Xứ Nghệ xôn xao chuyện tên làng, tên xã sau sáp nhập

Việc sắp xếp lại đơn vị hành chính, đặt tên làng, xã sau sáp nhập gây xôn xao những ngày qua ở Nghệ An. Những tên xã mới khô cứng, xa lạ khiến người dân băn khoăn, thậm chí bức xúc.

Lo lắng mất tên làng, tên xã

Theo đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, Huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An sẽ có 15 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sáp nhập, thành 7 đơn vị hành chính cấp xã mới.

Thực hiện đề án sáp nhập này, ngày 9/4, UBND huyện Quỳnh Lưu có công văn gửi Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An, UBND tỉnh và Sở Nội vụ tỉnh này đề nghị điều chỉnh tên gọi các đơn vị hành chính mới sau sáp nhập xã, giai đoạn 2023 - 2025. Việc đặt tên sau khi sáp nhập các làng, xã ở huyện Quỳnh Lưu gây ra nhiều nhiều băn khoăn, đặc biệt khi quê hương Bà Chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương là xã Quỳnh Đôi sẽ bị xóa sổ vì sau sáp nhập với xã Quỳnh Hậu sẽ thành xã mới là Đôi Hậu.

Cũng theo đề nghị của UBND huyện Quỳnh Lưu, các xã sau sáp nhập với nhau có tên xã mới: xã Quỳnh Nghĩa và Tiến Thủy thành xã Phú Nghĩa; các xã Quỳnh Hưng, Quỳnh Bá và Quỳnh Ngọc sau sáp nhập có tên mới là xã Bình Sơn; xã Quỳnh Thuận sáp nhập với Quỳnh Long, thành xã Thuận Long; Quỳnh Thọ và Sơn Hải thành xã Hải Thọ; Quỳnh Hoa và Quỳnh Mỹ thành Hoa Mỹ; Quỳnh Minh và Quỳnh Lương thành Minh Lương

Xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu nổi tiếng là đất học, đỗ đạt tại Nghệ An (Ảnh: Nhật Thanh/quynhdoi.gov.vn).

Câu chuyện về tên làng mới sau sáp nhập nhận được sự quan tâm của dư luận những ngày gần đây, khi tên một số ngôi làng gắn với lịch sử, văn hóa lâu đời được thay thế tên mới. Việc tìm ra một cái tên mới không chỉ mang ý nghĩa hành chính mà còn kiến tạo nên những trang ký ức mới trong đời sống tinh thần của một vùng đất, một con người.

Anh Hồ Thành Công (tác giả của hàng loạt clip "Mèo Mun kể chuyện" nổi danh trong cộng đồng mạng), người con của Làng Quỳnh Đôi cho rằng, việc sáp nhập là chủ trương của nhà nước không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, từ xưa lại nay, mỗi xã đều có niềm tự hào và truyền thống lịch sử riêng, sự thật là không xã nào muốn nhập vào xã nào.

Tượng đài nữ sĩ Hồ Xuân Hương tại xã Quỳnh Đôi.

"Quỳnh Đôi với những danh nhân lịch sử nổi tiếng, có truyền thống hiếu học và lịch sử lâu đời. Việc đặt lại tên làng xã cũng rất khó và quan trọng, vừa phải hay, ý nghĩa vừa phải được lòng xã này và không mất lòng xã kia. Khi ghép tên 2 xã vào mà cảm thấy không đẹp, vô tri vô nghĩa, đọc không trôi", anh Hồ Thành Công chia sẻ.

Chia sẻ với phóng viên về việc sáp nhập làng xã, nhà nghiên cứu Trần Mạnh Cường (Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn - Sở Khoa học và Công Nghệ tỉnh Nghệ An) cho rằngtên làng, xã không đơn thuần chỉ là một tên gọi với ý nghĩa hành chính, nó còn là một phần ký ức xứ sở được sự cô đọng qua một giai đoạn lịch sử.

"Nếu vì cái gọi là tái thiết văn hóa, để lại dấu ấn lịch sử cho mình mà những địa danh có "tuổi đời" nội hàm văn hóa bị thay đổi hay biến mất, thì rõ ràng chúng ta lại một lần nữa bị đứt gãy văn hóa. Điều này thật nguy hại, bởi vì chỉ có kế thừa truyền thống thì chúng ta mới có thể phát triển bền vững, chỉ có trân trọng lịch sử thì chúng ta mới có thể tạo ra lịch sử và định hướng tương lai", ông Trần Mạnh Cường nêu quan điểm.

Nói tới những địa danh đang được sáp nhập, đổi tên gây xôn xao dư luận, nhà nghiên cứu Trần Mạnh Cường cho rằng, điều khiến cho nhiều người bất bình chính ở việc nhiều tên gọi cổ xuất hiện nhiều trong thành ngữ, ca dao và những tác phẩm trứ danh, gắn liền với tâm thức bao thế hệ người dân ở tận thôn cùng ngõ vắng, khả năng cao sẽ mất đi, thay vào đó là những tên ghép trông rất lạ lùng và vô nghĩa.

