'Xuân sum vầy - Tết sẻ chia': Tết xa nhưng vẫn đậm tình quê

Với những du học sinh Việt Nam tại Liên bang Nga nói chung và Trường Đại học Xã hội quốc gia Nga nói riêng của chúng tôi, Tết Nguyên đán luôn là thời khắc xuyến xao nỗi nhớ quê hương, gia đình da diết.

Ở nơi cách xa Tổ quốc gần 7.000 km, giữa tuyết đầy trời, âm hàng chục độ C càng khiến chúng tôi trân quý những thời khắc ngắn ngủi được ngồi lại gần nhau, sẻ chia vị quê, vị Tết để "thêm mạnh khối đời" và gìn giữ từng góc cảnh quê hương, hồn cốt dân tộc nơi đất khách quê người.

Tết của chúng tôi nơi nước Nga lạnh giá

Chuyện Tết Việt ở Nga của chúng tôi!

Trường Đại học Xã hội quốc gia Nga có 33 đoàn viên, sinh viên Việt Nam thuộc các hệ đào tạo đang theo học. Nếu không tiết lộ, có lẽ nhiều người sẽ chưa hình dung hết những khó khăn, thử thách cho công tác Đoàn Thanh niên ở nước ngoài mà chương trình Tết vừa qua là một ví dụ.

Trong số 33 sinh viên, chỉ có 3 nam, còn lại là nữ. Số sinh viên ít nhưng chúng tôi lại được bố trí ở 3 khu ký túc xá xa nhau gần chục km. Ngày Tết ở quê thật đẹp nhưng ở Nga lại là những ngày đông giá lạnh, tuyết rơi đầy đường, thậm chí có lúc bão tuyết khiến việc di chuyển từ ký túc xá này đến ký túc xá khác thực sự khó khăn và mất nhiều thời gian.

Tôi được bố trí ở một ký túc xá không có một sinh viên Việt Nam nào và tách biệt với các bạn ở 2 ký túc xá còn lại. Thậm chí, có ký túc xá còn phải đi bộ lội tuyết băng qua một cánh rừng, đi metro kết hợp đi xe buýt mới đến nơi.

Dù tổ chức đơn sơ nhưng "Tết sẻ chia – Tết yêu thương" không thiếu những nụ cười và sự đầm ấm

Điều băn khoăn nhất khi tổ chức chương trình Tết là làm sao để các bạn tham dự đông đủ nhất có thể. Bởi thời điểm Tết cổ truyền Việt Nam lại không trùng lịch nghỉ đón năm mới ở Nga. Các bạn sinh viên vẫn bận học cả ca tối, số khác phải đi làm thêm, thêm nữa là các ký túc xá xa nhau, đi lại khó khăn khiến Ban Chấp hành chi Đoàn thiệt băn khoăn.

Tôi – bí thư chi đoàn khi ấy quyết định táo bạo. Khác với mọi năm, thay vì tập trung tổ chức ở một quán ăn như các nhiệm kỳ trước, ban tổ chức chúng tôi quyết định đổi mới. Với tinh thần "đến gần với các bạn đoàn viên", vừa gọn, nhẹ, nhanh chóng, tiết kiệm nhưng phải vui, ý nghĩa và nhiều đoàn viên tham gia nhất, ban tổ chức nhất trí tổ chức chương trình Tết theo cụm, tại từng ký túc xá.

Chương trình "Tết sẻ chia – Tết yêu thương" của chúng tôi!

Sẽ mãi không quên cảm giác Ban Chấp hành chi đoàn (khi ấy 3 người) cùng ban chấp hành đơn vị vừa đi bộ xuyên rừng trong đêm, lỉnh kỉnh mang quà bánh từ ký túc xá này qua ký túc xá kia tổ chức chương trình Tết. Thực ra, đây cũng là lần đầu tôi làm bí thư chi đoàn ở nước ngoài và tổ chức một chương trình Tết chưa có tiền lệ.

Do yêu cầu an ninh ở Nga, việc tổ chức chương trình Tết ở ký túc xá, chúng tôi không thể làm rình rang và quá lâu. Không băng rôn biểu ngữ, không kèn trống, không bàn ghế, chương trình "Tết sẻ chia – Tết yêu thương" khi ấy chỉ kéo dài chừng 30 phút ở mỗi ký túc. Có chỗ, chúng tôi làm ngay sảnh ra vào do không còn chỗ trống, có chỗ làm ngay tại khu giảng đường của ký túc. Mỗi ký túc xá đâu chừng 10 bạn, chúng tôi đứng quây quần bên nhau. Thiếu thốn là vậy nhưng không vì thế mà thiếu đi tiếng cười và sự đầm ấm!

Sau phần phát biểu chúc mừng năm mới, khen thưởng và trao quà cho các đoàn viên xuất sắc, chúng tôi hát cùng nhau một số bài hát Tết quê nhà. Vui nhất là tiết mục bốc thăm lì xì ngẫu hứng. Ai cũng háo hức dù biết giá trị vật chất trong ấy chẳng là bao. Mỗi phong bao lì xì, chúng tôi chuẩn bị tiền Việt kèm theo một câu chúc ấn tượng.

Vài trò chơi "hỏi xoáy – đáp xoay" với các câu hỏi về phong tục Tết cổ truyền, về lịch sử, văn hóa Việt Nam được chúng tôi lồng ghép cùng phần thi hát đối – đáp kiểu "cây nhà lá vườn". Mỗi nơi, chúng tôi gửi tặng một phần quà thật to, nhưng thực ra chỉ gồm mấy hộp bánh quy, kẹo, trái cây, vài chai nước ngọt "vừa túi tiền" sinh viên để các bạn có thể quây quần tự liên hoan với nhau trong ký túc.

Dù xa quê nhưng ai cũng nhận được phong bao lì xì và những câu chúc Tết

Tết, trong chúng tôi có hai thứ luôn mang theo bên mình

Ở đây, hoạt động phong trào còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Để tổ chức một chương trình Tết nho nhỏ, ấm cúng là cả một sự nỗ lực lớn của tập thể. Dù có thể không có đủ đầy chỗ ngồi, không sân khấu, không âm thanh, đèn chiếu rực rỡ, bánh kẹo, hoa quả nhưng có 2 thứ chúng tôi luôn mang theo bên mình: Cờ Tổ quốc và tình yêu quê hương, nỗi nhớ gia đình da diết.

"Tết sẻ chia – Tết yêu thương" ở trên như là cách chúng tôi kết chặt cuộc đời của những người trẻ xa quê lại với nhau thành một "khối" yêu thương và đoàn kết. Đấy cũng là cách chúng tôi từng ngày tự nhắc với lòng mình là người Việt Nam.

Đấy là cách để 33 bạn trẻ chúng tôi tự nhắc nhớ, gìn giữ, dưỡng nuôi truyền thống, cội nguồn dân tộc trong huyết quản của mình trước sức bật vô hình của thời gian. Tất cả gom góp, nén lại trong mỗi người trẻ chúng tôi và trở thành động lực học tập, vượt qua khó khăn, trở ngại để sống tốt, rèn luyện tốt, hoàn thành nhiệm vụ được giao, đáp đền tình cảm và kỳ vọng của quê hương, gia đình.

Nguyễn Hữu Hoàng, ảnh do tác giả cung cấp

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/xuan-sum-vay-tet-se-chia-tet-xa-nhung-van-dam-tinh-que-196240221091721528.htm