Xử nghiêm vi phạm sau kết luận thanh tra

Tháng 10 vừa qua, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã có Thông báo kết luận số 2695/TB-TTCP về việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, chống thất thu ngân sách nhà nước đối với Cục Thuế TP Hồ Chí Minh. Đáng chú ý trong đó, TTCP nêu rõ: Nợ thuế trên địa bàn TP Hồ Chí Minh hằng năm đều tăng, nhất là các khoản nợ hơn 90 ngày.

Tuy nhiên, Cục Thuế thành phố chưa làm hết trách nhiệm, thiếu kiên quyết trong việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế thu hồi nợ thuế, như: Không áp dụng biện pháp cưỡng chế phong tỏa, trích tiền từ tài khoản 25 doanh nghiệp, nợ thuế; không áp dụng biện pháp cưỡng chế nợ thuế 28 doanh nghiệp khác, dẫn đến số nợ thuế không giảm mà ngày càng tăng, nhất là các khoản nợ quá hạn hơn 90 ngày. Tính đến ngày 30-9-2014, nợ thuế trên địa bàn TP Hồ Chí Minh là hơn 10 nghìn tỷ đồng, chiếm 60% tổng số tiền nợ thuế của cả nước. Đây là một số tiền không nhỏ trong điều kiện kinh tế đất nước đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Bên cạnh đó, TTCP còn bàn giao cho Cục Thuế TP Hồ Chí Minh toàn bộ thông tin, số liệu của 9.116 doanh nghiệp do TTCP kiểm tra trên cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế quản lý, phát hiện doanh nghiệp có sử dụng hóa đơn bất hợp pháp kê khai khấu trừ thuế, hoàn thuế với tổng giá trị hơn 3.537 tỷ đồng để cơ quan thuế tiếp tục kiểm tra và xử lý theo thẩm quyền. Như vậy, việc trốn thuế vẫn đang là thực trạng rất nóng, trong khi Cục Thuế TP Hồ Chí Minh chưa thể có những biện pháp khắc phục hiệu quả.

Trước đó, TTCP có Thông báo kết luận số 2280/TB-TTCP về việc thực hiện kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và một số đơn vị thành viên. Thông báo nêu rõ những khuyết điểm, vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản và cổ phần hóa doanh nghiệp của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và một số đơn vị thành viên là: Công ty mẹ - Tập đoàn đã đầu tư tài chính ngoài ngành nghề kinh doanh chính (ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản) với tổng số tiền 2.255,6 tỷ đồng, trong đó có nhiều khoản đầu tư với giá trị lớn không đúng quy định, không được phép của Bộ Công thương và Thủ tướng Chính phủ.

Thí dụ, như: Tăng vốn đầu tư vào PG Bank 400 tỷ đồng (chiếm 40% vốn điều lệ của đơn vị nhận góp vốn) và Công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex 171,3 tỷ đồng (chiếm 51% vốn điều lệ của đơn vị nhận vốn góp); tăng vốn đầu tư 51 tỷ đồng vào Công ty CP Bất động sản Petrolimex; sử dụng vốn kinh doanh 231,9 tỷ đồng để đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản, không đúng với nghị quyết của hội đồng quản trị. Tập đoàn còn chưa thực hiện nghiêm việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo chủ trương của Chính phủ và quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Như vậy, có thể thấy, kỷ luật, kỷ cương, sự tuân thủ luật pháp và chấp hành điều hành của cơ quan cấp trên tại một số đơn vị là chưa cao, chưa nghiêm túc, thậm chí có dấu hiệu cố tình vi phạm pháp luật, không coi trọng chỉ đạo của cấp trên, không lường trước hậu quả tiêu cực có thể xảy ra. Điều này đã dẫn đến thực trạng thất thu thuế với số tiền không nhỏ và thất thoát ngân sách nhà nước trong việc đầu tư ngoài ngành mà không thể kiểm soát được.

Các vi phạm, vấn đề xảy ra tại Cục Thuế TP Hồ Chí Minh và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cùng nhiều đơn vị khác đã được TTCP thông báo công khai, đồng thời có những đề xuất xử lý trách nhiệm cụ thể. Tuy nhiên, việc xử lý này cần tiếp tục được các cơ quan chức năng, cơ quan chủ quản của các đơn vị giám sát và triển khai nghiêm túc. Bởi chỉ khi các vi phạm được xử lý đến nơi đến chốn, đúng người, đúng việc thì những sai phạm sẽ không có cơ hội tái diễn. TTCP cần quan tâm hơn nữa công tác xử lý sau thanh tra bằng những việc làm cụ thể, tránh hiện tượng sau khi ban hành kết luận thanh tra là để tất cả các phần việc còn lại cho đơn vị bị thanh tra tự xử lý, hoặc có giám sát nhưng hời hợt, chiếu lệ. Các Tổ công tác của Chính phủ đang kiểm tra tại các cơ quan, đơn vị cũng cần giám sát chặt chẽ, quyết liệt hơn nữa việc xử lý các sai phạm đã được kết luận, nhất là những nội dung đã được Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo xử lý. Qua đó, giữ vững kỷ cương luật pháp và nâng cao tinh thần chịu trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trước những sai phạm đã được các cơ quan chức năng kết luận là chính xác...

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/31416602-xu-nghiem-vi-pham-sau-ket-luan-thanh-tra.html