'Xuân sum vầy - Tết sẻ chia': Tết sum vầy

Tết đến xuân về, đã không còn như xưa, đơn giản hóa, nhất là thế hệ trẻ cưới xong là ở riêng, không còn hình ảnh tứ đại đồng đường trong một mái nhà

Càng ngày càng ít có 3 thế hệ sống trong một gia đình. 3 thế hệ gồm ông bà, cha mẹ và con cái, còn 2 thế hệ là cha mẹ và con cái thường bị bắt buộc về kinh tế hay neo người hơn là tự nguyện. Những ngày Tết, ngôi nhà 3 thế hệ thì ông bà vẫn là trung tâm, con cái, cháu chắt sẽ tập trung về. Rất phù hợp với những gia đình bố mẹ ở quê, con cái không ở cùng. Khi đó gia đình Tết sum vầy là nhà ông bà - cha mẹ, từng gia đình nhỏ tụ họp về.

Duy trì truyền thống

Ông bà, cha mẹ, con cái đã sống với nhau mấy chục năm và việc được gặp nhau, trò chuyện là điều cả nhà mong muốn nhất. Nhất là ông bà quãng đời máu thịt cùng nhau, con cháu tuổi trưởng thành có cả thanh xuân ở đó, một phần vốn sống chính là ký ức đẹp đã qua, tạo nên một bầu không khí thực sự ấm cúng, gần gũi, thân thương.

Giúp bọn trẻ hình dung thế nào là Tết sum vầy, sự gắn kết đại gia đình, để duy trì một truyền thống giá trị văn hóa Việt. Tết sum vầy hầu như đều rất vui, con cháu, cha mẹ đều tập trung ở nhà ông bà, các cháu thân thiết vì được gặp nhau. Mọi người đều thích không khí ấy, không phải chỉ vì được sống lại ký ức của gia đình mà còn giúp con cái có niềm tin, sau này cháu chắt sẽ tiếp nối được tình thân, có sợi dây để kết nối tình cảm với nhau.

Tết đến xuân về, ngôi nhà 3 thế hệ thì ông bà vẫn là trung tâm

Tết hiện đại thường chỉ 2 thế hệ, về thăm bố mẹ hai bên cho phải đạo, rồi các con cùng nhau đi du lịch, sẽ khiến mọi người nhàn hạ, bớt phiền toái hơn với các câu hỏi vô duyên như thưởng Tết bao nhiêu, chức vụ, lấy chồng, vợ chưa. Rất phù hợp với những ai đang ở cùng ba mẹ, ông bà, thì ủng hộ đi du lịch cho vui vì cả năm nhìn thấy mặt nhau rồi, đi để xả strees. Phải cẩn thận khi giảm lược thế hệ ăn Tết, bởi khi gia đình giảm thành viên là mất đi tình ruột thịt.

Anh chị em ruột nhiều nhà có khi Tết chẳng gặp nhau, không coi trọng anh chị em ruột thịt, nhưng lại muốn con cái của mình yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, ngược đời vậy đó. Mọi người không muốn ăn Tết ở nhà ba mẹ để đỡ phải dọn dẹp cho cái thân sướng, nhất là các nàng dâu thời "@", nhưng lại luôn nghĩ rằng sau này con cái sẽ tập trung về nhà mình sum vầy Tết. Cho dù bây giờ, dịch vụ chiều tới tận răng, siêu thị chợ búa cái gì cũng có, việc dọn dẹp nhà cửa, nếu có tiền thì thuê người đỡ vất vả. hơn xưa rất nhiều.

Tết ngày nay khác xưa nhiều lắm. Ai cũng văn minh hơn, không còn săm soi như xưa để suốt ngày phải khó chịu, rồi cãi nhau. Tết đã giảm bớt rất nhiều thủ tục, lễ, cúng, ăn uống… ít hẳn đi. Thậm chí có nhà chẳng sắm gì, bởi mùng 3 chợ đã họp, hàng quán đã bán lại. Nếu nhà ai cũng được như thế thì phụ nữ quá khỏe, việc chuẩn bị Tết trở nên nhẹ nhàng và không có nhiều thứ phải đau đầu nữa. Tết hiện đại có thể giảm bớt việc đi thăm họ hàng xa, hàng xóm láng giềng và tụ tập bạn bè nhậu nhẹt. Tết là dịp để gia đình sum họp, dịp để hàn huyên, chia sẻ.

Thay đổi để phù hợp

Đến hẹn lại lên, cứ đến tháng Chạp hằng năm là ba tôi làm đám giỗ cho ông bà nội, ông bà cố. Chọn ngày chủ nhật, tất cả mọi người đều được nghỉ, là ngày giỗ gộp chung để tổ chức, tất niên.

