Xứ vườn thời hội nhập

Huyện Phong Điền (Cần Thơ), một trong những cái nôi của miệt vườn Nam Bộ như nhà văn hóa Sơn Nam nhận xét nay có dáng đi, sức vóc chững chạc, bền vững thêm nhiều. Miệt vườn trỗi dậy nhờ ý Đảng đã quện chặt lòng dân.

Bến nước Vàm Xáng.

"Đây là cái bẫy bắt ruồi vàng, giữ cho cây không bị đục lá. Rất đơn giản nhưng hiệu quả vô cùng...", lão nông Nguyễn Văn Liền (Năm Liền) ở Vàm Xáng giải thích cho người khách tận Đồng Nai lặn lội xuống tìm hiểu cách ghép cành, xiết nước, láng da trái cam... Đã gần 60 tuổi, gia đình ba bốn đời trụ trên mảnh vườn này để sống, nuôi cả bầy con lớn khôn nên ông tường tận nghề vườn lắm. Khu vườn 2,5 ha của ông trồng đủ loại trái cây như cam, quýt, sầu riêng, chôm chôm, nhãn, măng cụt...

Cái "gốc" của Phong Điền chính là làng Nhơn Ái, từng được nhà "Nam Bộ học" Sơn Nam cho rằng đây chính là một trong những cái nôi của nền "Văn minh miệt vườn"; "Trai Nhơn Ái, gái Long Xuyên", "Trai Hai Huyện, gái Miệt Vườn". Vàm Xáng là nơi khởi đầu bên phía Cần Thơ của kinh Xà No, công trình thủy lớn đầu tiên của Nam Kỳ... Cách lập vườn của người xưa độc đáo lắm. Để tạo những giồng đất cao ráo cất nhà, lập vườn hay làm rẫy, người ta đào mương lấy đất đắp thành bờ, phơi đất khô cho hạ phèn để trồng trọt; lấy nước để tưới cây, có thêm tôm cá. Nước lớn tràn vô mương đem theo phù sa, nước ròng rút đi để lại lớp bùn; nhà nông chỉ cần vét bùn đó đấp lên các gốc cây là cây trái xanh um. Lại còn bí quyết trồng trái nghịch mùa, lợi tức tăng gấp bội. Khi ông Trương Vĩnh Ký bên Cái Mơn (Bến Tre) du nhập từ Mã Lai về các giống cây sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, bòn bon... thì làng Nhơn Ái cũng sớm trồng các loại cây này.

Bây giờ dạo khắp Phong Điền như bơi giữa mầu xanh. Phong Điền có hơn 60.000 ha vườn cây, chiếm 60% diện tích toàn huyện và chiếm một phần ba diện tích vườn toàn thành phố Cần Thơ. Hằng năm, địa phương cung ứng cho thị trường hơn 60.000 tấn trái cây các loại, với giá trị khoảng 600 tỷ đồng. Chỉ riêng chuyện cây dâu đã đầy mê hoặc. Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Phạm Văn Thành cởi mở: Đứng đầu bảng, nổi tiếng nhất là dâu Hạ Châu với 350 ha (năm 2020 quy hoạch lên 1.000 ha), đã được đăng ký độc quyền thương hiệu, mang lại thu nhập bình quân cho nhà vườn từ 150 đến 200 triệu đồng/ha/năm. Đây là một giống dâu được tuyển chọn, nhân giống từ năm 1960 có ruột mầu trắng sữa, ngọt thanh, pha chút chua dịu, phẩm chất vượt trội, xuất cả sang nước bạn.

Cam, quýt Phong Điền "số dách" từ xưa lận nhưng nay nhà vườn trồng cơ man là giống mới. Huyện vừa quy hoạch, xác định phát triển năm loại trái cây chủ lực (dâu Hạ Châu, chôm chôm, sầu riêng, vú sữa, nhãn) theo hình thức sản xuất chuyên canh.

