Xử sai phạm nhà máy 7000 tỷ đắp chiếu: Nói là làm

Ngoài xơ sợi Đình Vũ, nhiều dự án nghìn tỷ thua lỗ, thất thoát sẽ được xử lý nghiêm theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng.

Ông Đỗ Văn Sinh - Ủy viên thường trực Ủy ban kinh tế Quốc hội, ĐBQH Đoàn Quảng Trị nhấn mạnh quan điểm của Chính phủ cũng như Quốc hội trong công tác xử lý những sai phạm liên quan tới dự án sử dụng vốn ngân sách không hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí. Không trừ bất kỳ một dự án nào.

Nhà máy 7.000 tỉ phải đắt chiếu. Ảnh: TTO

Ông Sinh cho biết, với sai phạm tại nhà máy xơ sợi Đình Vũ ông đã nghe nói nhưng ông chưa được tiếp xúc trực tiếp với bản kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP) về nội dung trên. Hiện nay, thông tin mới đang được báo chí phản ánh, theo đó TTCP đã chỉ ra, hàng loạt những sai phạm khiến Nhà máy xơ sợi Đình Vũ có vốn 7.000 tỷ phải đắp chiếu. Những sai phạm này chủ yếu là do thiếu trách nhiệm trong quản lý nhà nước, thiếu trách nhiệm trong việc phê duyệt dự án, lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng với nhà thầu gây thất thoát, lãng phí vốn đầu tư.

TTCP cũng nói rõ để PVTex bị thua lỗ, trách nhiệm thuộc về Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc các đơn vị liên quan gồm PetroVietnam, Vinatex và PVTex. Theo đó, đơn vị này kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành hữu quan xử lý về kinh tế 54 tỉ đồng và hơn 22.000 USD. Đồng thời yêu cầu xử lý trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự đối với các tổ chức, cá nhân tại Bộ Công thương, PVN và Vinatex vì cố ý làm sai, thiếu trách nhiệm trong vai trò quản lý nhà nước, gây thất thoát, lãng phí vốn đầu tư.

"Cá nhân tôi chưa được tiếp xúc trực tiếp với bản kết luận của TTCP. Quốc hội cũng đang yêu cầu Chính phủ gửi báo cáo của TTCP liên quan tới những công bố sai phạm tại nhà máy này. Tuy nhiên, quan điểm của Chính phủ cũng như Quốc hội là có sai thì phải xử và sẽ xử lý tới nơi tới chốn, không có chuyện xuê xoa", ông Sinh khẳng định.

Ông Sinh nêu rõ, không riêng dự án xơ sợi Đình Vũ, ngay cả những dự án sử dụng vốn nhà nước không hiệu quả, gây thua lỗ, thất thoát khác như Gang thép Thái Nguyên, Đạm Ninh Bình, Xăng sinh học ethanol ở miền Bắc... đã được nêu tại báo cáo kinh tế của Chính phủ cũng phải được xem xét xử lý giống như chỉ đạo của Thủ tướng đối với Vinashin, vinalines vậy.

"Những dự án trên không nằm ngoài những dự án mà Chính phủ đang chỉ đạo xử lý. Việc này hoàn toàn phù hợp với quyết tâm đã nói là làm của Thủ tướng Chính phủ", ông Sinh đặt niềm tin.

ĐBQH đoàn Quảng Trị tin tưởng rằng, đây sẽ là liều thuốc có thể giúp ngăn chặn được tình trạng thất thoát, sử dụng vốn ngân sách bừa bãi, không hiệu quả tại nhiều dự án lớn thời gian qua. Cũng theo ông Sinh, khi một sai phạm được chỉ rõ thì sẽ tìm ra được biện pháp để ngăn chặn nó ngay từ đầu.

Làm rõ yếu tố tham nhũng

Cũng nêu quan điểm về vấn đề trên, ĐBQH Nguyễn Bá Sơn đoàn Đà Nẵng thẳng thắn cho rằng, cần phải chấm dứt ngay suy nghĩ có thể bao che, dung túng cho những dự án thua lỗ, không hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí. Đó là suy nghĩ không thể tồn tại trong thời điểm phát triển mới.

Với dự án xơ sợi Đình Vũ, ông Sơn đề nghị, ngoài việc xem xét lại từ khâu phê duyệt dự án, thẩm định, cho tới khâu triển khai thực hiện dự án thì còn phải xem lại câu chuyện sử dụng, thay đổi dây chuyền, công nghệ ,thiết bị, vật tư tại dự án trên đã được TTCP nêu rõ.

"Cần làm rõ trách nhiệm từng cấp, từng ngành tới đâu. Không thể chấp nhận bất kỳ một dự án tương tự nào nữa. Sự lãng phí trong đầu tư, lãng phí nguồn lực xã hội đã đến lúc phải chấm dứt", ông Sơn dứt khoát.

Tuy nhiên, việc xử lý trách nhiệm chỉ là hành động chạy theo để xử lý hậu quả của một sai phạm đã xảy ra. Và như vậy thì việc thất thoát, lãng phí, mất vốn cũng đã mất, nhà nước và người dân đã phải chịu thiệt.

Vấn đề ông Sơn đặt ra là làm sao để không phải chứng kiến một dự án nào không hiệu quả nữa? Một đồng đầu tư đều là tiền đi vay vậy phải làm thế nào để đảm bảo lòng tin của xã hội đối với những dự án đó? Làm sao đảm bảo lòng tin của công chúng, dư luận đối với từng người, từng cấp, từng ngành, từng lĩnh vực cụ thể? Đó mới là vấn đề.

"Xơ sợi Đình Vũ không phải là trường hợp cá biệt trong sử dụng vốn ngân sách không hiệu quả. Ít nhất đã có 5 dự án được điểm mặt trong báo cáo kinh tế của Quốc hội. Vấn đề đặt ra là tại sao có nhiều dự án ngàn tỉ không hiệu quả đó nhưng nó vẫn được phê duyệt và triển khai thực hiện?

Tôi cho rằng, nguyên nhân là do sự yếu kém trong quản lý. Cụ thể trong quá trình tổ chức triển khai, thực hiện dường như khâu nào cũng đang có vấn đề, vì vậy phải rà soát, đánh giá lại toàn bộ từng khâu để chắn chắn rằng không có chuyện tiếp tục phung phí nguồn vốn ngân sách một cách bừa bãi thêm nữa", ông Sơn nhấn mạnh.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/xu-sai-pham-nha-may-7000-ty-dap-chieu-noi-la-lam-3321606/