Xưa là kế thừa, nay là phát huy

Qua thời gian, tín ngưỡng thờ Mẫu đã khẳng định giá trị đích thực, song việc bảo vệ và phát huy nét đẹp tín ngưỡng cũng đang đặt ra nhiều vấn đề.

“Đường chỉ mỏng manh”

Sau khi được UNESCO ghi danh, tín ngưỡng thờ Mẫu phát triển mạnh mẽ ở cả đồng bằng, đô thị và miền núi. Các đền, phủ, nơi thờ cúng chính của thờ Mẫu ngày càng được quan tâm, tu sửa, thu hút đông đảo quần chúng, nhân dân. Tuy nhiên, sự phát triển dường như đang bị khuynh hướng tự phát chi phối, nảy sinh không ít biểu hiện tiêu cực. Như lời nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, GS.TS. Nguyễn Chí Bền: “Nói rộng, ranh giới giữa tín ngưỡng và mê tín là một đường chỉ mỏng manh; nói hẹp, với tín ngưỡng thờ Mẫu, đường chỉ ấy lại càng mỏng manh hơn. Những năm qua, xu hướng hầu đồng bị lợi dụng, biến tướng, bị thương mại hóa… là có”.

Bên cạnh phát huy giá trị di sản là thách thức lớn làm sao bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa tín ngưỡng. Ảnh: Minh Đức

Nếu trước đây tín ngưỡng thờ Mẫu mang tính thuần túy về tâm linh, nhằm bày tỏ sự biết ơn công lao của thánh Mẫu, ước vọng sinh sôi, thì hiện nay, không ít người lợi dụng niềm tin ấy để “buôn thần, bán thánh”. Tại nhiều hội thảo, hội nghị, các chuyên gia đã chỉ ra hoạt động mê tín, dị đoan lợi dụng lòng tin, sự nhẹ dạ của con người đã thâm nhập vào các lễ hội tín ngưỡng thờ Mẫu. Cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, số người đến với Mẫu không phải để cầu mong sức khỏe, bình an, mà để xin lộc, vay mượn làm giàu. Tại một số đền, phủ đã có những biểu hiện đi ngược lại thuần phong, mỹ tục, thậm chí trái pháp luật nhằm trục lợi như tranh giành ảnh hưởng giữa các “con nhang”, kết hợp bói toán gây mất trật tự công cộng, đốt nhiều vàng mã làm ô nhiễm môi trường…

Theo nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Kim Loan, tín ngưỡng thờ Mẫu có điểm hay là không có quy định ngặt nghèo, không phân biệt, yêu cầu khắt khe về xuất thân, không có các cấm đoán. Trong bầu không khí tự do tín ngưỡng, tôn giáo, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu được phục hồi, phát triển, nhưng vẫn chưa thoát khỏi sự kỳ thị là “mê tín dị đoan”, “đồng bóng”… Sự kỳ thị này có nguyên nhân lịch sử song cũng từ chính những biến tướng diễn ra trong thực tế thực hành tín ngưỡng hiện nay. Một số cá nhân giả danh đồng thầy, lập điện không đúng với căn nghiệp nhằm thu tiền làm lợi cho mình... Do thiếu hiểu biết về tín ngưỡng, một số người tự “sáng chế” trang phục, cải biên hát văn, dâng nhiều vàng mã... Những biểu hiện như vậy không chỉ bóp méo bản chất lên đồng mà còn làm cho cộng đồng xã hội hiểu sai giá trị văn hóa đích thực của loại hình di sản này.

Do đó, các chuyên gia đã cảnh báo, thách thức lớn đối với Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu là làm sao bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa tín ngưỡng này. Đây là công việc lâu dài và đầy khó khăn.

Giữ giá trị cốt lõi của di sản

Nhiều ý kiến cho rằng, phát huy giá trị văn hóa của di sản, bên cạnh xử lý nghiêm những biểu hiện lệch lạc, chưa hay và chưa đẹp, lợi dụng tín ngưỡng này để trục lợi thì cần đẩy mạnh tuyên truyền, làm cho mọi người dân hiểu được giá trị tích cực của Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, để từ đó có ý thức đấu tranh, đẩy lùi hạn chế, phát huy cái tốt...

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Kim Loan kiến nghị tăng cường tuyên truyền cho công chúng hiểu và biết đến loại hình di sản bằng nhiều hình thức, không loại trừ cả thông qua nghệ thuật diễn xướng. Bên cạnh đó, Nhà nước cần hướng dẫn các đền, phủ thực hiện đúng nội quy, quy chế nhà đền, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự, an toàn xã hội. Bức xúc nổi cộm nhất hiện nay là mọc lên nhiều tổ chức, với tình trạng mua bằng vinh danh. Do đó, cần nghiêm túc chấn chỉnh hoạt động của các hội, tổ chức đứng ra vinh danh các thanh đồng, nghệ nhân nhằm mục đích trục lợi gây mất đoàn kết, ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm trong tín ngưỡng thờ Mẫu.

Theo nghệ nhân ưu tú Lưu Ngọc Đức, thủ nhang đền Lảnh Giang Vọng Từ, số 16 Hàng Hành, Hà Nội, rất cần có những quy định, phép tắc mang tính quy chuẩn về các bước hành lễ, các nghi thức liên quan, thậm chí cả về trang phục, văn chầu, lễ vật dâng cúng, đồ mã... tránh những cải biên tùy tiện, tự phát. Ngoài ra cũng cần có những quy định về đạo đức, phẩm hạnh của đồng thầy và con nhang đệ tử, quy ước về văn hóa ứng xử giữa các thành viên trong cộng đồng tín ngưỡng…

Thủ nhang, đồng đền, đồng thầy là những người đóng vai trò quyết định đối với việc định hướng văn hóa thờ Mẫu. Là người đứng đầu các bản đền, bản hội và tâm thức “trên kính Phật Thánh, dưới theo đồng thầy”, họ là những “thủ lĩnh tinh thần” có thể đào tạo, dẫn dắt con nhang đệ tử thực hiện các chuẩn mực, nền nếp của tín ngưỡng. Do vậy, theo GS.TS. Từ Thị Loan, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, rất cần phát huy vai trò của đội ngũ này trong việc trao truyền, thực hành di sản đúng cách, cũng như đề cao tâm đức trong việc phụng thờ Thánh, góp phần giảm thiểu biểu hiện tiêu cực trong thực hành tín ngưỡng. Theo đó, khuyến khích các thủ nhang, đồng thầy biên soạn, ghi chép lại cách thức thực hành tín ngưỡng đúng chuẩn mực của cha ông, tạo thành quy chuẩn trong các bước hành lễ để các thế hệ sau có căn cứ noi theo, từ đó bảo lưu những giá trị tốt đẹp của tín ngưỡng thờ Mẫu truyền thống.

Còn TS. Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội di sản văn hóa Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh thực hành tín ngưỡng tờ Mẫu đang phát triển mạnh mẽ trong đời sống đương đại, quan trọng nhất là nhận diện đâu là giá trị cốt lõi của di sản, đâu là kế thừa sáng tạo, đâu là biến tướng, có nguy cơ làm mai một hay ảnh hưởng đến “danh”, “diện” của di sản này. “Vấn đề quan trọng nhất ở truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ vẫn là trao truyền nhận thức về giá trị di sản, hướng dẫn thực hành và hành động bảo vệ di sản đó”.

Ngọc Phương - Thái Minh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/xua-la-ke-thua-nay-la-phat-huy-i333999/