Ngày chính giỗ thì má tôi cũng nấu cúng một mâm trên bàn thờ ông bà, tổ tiên. Mỗi năm chỉ tổ chức một lần, dời giỗ sang ngày nghỉ cho tiện. Nói một cách chính xác, tháng Chạp không phải ngày giỗ, mà là buổi họp mặt người sống. Con cháu chỉ cần bánh, trái cây bày cúng trên bàn thờ. Mâm cơm cúng thì tự tay em dâu nấu, theo quan niệm của má tôi, tự tay nấu cúng nhằm thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông và tổ tiên dòng họ.

Hằng năm, gia đình tôi vẫn tận tụy với nhiệm vụ thiêng liêng ấy, vừa kính cẩn, vừa tự hào. Ngộ ra điều ấy, con cháu thấy lòng mình ấm áp lạ lùng. Tiệc đãi khách thì đặt dịch vụ, bao nhiêu bàn cũng có, không phải như ngày xưa, con cháu bận tối mắt, tối mũi trong bếp. Cả nhà tụ họp thắp nhang cúng ông bà, nhắc lại những kỷ niệm về người đã khuất. Chiều đám giỗ kéo nhau ra nghĩa trang gia tộc cúng viếng mộ, thắp nhang cho các ngôi mộ xung quanh. Ông bà kể cho con cháu đây là mộ ông bà cố, bác Hai, bác Ba, chú Tám, chú Chín…

Đám giỗ nhân ngày tất niên là dịp để anh chị em cao tuổi được gặp nhau

Ngày chủ nhật được nghỉ, nên cúng giỗ con cháu đều đủ mặt, các anh chị em họ lâu lâu mới gặp nhau nên chuyện trò rôm rả, kết nối ruột thịt, khiến bậc trưởng bối yên lòng. Những câu chuyện yêu thương như người này bị bệnh khó chữa, người kia khó khăn được nhắc lại để mọi người chung tay giúp đỡ. Tình thân họ hàng nhờ vậy mà xích lại gần nhau, khó phai mờ, có giao việc gì cũng vui vẻ nhận lãnh phần trách nhiệm. Ở thời buổi hiện đại, miễn mọi người đồng lòng, thuận tiện cho tất cả mọi người.

Thương kính ông bà, mỗi năm tụ họp một lần vào ngày cuối năm là đủ, đâu cần một năm cúng đủ cả chục lễ giỗ mà con cháu gặp là cãi nhau, rượu bia vào có khi lại có chuyện không hay. Thời hiện đại cần thay đổi để phù hợp, đám giỗ, tất niên diễn ra suôn sẻ, khách mời khen nức nở. Mọi người ăn uống vui vẻ, ngon miệng, ăn hết phần thức ăn một cách rất gọn gàng, không bỏ phí. Mọi thứ thật đơn giản, nhẹ nhàng, dễ chịu.

Chúng ta lãng phí rất nhiều thực phẩm vì đám giỗ quá nhiều. Sự hòa nhập cũng cần phải học, chỉ cần mỗi năm một lần đám giỗ lớn, kèm tất niên, nhẹ nhàng mà ngon, có thời gian để ngồi thảnh thơi, vừa ăn uống vừa trò chuyện, một sự giản tiện, nhẹ nhàng và không lãng phí thì có lẽ là tốt nhất.

Một giọt máu đào hơn ao nước lã

Ba tôi năm nay đã 90 tuổi, không còn minh mẫn, đi đây đi đó được như trước. Đám giỗ nhân ngày tất niên là dịp để anh chị em cao tuổi được gặp nhau. Bởi ngày chủ nhật, con cháu được nghỉ làm, mới có thời gian chở người già đi đám. Ba tôi còn một người chị trên 90 tuổi, cô Sáu lớn tuổi đi lại cũng khó khăn. Nhưng đám giỗ, tất niên cuối năm là vợ chồng con gái bằng mọi cách phải chở cô sang. Một là đi đám, hai là thăm em trai.

Cô Út năm nay cũng đã 80 tuổi, cô còn minh mẫn, đi đây đi đó còn được nhưng phải có người chở. Cô có gương mặt phúc hậu của những người có tính Phật, thường chỉ biểu lộ ra trong hoàn cảnh làm phúc, cứu người. Đi đám giỗ, nghe nhà ai khó khăn cô thường giúp đỡ. Thế hệ trẻ, những đứa con của anh chị em họ, nhờ đi đám mới gặp nhau, mới biết nhau, một giọt máu đào hơn ao nước lã.

Bài và ảnh: THU HIỀN (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng)

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/xuan-sum-vay-tet-se-chia-tet-sum-vay-196240214072206057.htm