Xử phạt Thảo Điền Sapphire: Phép thử lớn cho TP.HCM

Tháo dỡ hay cho tồn tại vi phạm tại dự án Thảo Điền Sapphire sẽ ảnh hưởng tới vấn đề ngập lụt của TP. HCM.

Tăng nguy cơ ngập lụt

Ngày 14/9/2017, trao đổi với Đất Việt, nhiều chuyên gia khẳng định việc lấn khoảng lùi sông Sài Gòn, rạch Ông Hóa của dự án Thảo Điền Sapphire sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới lưu lượng nước qua khu vực này.

TS Trần Văn Lai - chuyên gia nông nghiệp cho biết: "Số liệu quan trắc cho thấy lưu lượng nước những năm qua tại sông Sài Gòn giảm đi qua các năm. Trong khi đó, các đợt triều cường trên sông Sài Gòn liên tục tăng, vượt các mức báo động đe dọa việc gập lụt trên diện rộng ở TP. HCM".

Theo ông Lai, nguyên nhân việc triều cường trên sông Sài Gòn tăng là do thiếu các điểm thoát nước khiến dòng chảy bị dồn ứ đọng. "Các con rạch (nhánh của sông) là điểm thoát nước. Khi nước chảy trên sông không được san sẻ cho các con rạch thì sẽ dồn lại một chỗ khiến triều cường dâng cao, nhanh" - ông Lai cho viết.

Phần lấn khoảng lùi sông Gài Gòn, rạch Ông Hóa của dự án Thảo Điền Sapphire.

Nhìn vào vi phạm của Công ty Cổ phần TDS - Chủ đầu tư dự án Thảo Điển Sapphire có gần 1.400m2 lấn khoảng lùi đoạn sông Sài Gòn giao với rạch Ông Hóa, ông Lai cho rằng: "Phần lấn của dự án làm ngăn dòng chảy của nước ra vào rạch Ông Hóa. Chắc chắn sẽ là cho khu vực rạch Ông Hóa bị ứ đọng nước, làm tăng tình trạng ngập lụt ở khu vực này và ít nhiều ảnh hưởng tới triều cường sông Sài Gòn".

Một vấn đề nữa được ông Lai nói tới là khu vực rạch Ông Hóa liên tục bị ứ đọng nước, bốc mùi xú uế thời gian gần đây ảnh hưởng rất nhiều tới môi trường, chất lượng sống của người dân nên rất cần được khơi thông dòng chảy.

Từ đó, quan điểm của ông Lai là không nên giữ phần lấn khoảng lùi sông của dự án Thảo Điền Sapphire. "Vấn đề ngập lụt ở TP. HCM chưa có phương án khắc phục. Trong thời gian tìm giải pháp khắc phục thì trước tiên phải không để gia tăng nguy cơ ngập lụt cho thành phố" - ông Lai nói.

Tránh tiền lệ xấu phạt cho tồn tại

Nhiều năm qua tình trạng sông - rạch ở TP. HCM bị các công trình xây dựng "bức hại" diễn ra khá phổ biến khiến dư luận bức xúc như dự án chung cư Riviera Point "bóp" nhỏ rạch Cả Cấm bằng 1/3 so với trước năm 2010. Một số kênh, rạch ở phường Tân Thuận Tây, quận 7 cũng bị lấn chiếm bởi nhà hàng, quán nhậu...

Nhưng chỉ có dự án Thảo Điển Sapphire mới bị cơ quan chức năng đề nghị chủ đầu tư phá dỡ phần sai phạm. Được biết, mỗi căn biệt thự ở đây có giá lên tới hàng trăm tỷ đồng. Dự án Thảo Điển Sapphire được coi là nơi có vị trí đắc địa nhất Q.2, TP. HCM.

Trước án phạt, Công ty CP TDS nhiều lần xin cơ quan chức năng cho nộp phạt nhưng vẫn giữ lại phần vi phạm. Hiện UBND TP. HCM đang lấy ý kiến tham mưu từ Sở Xây dựng mới đưa ra quyết định cuối cùng.

Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu cơ quan chức năng TP. HCM chấp thuận đề nghị của Công ty CP TDS sẽ gây ra tiền lệ xấu cho những doanh nghiệp đi sau sẽ cố tính vi phạm và chỉ cần nộp tiền là thoát. Vì lợi nhuận doanh nghiệp thu được từ phần vi phạm lớn hơn hơn rất nhiều so với phần nộp phạt.

Dự án Thảo Điền Sapphire được cho là nơi có vị trí đắc địa nhất khu vực Q.2, TP. HCM.

Một chuyên gia thuộc Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho hay: "Mức xử phạt đã được luật quy định rất rõ. Với sai phạm của Công ty CP TDS có thể sẽ được giữ lại với điều kiện doanh nghiệp phải nộp lại 50% giá trị thu được từ phần vi phạm. Tuy nhiên, đó là trường hợp mà chủ đầu tư vô ý.

Còn với phần sai phạm tại Thảo Điền Sapphire cho thấy sự cố ý, biết nhưng vẫn cố tình xây dựng lấn sông Sài Gòn.

Điều này phản ánh văn hóa - đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp. Không chỉ ở dự án này mà còn ở các sự án sau nữa...".

PGS.TS Lưu Đức Cường - Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Đô thị và Phát triển Nông thôn Quốc gia, Bộ Xây dựng: Từ 2000 - 2015, TP. HCM mất đi 47 tuyến kênh với diện tích 16,4 ha. Từ năm 2003-2009, khả năng chứa nước của TP giảm đi 10 lần.

Năm 2015, báo cáo của Sở Xây dựng TP. HCM cũng cho thấy, từ 2007 - 2015 có 159 dự án bất động sản được cấp phép thỏa thuận san lấp sông, kênh, rạch. Trong đó, 48 dự án đã và đang triển khai với số lượng rạch nhánh, rạch cụt và chi lưu được cấp phép san lấp là 129, khối lượng san lấp gần 92%.

Hầu hết các dự án được cấp phép san lấp đều kèm phương án xây dựng hệ thống thoát nước, làm hồ điều tiết để trả lại diện tích mặt nước tự nhiên. Tuy nhiên, cho đến nay, số lượng các dự án thực hiện đúng cam kết này chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Liên Phương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/bat-dong-san/bao-ve-nguoi-mua-nha/xu-phat-thao-dien-sapphire-phep-thu-lon-cho-tphcm-3343061/