Xử lý một việc, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực (Kỳ 4)

Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định trước Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân, việc hoàn thiện thế chế nhằm phòng ngừa tham nhũng là vấn đề Bộ Công an đặc biệt quan tâm.

Ngay từ trước khi xảy ra các vụ án và đặc biệt là thông qua việc phát hiện, phòng chống, xử lý những đại án về kinh tế, tham nhũng, tiêu cực, Cơ quan điều tra đã kiến nghị khắc phục sơ hở trong đầu tư công, đấu thầu, với mục tiêu làm một vụ việc, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp.

Phanh phui những vi phạm

Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC) giai đoạn 2012-2022, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khẳng định, lực lượng Công an chủ động phòng ngừa, phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực, góp phần vào công tác đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, ổn định kinh tế - xã hội. Trong 10 năm qua, Cơ quan điều tra các cấp trong CAND đã khởi tố mới trên 16.000 vụ án, 26.800 bị can về các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; trên 2.600 vụ án, 5.800 bị can về các tội phạm tham nhũng, chức vụ.

Công tác điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng đã được đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC đánh giá là một "điểm sáng", có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh rất lớn. Giai đoạn 2012-2020, công tác điều tra đã có những bước tiến đột phá, làm rõ được bản chất của các vụ án, phân hóa trách nhiệm của từng đối tượng, bảo đảm xử lý nghiêm minh, nhưng cũng rất nhân văn.

Lãnh đạo Bộ Công an cũng khẳng định, lực lượng CAND nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiệp vụ, chủ động nhận diện, phát hiện xử lý tham nhũng, tiêu cực với phương châm "ngăn chặn từ gốc, phát hiện từ sớm, xử lý từ đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn", "xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực"... tạo sự răn đe, chuyển biến lan tỏa toàn quốc.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an bắt Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh và nhiều thuộc cấp vì những sai phạm liên quan đến hoạt động của tập đoàn này.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc, giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2022, mặc dù đại dịch COVID-19 gây ra nhiều khó khăn, thách thức rất lớn, lực lượng CAND cùng lúc phải thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, nhưng công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý án tham nhũng, tiêu cực không chùng xuống mà tiếp tục có những bước tiến mới. Điểm nổi bật là, đã chủ động nhận diện tội phạm, lựa chọn khâu đột phá để phát hiện, xử lý, tạo sự lan tỏa theo đúng phương châm "xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực; xử lý một người để cứu muôn người" (điển hình là các vụ án trong lĩnh vực y tế, giáo dục, ngân hàng, chứng khoán, đất đai, lợi dụng các chính sách phòng, chống dịch COVID- 19 để trục lợi...). Nhiều vụ án xảy ra trên phạm vi rộng hoặc trong các lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động khép kín, nhưng đều được phát hiện, điều tra làm rõ (điển hình là vụ Công ty Việt Á; vụ FLC, vụ AIC...).

Việc phát hiện, xử lý án tham nhũng ở các địa phương cũng có chuyển biến tích cực, từng bước khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh". Đảng ủy Công an Trung ương đã kiên trì chỉ đạo thực hiện chủ trương phân cấp điều tra án tham nhũng cho Công an các địa phương, gắn với hướng dẫn, hỗ trợ của các cục nghiệp vụ.

"Thực tế đã chứng minh chủ trương này là đúng đắn, nếu năm 2016 có 11 địa phương không có án tham nhũng khởi tố mới thì năm 2021, 100% Công an các địa phương đã khởi tố được các vụ án tham nhũng, nhiều địa phương thực hiện tốt việc điều tra các vụ án tham nhũng thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC theo dõi, chỉ đạo (điển hình như Công an TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Đồng Nai, Phú Thọ...)" - Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết.

Trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an với vai trò đứng đầu của Bộ trưởng Tô Lâm đã thể hiện và chứng minh quyết tâm, hành động quyết liệt chống tham nhũng, tiêu cực, không làm chùn bước những người dám nghĩ, dám làm. Thời gian qua, công tác hợp tác quốc tế trong điều tra, xử lý tội phạm tham nhũng, kinh tế cũng đạt được kết quả tích cực, nhất là trao đổi thông tin, bắt giữ, dẫn giải tội phạm, thu hồi tài sản tham nhũng tẩu tán ra nước ngoài. Qua công tác điều tra, lực lượng CAND đã chứng minh làm rõ yếu tố tư lợi và khẳng định các sai phạm mang tính chất cá nhân, không phải mang tính chất hệ thống, phần lớn người vi phạm "tâm phục, khẩu phục", nhận thức rõ sai phạm, ăn năn, hối lỗi, tự nguyện khắc phục hậu quả và hợp tác mở rộng vụ án, thu hồi tối đa tài sản cho Nhà nước (nhiều vụ án thu hồi được 100% tài sản bị chiếm đoạt).

Mới đây, cựu kế toán trưởng của AIC trong vụ án vi phạm đấu thầu liên quan đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai bỏ trốn truy nã ở nước ngoài đã về nước đầu thú. Nhiều đối tượng dù bỏ trốn nhưng cũng bị kết án vắng mặt và đang bị truy nã quốc tế, truy bắt, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật trong công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, vi phạm, trong đó có vi phạm về đấu thầu. Hay như qua vụ án vi phạm tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Phòng 6, Cục CSĐT tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đã phát hiện, triệt xóa vụ án sản xuất, mua bán 13 triệu cuốn sách giáo khoa giả. Trong vòng 3 ngày, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã điều 250 chuyến xe tải đi tới 53 địa điểm ở nhiều tỉnh, thành để thu giữ 13 triệu cuốn sách giáo khoa giả này.

