Xử lý vi phạm về đê điều ở Bắc Giang: Có nơi chưa quyết liệt

Theo kế hoạch, trước ngày 30/6, các địa phương phải xử lý dứt điểm 125 trường hợp vi phạm về đê điều và phòng, chống thiên tai. Mặc dù vậy, đến nay tỷ lệ xử lý còn thấp, trong khi vi phạm mới tiếp tục phát sinh.

Vẫn phát sinh vi phạm mới

Theo Công văn 797/UBND-KTN ngày 28/2/2023 của UBND tỉnh, các huyện, TP có đê phải xử lý dứt điểm 125 vụ vi phạm, trong đó có 94 trường hợp vi phạm về đê điều, 31 trường hợp vi phạm về bến bãi chất tải, kinh doanh vật liệu.

Về thời hạn xử lý, Công văn nêu rõ, sau ngày 30/5, nếu các cá nhân, tổ chức không tự tháo dỡ, các địa phương ra quân cưỡng chế, xử lý những trường hợp cố tình không thực hiện.

Dù yêu cầu cưỡng chế xong trước ngày 20/6 song đến nay chưa địa phương nào tổ chức cưỡng chế, toàn tỉnh mới xử lý 79/125 trường hợp, đạt 63,2%. Đáng chú ý, trong số đã xử lý chỉ có 2/31 vi phạm về bến bãi.

Bãi vật liệu của hộ ông Phạm Công Hà, xã Hương Lâm (Hiệp Hòa) vẫn hoạt động.

Khảo sát các bến bãi trong diện phải xử lý ở huyện Hiệp Hòa vào cuối tháng 6, chúng tôi nhận thấy, bến của gia đình ông Phạm Công Hà, xã Hương Lâm vẫn hoạt động, lượng cát tồn lưu lớn; tại bãi của anh Nguyễn Văn Đạt (bố là ông Nguyễn Văn Huấn) ở xã Mai Đình đang có máy bơm cát lên. Khi cán bộ chuyên môn kiểm tra, đại diện chủ bến bãi cho biết: Họ đang bơm cát san lấp cho hộ dân bên cạnh, còn thừa vài chục khối nên bơm vào bãi. Tương tự, tại huyện Việt Yên, 12 trường hợp vi phạm tại xã Quang Châu vẫn chưa được xử lý, nhiều bến vật liệu vẫn chất đầy, máy móc, phương tiện chưa di dời.

Ông Nguyễn Viết Cường, Trưởng Phòng Kinh tế huyện Việt Yên cho biết: “Những trường hợp này, huyện đã phối hợp với Chi cục Thủy lợi lập biên bản kiểm tra hiện trường xác định khối lượng vật liệu có trên bãi, đồng thời yêu cầu di dời toàn bộ số vật liệu ra khỏi bãi. Tuy nhiên, do nhu cầu thị trường thời gian qua thấp lại bị cắt điện luân phiên nên đã ảnh hưởng đến tiến độ di dời của các chủ bến”.

Qua thống kê, đến ngày 20/6, các địa phương mới xử lý được 79/125 trường hợp theo Công văn số 797/UBND-KTN của UBND tỉnh (đạt 63,2%); trong đó xử lý 77/94 vi phạm đê điều và 2/31 về bãi vật liệu. Cùng đó toàn tỉnh xử lý 5/16 vi phạm mới phát sinh.

Không chỉ các vi phạm đã chỉ ra trước đây chưa được xử lý, những vi phạm mới phát sinh cũng xảy ra nhiều, chưa được các địa phương quan tâm. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, tại các địa phương phát sinh 16 trường hợp vi phạm mới (không nằm trong Công văn 797), tập trung ở các huyện: Việt Yên, Tân Yên (mỗi địa phương 4 trường hợp), Lạng Giang (3), Yên Dũng (2), TP Bắc Giang (2) và Hiệp Hòa (1). Ví dụ như hộ ông Doãn Văn Phúc ở xã Ninh Sơn (Việt Yên) xây nhà tạm, công trình phụ trên hành lang đê; ông Nguyễn Trung Thành ở xã Quang Châu (Việt Yên) đổ đất với quy mô dài 30 m dọc theo đê, rộng 32 m và cao 1,8 m.

