Xử trí ngộ độc nấm

Sáng 9/2, tại buổi truyền thông tuyên truyền về xử trí và phòng ngừa ngộ độc nấm mùa Xuân. Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên – Phụ trách Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) nhấn mạnh, người dân tuyệt đối không ăn các loại nấm mọc hoang dại trên rừng, ngoài vườn.

Bác sĩ Nguyên cho biết, mỗi năm trên cả nước có khoảng vài trăm ca nhập viện do ngộ độc nấm, nhất là dịp sau Tết Nguyên đán, thời tiết mưa ẩm, nấm mọc nhiều. Đặc biệt, ngộ độc nấm thường xảy ra tập thể, có trường hợp gia đình 9 người nhập viện thì 8 người tử vong.

Ảnh minh họa

Ngộ độc nấm có triệu chứng ban đầu tương tự rối loạn tiêu hóa là nôn, đi ngoài, đau bụng. Có những loại nấm độc gây ngộ độc trong khoảng 6 tiếng sau ăn, nhưng cũng có những loại nấm chứa chất Amatoxins cực độc sau 6 tiếng mới phát tác chất độc gây tổn thương gan, rối loạn chảy máu gan dẫn đến suy đa phủ tạng. Vì vậy, bác sĩ Nguyên khuyến cáo, ngay khi có triệu chứng ngộ độc nấm phải gây nôn rồi chuyển đi cấp cứu ở trung tâm y tế gần nhất để chữa trị kịp thời; đưa cả những người cùng ăn nấm dù chưa có biểu hiện triệu chứng đến cơ sở y tế, mang mẫu nấm còn lại hoặc thức ăn chế biến từ nấm còn lại tới cơ sở y tế để xác định loài nấm. Người dân chỉ ăn nấm khi biết chắc chắn đó là loại nấm không có độc tố, tuyệt đối không ăn nấm lạ, nấm mọc hoang dại kể cả nấm màu trắng. Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng loại nấm mà động vật ăn được thì người cũng ăn được là hoàn toàn sai lầm. Bệnh viện Bạch Mai hiện đang nghiên cứu, bào chế loại thuốc điều trị cho những trường hợp ngộ độc nấm sau 6 tiếng ăn để có thể giải quyết các trường hợp mắc ngộ độc nhưng ở xa các cơ sở y tế.

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/xu-tri-ngo-doc-nam-279996.html