Xử lý mạnh hành vi chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

Chiều 2.11, thảo luận tại Tổ 3 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Bắc Kạn, Nghệ An, Quảng Ngãi) về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đề nghị, cần xử lý mạnh với những hành vi chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan bảo hiểm xã hội trong việc kiểm tra, thanh tra, xử lý hành chính đối với hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Cân nhắc mở rộng đối tượng đóng bảo hiểm xã hội

Theo các đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cơ bản tương thích với Công ước số 102 của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) về an sinh xã hội trên các khía cạnh: diện bao phủ, đối tượng được hưởng quyền lợi, mức độ đầy đủ của các quyền lợi, điều kiện được hưởng, thời hạn được hưởng, thủ tục và hồ sơ giải quyết hưởng theo các chế độ bảo hiểm xã hội.

Tuy nhiên, ĐBQH Trần Thị Hồng An (Quảng Ngãi) lưu ý, Công ước 102 có yêu cầu người mất khả năng làm việc do bị ốm đau dẫn đến gián đoạn thu nhập đều được xem xét hưởng chế độ ốm đau. Song, dự thảo Luật chưa có quy định cụ thể những trường hợp ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc do tự hủy hoại sức khỏe.

Đại biểu Trần Thị Hồng An cũng đề nghị, cân nhắc bổ sung chế độ trợ cấp trẻ em và tăng cường các mức hưởng. Hiện nay, trợ cấp trẻ em là chế độ bảo hiểm xã hội duy nhất mà nước ta chưa thực hiện nếu đối chiếu với Công ước 102. Việc bổ sung chế độ trợ cấp trẻ em có thể giúp người lao động giảm bớt khó khăn trước mắt khi sinh con và nuôi con nhỏ, giúp "giữ chân" họ lại hệ thống bảo hiểm xã hội thay vì hưởng bảo hiểm xã hội một lần; đồng thời cũng có ý nghĩa đối với cơ quan bảo hiểm xã hội, như giúp mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội; tăng nguồn thu vào Quỹ bảo hiểm xã hội trong ngắn hạn và trung hạn.

Đề nghị cân nhắc mở rộng đối tượng đóng bảo hiểm xã hội, ĐBQH Phạm Phú Bình (Nghệ An) cho biết, dự thảo Luật có nêu 5 đối tượng mở rộng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, trong đó có người hoạt động không chuyên trách ở cấp thôn, tổ dân phố, đa số họ là người hưu trí, đã nghỉ hưu, đã hoàn thành nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, chế độ được hưởng từ hoạt động không chuyên trách từ ngân sách nhà nước. Nếu dự thảo Luật lại tiếp tục quy định đây là đối tượng đóng bảo hiểm xã hội thì không phù hợp: Không phù hợp cho bên sử dụng lao động, tức là ngân sách Nhà nước và người đang hưởng hưu trí lại tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội. Đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội giải trình thêm về nội dung này.

Đối với nhóm người lao động không trọn thời gian, làm việc theo chế độ linh hoạt, đối tượng này đang tăng lên rất nhiều như: ca sỹ, nhạc sỹ, youtuber, tiktoker, freelacer… Họ đều có thu nhập rất cao, có nộp thuế thu nhập cá nhân. Trong dự thảo Luật cần có quy định chặt chẽ để ràng buộc những đối tượng này đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Hiện nay, dự thảo luật có quy định: người lao động làm việc không trọn thời gian, có mức tiền lương tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, thì đóng theo mức thấp nhất quy định tại điểm e, khoản 1, Điều 30. Trong khi đó, đối tượng này không theo chế độ lương, mà làm việc theo thỏa thuận của từng công việc; như vậy quy định này là chưa chặt chẽ.

Công đoàn có quyền khởi kiện người sử dụng lao động

Điều 29, dự thảo Luật chỉ quy định cơ quan bảo hiểm xã hội có nhiệm vụ: xác định và quản lý đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; đôn đốc và hướng dẫn lập hồ sơ đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; vận động người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Khoản 5, Điều 128 dự thảo Luật quy định: cơ quan bảo hiểm xã hội ở trung ương tham gia, phối hợp thực hiện quản lý về thu, chi, bảo toàn, phát triển và cân đối quỹ bảo hiểm xã hội.