Ông Nguyễn Duy Vinh ở xã Hương Gián (Yên Dũng) đóng cọc làm bệ cẩu và băng chuyền vật liệu xây dựng cách mép sông 3-3,5 m; ông Vũ Văn Cường ở xã Quang Minh (Hiệp Hòa) xây tường bao, bó móng trên hành lang đê tả Cầu… Lẽ ra các vi phạm này phải được phát hiện và xử lý ngay từ khi mới manh nha song các địa phương chưa chủ động nắm bắt, chưa quyết liệt ngăn chặn nên mức độ vi phạm ngày càng tăng, việc xử lý càng gặp khó khăn.

Không cấp phép bến bãi cho các trường hợp chây ỳ

Mới đây, sau khi kiểm tra thực tế, Sở Nông nghiệp và PTNT đã đề nghị UBND các huyện: Hiệp Hòa, Việt Yên, Tân Yên, Lạng Giang, Yên Dũng, Lục Nam và TP Bắc Giang chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, chính quyền địa phương xử lý triệt để những vi phạm mới phát sinh, tổ chức cưỡng chế những trường hợp cố tình không tự giải tỏa.

Thực hiện yêu cầu này, ngày 15/6 vừa qua, Phòng Kinh tế huyện Việt Yên phối hợp với Chi cục Thủy lợi, UBND các xã tiến hành kiểm tra, lập biên bản vi phạm, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp, hộ kinh doanh di dời toàn bộ máy móc, phương tiện và vật liệu ra khỏi bãi, nếu không sẽ củng cố hồ sơ đề nghị Chủ tịch UBND huyện xử phạt ở mức cao nhất (50 triệu đồng/trường hợp). Đặc biệt, từ ngày 23/6, UBND xã Quang Châu có kế hoạch huy động máy móc, phương tiện tổ chức lấp dốc, dựng barie trên đường ra vào các bãi và treo biển cấm hoạt động. Tuy nhiên, do gặp mưa nên việc lấp dốc chưa thực hiện được (dự kiến tiến hành trong 1-2 ngày tới).

Tại Hiệp Hòa, cán bộ chuyên môn của huyện, xã vận động người dân chấp hành, tạm dừng hoạt động của các bến bãi vi phạm, đồng thời thông báo chỉ hỗ trợ lập hồ sơ, hoàn thiện các thủ tục cấp phép theo quy định cho các hộ chấp hành nghiêm việc di dời. Nhờ đó, đến hết ngày 25/6 đã có 5/7 chủ bến dừng chất tải, đưa vật liệu ra khỏi bãi. Đối với hai trường hợp còn lại là hộ ông Phạm Công Hà, xã Hương Lâm và Trần Văn Hà, xã Đông Lỗ, UBND huyện có công văn yêu cầu chấp hành, nếu không sẽ tổ chức cưỡng chế.

Thực tế cho thấy, năm nào UBND tỉnh cũng ban hành kế hoạch, giao các địa phương xử lý song tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều và phòng, chống thiên tai vẫn phức tạp, nhiều vi phạm kéo dài, vi phạm mới thường xuyên phát sinh. Việc chậm trễ xử lý ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng, chống lụt bão cũng như an toàn các tuyến đê.

Theo ông Nguyễn Văn Dĩnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, dù vài năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh không xảy ra các sự cố liên quan đến đê điều do hoạt động của các bến, bãi ven sông song qua đánh giá nguy cơ vẫn luôn hiện hữu. Do đó, cùng với mạnh tay xử lý, các địa phương cần xem xét, đánh giá trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra vi phạm kéo dài, phức tạp. Với trách nhiệm của mình, Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ không tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh cấp phép để vật liệu ở bãi sông đối với những trường hợp chây ỳ, không chấp hành giải tỏa để hoàn thiện thủ tục liên quan.

Bài, ảnh: Sỹ Quyết

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/407318/xu-ly-vi-pham-ve-de-dieu-o-bac-giang-co-noi-chua-quyet-liet.html