"Nhắc tới tới làng Quỳnh Đôi là mảnh đất có trầm tích văn hóa hàng đầu xứ Nghệ, được biết đến với cái tên "Làng Khoa Bảng", gắn liền với câu nói dân gian đã truyền tụng từ xa xưa khắp nơi trong cả nước "Bắc Hà: Hành Thiện, Hoan Diễn: Quỳnh Đôi", trở thành một niềm tự hào lớn lao trong tâm thức bao người con xứ Nghệ", Trần Mạnh Cường chia sẻ.

Công văn của huyện Quỳnh Lưu về đề xuất tên gọi đơn vị hành chính cấp xã sau sáp nhập.

Sẽ tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi của cử tri và nhân dân về tên xã sau sáp nhập

Liên quan đến dự kiến đặt tên các đơn vị hành chính sau sáp nhập theo phương án ghép tên 2 xã, ông Nguyễn Xuân Dinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết, việc ghép tên 2 xã sáp nhập thành tên xã mới theo phương án hiện tại đang có những băn khoăn, trăn trở. Theo quan điểm và phương án dự kiến đặt tên ban đầu của UBND huyện Quỳnh Lưu lựa chọn, giữ lại tên của 1 trong 2 xã sáp nhập với mục đích là giảm áp lực cho người dân trong việc thay đổi thông tin trên các giấy tờ sau sáp nhập.

Ví dụ, xã Quỳnh Long sáp nhập xã Quỳnh Thuận, lấy tên xã mới là Quỳnh Thuận hay xã Quỳnh Hậu sáp nhập Quỳnh Đôi, lấy tên Quỳnh Đôi... "Khi lấy ý kiến trong Ban chấp hành Đảng ủy các địa phương sáp nhập, một số cán bộ, đảng viên các địa phương không đồng tình với phương án huyện đưa ra và đề xuất một phương án khác", Ông Dinh cho biết.

Cổng làng khoa bảng Quỳnh Đôi.

Ông Dinh cũng thông tin thêm, việc xác định tên gọi các đơn vị hành chính sẽ được BCĐ huyện, xã tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi của cử tri và nhân dân từ nay cho đến ngày 15/5. Nếu đơn vị nào còn có ý kiến, quan điểm khác nhau, trái chiều thì tiếp tục xem xét, cân nhắc để chọn phương án phù hợp nhất, được sự đồng thuận của đã số cử tri và nhân dân, nhất là ở các đơn vị thực hiện sáp nhập. Nếu kết quả lấy ý kiến của cử tri đạt trên mức tối thiểu theo quy định thì sẽ chỉ đạo HĐND xã sẽ tiến hành họp, quyết nghị và trình đến HĐND huyện, HĐND tỉnh họp để thông qua đề án sắp xếp đơn vị hành chính, khi đó tên gọi mới được "chốt" chính thức để trình Trung ương xem xét, quyết định.

Không chỉ ở Quỳnh Lưu, tại một số địa phương, việc đặt tên đơn vị hành chính mới sau sáp nhập đơn thuần chỉ ghép tên 2 đơn vị trước khi sáp nhập. Ví như tại huyện Thanh Chương, 2 xã Thanh Giang và Thanh Mai sẽ sáp nhập. Ban Chỉ đạo huyện đã đề xuất tên gọi là xã Tân Dân nhưng không nhận được sự đồng ý của cán bộ, đảng viên 2 xã nên dự kiến tên xã mới là Mai Giang…

Nhà thờ tổ họ Hồ, dòng họ nổi tiếng về truyền thống hiếu học tại xã Quỳnh Đôi.

Bàn về vấn đề đặt tên mới cho làng xã, nhà nghiên cứu Trần Mạnh Cường cho rằng, với sự phát triển của nền kinh tế xã hội, kéo theo việc phải thay đổi quản lý các đơn vị hành chính. Điều này, đã tạo nên một thách thức lớn trong việc giữ hay bỏ nhiều địa danh có tuổi đời hàng trăm năm, với nội hàm văn hóa và nguồn gốc lịch sử sâu sắc.

"Một nguyên tắc bất di bất dịch là khi thay đổi cần duy trì sự ổn định và đảm bảo tính liên tục của địa danh. Việc giữ lại địa danh cũ và bảo vệ ký ức lịch sử là vấn đề quan trọng và đáng được quan tâm. Bởi bảo vệ và sử dụng văn hóa địa danh giúp lưu giữ tình cảm và ký ức xứ sở quê hương cội nguồn của bao thế hệ. Việc làm này duy trì tính vẹn toàn của di sản lịch sử văn hóa, và tính liên tục của đời sống kinh tế xã hội. Nếu không, một lần nữa chúng ta lại rơi vào trường hợp văn hóa truyền thống bị đứt gãy", nhà nghiên cứu Trần Mạnh Cường nhấn mạnh.

Hoàng Trinh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/xu-nghe-xon-xao-chuyen-ten-lang-ten-xa-sau-sap-nhap-1692404111517535.htm