Mấy năm gần đây, Phong Điền nổi lên thành điểm nhấn du lịch của Cần Thơ. Đặc biệt, sự kiện 17 hộ dân liên kết lập ra "Hợp tác xã Du lịch sinh thái Mỹ Long" gây xôn xao cả thành phố. Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền Trương Kim Khuyên cho biết: Nguyện vọng của dân cũng là mong muốn, trăn trở của lãnh đạo huyện. Phát triển du lịch sinh thái được đưa hẳn vào Nghị quyết của Đảng bộ. Các hộ dân được huyện hướng dẫn, đưa đi tham quan mô hình du lịch ở Tiền Giang, Vĩnh Long, An Giang; mở các lớp hướng dẫn du lịch, tiếng Anh... Cứ nhìn những lão nông 60-70 tuổi đêm đêm cọ rọ dắt cả cháu con vô lớp ngọng nghịu "Yes - No" mới thấy quyết tâm đổi đời của họ. Nay, mảnh vườn (2,5 ha) của ông Năm Liền ở Vàm Xáng kéo khách du lịch về "hút hồn" luôn; vườn của ông Mười Cương (xã Mỹ Khánh) lại đón khách đến tìm hiểu kỹ thuật trồng, chế biến những sản phẩm ca-cao như bột ca-cao đường, tách bơ ca-cao, rượu vang ca-cao, kẹo sô-cô-la...

"Việc HTX Du lịch sinh thái Mỹ Long ra đời đánh dấu sự chuyển đổi nhận thức và phương cách làm ăn mới từ chính người nông dân. Nếu được đầu tư đúng mức, Phong Điền sẽ là điểm du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp đậm nét miệt vườn sông nước", Phó Chủ tịch UBND huyện Trương Kim Khuyên nhận định: 33.845 lượt khách, trong đó có khoảng 12.550 lượt khách quốc tế đến với Phong Điền mỗi năm tạo nhiều thuận lợi, khi bước vào năm 2014, Cần Thơ sẽ xây dựng Nghị quyết đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Thanh Cường, Trưởng phòng Giáo dục huyện "hé lộ" bản dịch sắc thần đình làng Nhơn Ái được vua Tự Đức ban tặng (1852): "Quảng Hậu - Chính Trực - Hữu Thiện - Đôn Trang". Giật mình bởi tám chữ trong sắc phong sao có nội dung khá gần với tiêu chí xây dựng người Cần Thơ mới: "Trí tuệ - Năng động - Nhân ái - Hào hiệp - Thanh lịch". Văn hóa làng chính là "cái lõi" nội lực lại có sức thanh lọc "rác" của văn hóa ngoại lai mạnh lắm. Rõ vậy, nét đẹp dân xứ vườn thời nào cũng được chăm chút, tôn vinh.

Thu nhập bình quân đầu người của người dân trên tuyến lộ Vòng Cung (năm 2012) khoảng 24 triệu đồng/người/năm, cao hơn mức bình quân chung của huyện. Phó Chủ tịch Trương Kim Khuyên còn cho biết điều thú vị: sông nước Giai Xuân - Phong Điền đã góp phần tạo ra "kình ngư" Nguyễn Thị Ánh Viên, niềm tự hào của bơi lội Việt Nam tại SEA Games 27 vừa qua.

"Đoàn người từ Phong Điền ra đi tìm đất để lập nghiệp. Họ đi từng đoàn gồm bốn, năm chiếc xuồng và một chiếc ghe lớn. Dao, búa, cưa, nồi, thau đều chuẩn bị sẵn. Ghe lớn chở gạo, lúa ăn và lúa giống..." (Sơn Nam). Hôm nay, dáng đi, sức vóc Phong Điền mạnh mẽ, chững chạc, bền vững hơn nhiều. Năm 2013, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Phong Điền đạt 14,80% (năm 2004 là 12,92%). Bước vào hội nhập cần có một tư duy mới, cách làm mới, năng động hơn.

"Đường sá, điện, trường, xe gắn máy, ti-vi hộ nào cũng có; con cái học hành được cả cộng đồng chăm lo. Bây giờ làm vườn đâu chỉ đội nóp dùng phảng mà hướng đến nông nghiệp xanh, theo quy trình công nghệ VAC, VietGAP, Global G.A.P đàng hoàng à. Miệt vườn trỗi dậy nhờ thế và lực mới, nhờ tâm nguyện của Dân hòa cùng ý Đảng", lão nông Năm Liền hể hả.

"Có thương thì xin cứ đến chớ đừng lụy vì đò giang", câu hò e ấp trên môi thôn nữ làm hương xuân đất vườn Phong Điền thêm rạo rực, hối hả.

VŨ THỐNG NHẤT

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/kinhte/tin-tuc/item/22175702-xu-vuon-thoi-hoi-nhap.html