"Những kết quả trên, đã góp phần đập tan những âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phản động chống phá Đảng, Nhà nước cho rằng chúng ta chống tham nhũng, tiêu cực vì phe nhóm, nhất là thời điểm Đảng ta tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII (tháng 1/2021); đồng thời, khẳng định rõ chống tham nhũng, tiêu cực không làm cản trở phát triển kinh tế- xã hội, không làm chùn bước những người dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung của đất nước" - Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định và cho biết, kết quả chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần từng bước làm lành mạnh hóa các quan hệ kinh tế, thị trường tài chính, tiền tệ, đưa giá trị xuất đầu tư và giá cả một số mặt hàng quay về giá trị thực..., đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP của đất nước trong những năm qua.

Hàng nghìn báo cáo kiến nghị khắc phục sơ hở

Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ, việc hoàn thiện thể chế nhằm phòng ngừa tham nhũng là vấn đề Bộ Công an rất quan tâm. "Qua một số vụ án trong lĩnh vực y tế, giáo dục vừa qua, cơ quan điều tra đưa ra nhiều kiến nghị khắc phục sơ hở trong đầu tư công, đấu thầu, mua sắm thiết bị, góp phần minh bạch với mục tiêu làm một vụ việc cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực, để đối tượng tham nhũng bị xử lý. Người đang có kiểu cách làm việc hay công ty có phương thức làm việc như thế phải chấm dứt ngay, khắc phục hậu quả, nếu không sẽ bị xử lý", Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh. Về quản lý nhà nước, Bộ trưởng Tô Lâm lưu ý cần rà soát lại tất cả quy định trong quá trình thực hiện - những nội dung bộc lộ sơ hở khiến đối tượng lợi dụng có hành vi phạm tội.

Quá trình điều tra, đấu tranh và xử lý các chuyên án liên quan đến vi phạm về đấu thầu, tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an đã rất chủ động trong công tác nhận diện, báo cáo kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương những "lỗ hổng" về pháp lý, quản lý để kịp thời khắc phục.

Lấy ví dụ về chuyên án điều tra những sai phạm tại Trung tâm CDC Hà Nội vào đầu năm 2020, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã xác định Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc CDC Hà Nội đã có hành vi thỏa thuận với các đối tượng chỉ định thầu trái pháp luật để cho những đối tượng này bán hệ thống máy Realtime PCR tự động của Công ty Phương Đông vào CDC Hà Nội với giá 7 tỷ đồng. Nguyễn Nhật Cảm còn chỉ đạo cấp dưới hoàn thiện hồ sơ chỉ định thầu trái pháp luật cho Công ty MST trúng gói thầu số 15 trị giá 9,540 tỷ đồng vi phạm Khoản 2, Khoản 4 điểm b, Điều 89 Luật Đấu thầu năm 2013; khoản 1, điều 13 Luật Kế toán năm 2015, gây thiệt hại tài sản cho Nhà nước hơn 5,4 tỷ đồng.

Quá trình điều tra, Phòng 6 đã tham mưu lãnh đạo Cục CSĐT tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, lãnh đạo Bộ Công an báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành chức năng và UBND các tỉnh, thành phố xây dựng, hoàn thiện các quy trình, quy chế để kiểm soát hoạt động mua sắm, đơn giá các loại vật tư, trang thiết bị y tế. Những ý kiến tham mưu, kiến nghị, đề xuất kịp thời này của Bộ Công an với Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã giúp phòng ngừa, ngăn chặn các doanh nghiệp câu kết với nhau đẩy giá lên cao nhằm trục lợi. Đặt trong bối cảnh thời điểm đó dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, những mặt hàng thiết yếu phục vụ chống dịch như máy xét nghiệm sinh hóa, máy thở, khẩu trang y tế… vô cùng quan trọng, càng cho thấy quyết tâm và tính chủ động, bao quát tình hình ở tầm vĩ mô, chiều sâu của Bộ Công an.

Bộ Công an cũng tham mưu, đề xuất Chính phủ chỉ đạo UBND TP Hà Nội, UBND tỉnh Quảng Ninh và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát lại quy chế, quy trình mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, thuốc chữa bệnh. Đặc biệt, rà soát, kiểm tra lại toàn bộ các gói thầu mua sắm vật tư, thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 đảm bảo chặt chẽ đúng quy định, đúng thị trường, không để xảy ra tình trạng mua bán lòng vòng chiếm đoạt tiền của Nhà nước. UBND TP Hà Nội, UBND tỉnh Quảng Ninh làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan đến sai phạm trong việc mua bán hai hệ thống máy xét nghiệm nói trên và xử lý nghiêm minh.

Bộ Công an, Chính phủ cũng kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa mặt hàng trang thiết bị y tế (đặc biệt là khẩu trang, máy xét nghiệm COVID-19, máy thở…) bổ sung vào nhóm mặt hàng bình ổn giá để Nhà nước quản lý chặt chẽ về giá, không để các doanh nghiệp lợi dụng nâng giá, câu kết thông đồng với các cơ quan, đơn vị nhằm trục lợi, gây thất thoát ngân sách của Nhà nước.

Thu Hòa - Hoàng Phong - Hồ Hùng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/ban-tin-113/xu-ly-mot-viec-canh-tinh-ca-vung-ca-linh-vuc-ky-4--i700939/