Dẫn ra hai quy định này, ĐBQH Lương Văn Hùng (Quảng Ngãi) cho rằng, vấn đề quan trọng cần tăng cường hiện nay là khắc phục và xử lý mạnh mẽ hành vi chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Theo đó, cần quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan bảo hiểm xã hội trong việc kiểm tra, thanh tra, xử lý hành chính đối với hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Đề nghị bổ sung chức năng xử phạt hành chính khi phát hiện trường hợp chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội Việt Nam. Hiện tại, dự thảo Luật chỉ quy định cho cơ quan bảo hiểm xã hội phát hiện, khởi kiện và kiến nghị khởi tố.

Dự thảo Luật cũng không quy định vai trò, quyền của Công đoàn trong việc khởi kiện người sử dụng lao động chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Do đó, đề nghị bổ sung: Công đoàn có quyền khởi kiện người sử dụng lao động mà không cần điều kiện người lao động ủy quyền, vì Công đoàn là tổ chức đại diện đương nhiên cho người lao động theo quy định của Hiến pháp và Luật Công đoàn.

Liên quan đến Điều 36 và 37, dự thảo Luật quy định khá cụ thể về hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và quy định xử lý vi phạm về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Tuy nhiên, đại biểu Lương Văn Hùng đề nghị, nghiên cứu, xem xét vấn đề đối với người có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, nhưng không thể đóng đúng thời hạn quy định do trở ngại khách quan, hoặc sự kiện bất khả kháng như thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, tai nạn bất ngờ… thì không xác định trường hợp này là trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Đồng thời, để bảo đảm quyền lợi của người lao động, đại biểu đề nghị bổ sung vào Điều 37 quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia hoặc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc không đầy đủ, kịp thời mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.

ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) góp ý về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) góp ý về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn), ngay tại Kỳ họp thứ Sáu này, Chính phủ đã có Báo cáo số 406 gửi tới Quốc hội về tình trạng trón đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội. Cụ thể, số tiền trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội (trong 5 năm trở lại đây) khoảng 10 tỷ đồng/năm - con số rất lớn. Việc trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động.

“Nhiều người lao động chia sẻ rằng, con cái lớn rồi, nhưng vẫn chưa được hưởng chế độ thải sản, hay có người lao động mất rồi vẫn chưa được hưởng chế độ tử tuất vì liên quan đến việc trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp”. Nêu thực tế này, đại biểu Nguyễn Thị Thủy mong rằng, dự thảo Luật có các quy định tháo gỡ vấn đề này. Đây cũng là một những đạo luật trọng tâm nhằm xử lý hành vi trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội.

Cụ thể, khoản 5, Điều 37, dự thảo Luật quy định: người sử dụng lao động có dấu hiệu phạm tội trốn đóng bảo hiểm xã hội thì cơ quan bảo hiểm xã hội kiến nghị khởi tố theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho rằng, không chỉ cơ quan bảo hiểm xã hội có thể kiến nghị khởi tố, bởi trong Bộ luật Tố tụng hình sự có quy định: các cơ quan tổ chức trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, nếu thấy có dấu hiệu tội phạm, thì thực hiện quyền kiến nghị khởi tố. Nếu dự thảo Luật chỉ giao cho cơ quan bảo hiểm xã hội là còn thiếu, trong khi thanh tra lao động cũng có quyền kiến nghị, thì quy định như dự thảo Luật lại đang thu hẹp so với Bộ luật Tố tụng hình sự.

Khoản 4, Điều 37, dự thảo Luật quy định, người sử dụng lao động có hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội và đã bị cơ quan thẩm quyền áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính (nếu vẫn không đóng), thì cơ quan bảo hiểm xã hội có quyền khởi kiện. Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, trường hợp này là xử lý hình sự, chứ không phải là khởi kiện dân sự. Theo quy định Điều 216, Bộ luật Hình sự có quy định, người nào dùng thủ đoạn gian dối hoặc thủ đoạn khác trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 6 tháng trở lên, đã bị xử phạt hành chính mà không đóng thì phải xử lý hình sự. Do vậy cần hết sức cân nhắc với các luật có liên quan.

Hoàng Ngọc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/xu-ly-manh-hanh-vi-cham-tron-dong-bao-hiem-xa-hoi-bat-buoc-i348530/