các diễn giả trao đổi tại tọa đàm “Xuân thu sử thi Bắc Kỳ - Nhìn từ tiếp xúc Pháp - Việt đầu thế kỷ XX”. Ảnh: VOV

Đây là cuốn sách “lạ” khi 4 chương của cuốn sách được gọi tên bằng 4 mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông; “lạ” khi lời dẫn đầu được viết bằng một phong cách rất thơ: “Lời ngỏ bên thềm” và “lạ” khi Foulon đã đem đến một cuộc đối thoại vô hình trong tưởng tượng của hai nhà hiền triết Đông - Tây là Khổng Tử và Socrate.

4 chương của “Xuân thu sử thi Bắc Kỳ” được dựa trên cảm hứng “triết học tứ quý” của Kinh Xuân Thu và sách Lễ ký của triết học Khổng Tử. Từ những vấn đề đầy lý luận như thơ ca, triết học, nghệ thuật dân gian, chính trị, thời cuộc, cho tới các khía cạnh gắn liền với hiện thực như lối sống, nghi lễ, dịch bệnh, công việc đồng áng (tịch điền) hay những chủ đề “siêu thực” về cái chết hay bóng đêm đều được học giả Pierre Foulon phân tích sâu sắc.

Nhưng điều Foulon bàn luận tới có lẽ cởi mở hơn vì “Xuân thu sử thi Bắc Kỳ” chứa đựng những trang sách hấp dẫn về khía cạnh tôn giáo của lễ hội, trong khi nhà hiền triết của nước Lỗ cho rất ít thông tin về đời sống tín ngưỡng trong tác phẩm của mình.

Ở chương Mùa Xuân, tác giả đã đưa ra những miêu tả về 4 tầng lớp trong xã hội Việt Nam lúc đó (sỹ, nông, công, thương), đời sống văn hóa nghệ thuật, tám nhạc cụ (bát âm), rồi theo chân Paul Giran (tác giả cuốn “Phù thuật và tín ngưỡng An Nam”) góp thêm cái nhìn về tư duy tôn giáo, tín ngưỡng của người dân bản địa.

Tọa đàm giới thiệu và bàn luận khái quát câu chuyện về văn hóa Việt Nam qua góc nhìn của trí thức người Pháp Pierre Foulon. Ảnh: BTC

Pierre Foulon cũng lý giải về sự khác biệt giữa Tết Nguyên đán và Tết Tây để khẳng định rằng đó là những nét tinh túy mà xét ở góc độ nào đó, người Pháp vẫn có thể thấu hiểu người Việt vì đều có gốc gác là “hai dân tộc nông dân.”

Ở chương Mùa Hạ, tác giả tập trung hơn vào lối sống, nghi lễ, công việc đồng áng và sinh hoạt thị thành.

Những phân tích, liên tưởng độc đáo của tác giả được thể hiện rõ hơn ở chương Mùa Thu khi ông gắn mùa Thu với đời sống văn hóa - văn học. Tác giả Pierre Foulon dành nhiều lời khen ngợi cho các nhà thơ Việt như Tản Đà, Nguyễn Khuyến…

“Xuân thu sử thi Bắc Kỳ” khép lại với chương Mùa Đông, hé lộ những cảm xúc cá nhân, những câu chuyện về gia đình tác giả trải qua ba thế hệ làm ăn, sinh sống ở ngoại thành Hà Nội.

Cuốn sách là một sự tổng hòa về nghệ thuật khi thiết kế trình bày khi sách được thực hiện bởi họa sĩ Tô Ngọc Vân - một trong tứ trụ của nền hội họa Việt Nam. Tranh bìa được họa sĩ Nguyễn Tiến Lợi làm từ tranh khắc dân gian thường bày bán trong dịp giáp tết trên hè phố và chợ Bắc Kỳ với mô típ tranh Tam đa quen thuộc.

Theo GS.TS Đỗ Quang Hưng, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo, cuốn sách “Xuân thu sử thi Bắc Kỳ” trình bày những triết lý văn hóa phương Đông đồng thời cũng chứa đựng những góc nhìn đậm dấu phương Tây của tác giả, vậy nên có thể coi đây như một sự giao thoa của văn hóa Đông - Tây.

Cuốn sách “Xuân thu sử thi Bắc Kỳ” là một sự tổng hòa về nghệ thuật khi thiết kế trình bày

GS.TS Đỗ Quang Hưng cũng cho rằng, tác phẩm phản ánh đời sống tinh thần, vật chất, không sa lầy sự kiện chính trị, hiểu được lịch sử Bắc Kỳ qua tâm thức nhân vật, chất liệu viết sử đặc biệt. Hơn nữa, Foulon viết sử Bắc Kỳ dưới góc nhìn triết học, văn hóa, tôn lên chiều sâu cái đáng quý của người Việt Nam trong đời sống sinh hoạt, lễ nghi, thể hiện đậm nét giá trị triết lý tinh thần.

Thế Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/xuan-thu-su-thi-bac-ky-cuon-sach-giao-thoa-van-hoa-dong--tay-post254920.html