Xử lý vi phạm lấn chiếm sông Đa Độ: Khó nhất là sự 'bất hợp tác'

Để bảo đảm dòng chảy cũng như đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, UBND Tp.Hải Phòng yêu cầu tập trung xử lý quyết liệt, dứt điểm vi phạm lấn chiếm sông Đa Độ.

Từ khu vực thị trấn Đối, huyện Kiến Thụy, Tp.Hải Phòng, chúng tôi xuống ca nô đi dọc sông Đa Độ để tìm hiểu thực tế các vi phạm lấn chiếm hành lang bảo vệ sông Đa Độ- một trong hai con sông quan trọng nhất cung cấp nguồn nước thô cho nhiều nhà máy nước sạch và nước phục vụ tưới tiêu cho hàng chục nghìn ha đất canh tác của Tp.Hải Phòng.

Một số công trình vi phạm hàng lang bảo vệ sông Đa Độ thuộc địa bàn thị trấn Đối, huyện Kiến Thụy, Tp.Hải Phòng.

Trong tiếng máy ca nô ầm ì, đại diện lãnh đạo Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Đa Độ (Công ty thủy lợi Đa Độ)- đơn vị được UBND Tp.Hải Phòng giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và khai thác nguồn nước sông Đa Độ, thông tin, sông Đa Độ có chiều dài gần 50km, đi qua 5/15 quận, huyện của Tp.Hải Phòng, gồm: huyện An Lão, quận Kiến An, quận Dương Kinh, quận Đồ Sơn và huyện Kiến Thụy.

Thời gian qua, xuất hiện nhiều vi phạm liên quan đến hành lang bảo vệ sông Đa Độ theo quy định của pháp luật. Các hành vi vi phạm chủ yếu gồm tự ý san lấp, xây nhà ở, công trình, vật kiến trúc, trồng cây lâu năm… trên hành lang bảo vệ sông. Trong đó, năm 2022, trên toàn hệ thống sông Đa Độ có tổng cộng 132 vụ vi phạm. Từ đầu năm 2023 đến ngày 22/8, có tổng cộng 69 vụ vi phạm.

Trước thực trạng này, để bảo vệ chất lượng nguồn nước, dòng chảy các dòng sông trên địa bàn, trong đó có sông Đa Độ, ngày 24/2/2023, UBND Tp.Hải Phòng ban hành Chỉ thị số 03 về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về thủy lợi trên địa bàn.

Theo đó, UBND Tp.Hải Phòng yêu cầu chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan, nhất là các Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi- đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và khai thác nguồn nước các sông, thường xuyên kiểm tra, phát hiện ngay từ đầu các vi phạm phát sinh. Đồng thời, chủ động phối hợp áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý vi phạm (xử lý hành chính, khắc phục hậu quả).

Một trường hợp tự giác tổ chức tháo dỡ công trình vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi sông Đa Độ.

Theo một thành viên tổ công tác xử lý vi phạm lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi sông Đa Độ, thực tế công tác xử lý vi phạm lấn chiếm hành lang công trình thủy lợi nói chung, sông Đa Độ nói riêng, gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, khó nhất là sự “bất hợp tác”, thậm chí chống đối của không ít trường hợp vi phạm. Một số trường hợp vi phạm còn tận dụng “quan hệ” để tác động đến các thành viên tổ công tác, cơ quan chức năng liên quan, chính quyền địa phương hòng bỏ qua lỗi vi phạm.

Trước thực tế này, đại diện lãnh đạo Công ty thủy lợi Đa Độ, cho biết, thời gian qua, đơn vị phối hợp chính quyền các địa phương, các cơ quan chức năng liên quan tập trung xử lý quyết liệt, dứt điểm cũng như hạn chế tối đa các vi phạm mới phát sinh với quan điểm và tinh thần không có ngoại lệ hay vùng cấm.

Để sớm phát hiện, xử lý vi phạm, cùng với yêu cầu các đội, trạm, phòng ban trực thuộc bố trí lực lượng thường xuyên tuần tra, kiểm soát, Công ty thủy lợi Đa Độ thành lập 5 tổ công tác phối hợp chính quyền các quận, huyện xử lý sớm, dứt điểm các vi phạm.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác vận động, tuyên truyền các trường hợp vi phạm tự giác tháo dỡ công trình vi phạm. Như trường hợp gia đình ông Đ.H.T, ở thôn Tân Thắng, xã Chiến Thắng, huyện An Lão, Tp.Hải Phòng đã tự giác tháo dỡ móng bếp, bể phốt trên phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.

Nhờ vậy, đến nay chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị chức năng liên quan của Tp.Hải Phòng đã phối hợp xử lý dứt điểm 115/132 vụ vi phạm hàng lang bảo vệ sông Đa Độ xảy ra trong năm 2022. Đối với các vụ vi phạm xảy ra từ đầu năm 2023 đến nay, đã xử lý dứt điểm 63/69 vụ. Trong đó, xử lý dứt điểm toàn bộ vi phạm mới phát sinh trong năm 2023 tại 3/5 địa phương, gồm: quận Kiến An, quận Dương Kinh và quận Đồ Sơn.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Đỗ Văn Trãi- Chủ tịch Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Đa Độ, cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND Tp.Hải Phòng, đơn vị đặt mục tiêu đến hết năm 2023, xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm tồn tại từ năm 2022 đến nay. Đối với các địa bàn nếu để xảy ra vi phạm mới mà không phát hiện, xử lý kịp thời, dứt điểm, người đứng đầu đơn vị được giao nhiệm vụ sẽ phải chịu trách nhiệm trước công ty.

Ngô Quang Thái

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/xu-ly-vi-pham-lan-chiem-song-da-do-kho-nhat-la-su-bat-hop-tac-a622913.html