Xử lý hình sự để giải quyết dứt điểm tình trạng tảo hôn

Để răng đe hành vi tảo hôn, huyện Kỳ Sơn đã tiến hành xử phạt các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật bằng hình thức phạt hành chính và xử lý hình sự.

Tảo hôn có dấu hiệu tăng

Huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An là một trong những huyện nghèo, khó khăn nhất của cả nước. Toàn huyện có 16.957 hộ, trong đó có 8.424 hộ thuộc diện hộ nghèo chiếm tỉ lệ 49,68%. Dân cư trên địa bàn huyện sống rải rác, khoảng cách giữa các bản xa xôi cách trở; giao thông đi lại khó khăn...

Xuất phát từ những khó khăn trên cùng với trình độ dân trí hạn chế và còn tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu nên trong những năm qua tình trạng tảo hôn trên địa bàn huyện Kỳ Sơn có xu hướng tăng.

Địa hình đồi núi, nhiều nơi chưa có điện dẫn đến việc huyện Kỳ Sơn còn vô cùng khó khăn.

Theo thống kê, năm 2020 có 164 người, năm 2021 có 147 người, năm 2022 có 171 người, năm 2023 có 229 người. Điều này xuất phát từ tập quán văn hóa và quan niệm hôn nhân cũng như sự bất bình đẳng về giới tính trong đời sống của đồng bào; tập trung nhiều ở các xã có đông đồng bào dân tộc Mông và Khơ mú.

Thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, toàn huyện có 84 trường hợp vi phạm. Trong đó có 9 trường hợp là học sinh THPT, 13 trường hợp là học sinh THCS. Độ tuổi vi phạm trung bình là 17,5 tuổi đối với nam và 15,8 tuổi đối với nữ.

Nhiều nữ sinh mới 14 - 15 tuổi đã lấy chồng.

Bà Vi Thị Quyên, Phó Chủ tịch huyện Kỳ Sơn cho biết, nhiều giải pháp được huyện Kỳ Sơn đề ra và thực hiện trong những năm qua, dù vậy tình trạng tảo hôn tại huyện biên giới này chưa có chiều hướng giảm.

Ngoài các yếu tố ở trên, trong vài năm gần đây xuất hiện yếu tố tác động mới là xu hướng yêu sớm do ảnh hưởng của mạng xã hội, sự quản lý lỏng lẻo của gia đình. Có nhiều em bố hoặc mẹ hoặc cả bố mẹ đều đi làm ăn ở các tỉnh xa để con ở nhà với ông, bà, người thân.

Hiện tại, toàn huyện Kỳ Sơn có gần 11.000 lao động đang làm việc trong và ngoài nước, trong số đó có nhiều gia đình cả bố và mẹ đều đi làm ăn xa, chỉ để lại con ở nhà cho người thân nuôi dưỡng nên tình cảm, giáo dục trong gia đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là phát triển tâm, sinh lý của các em tuổi mới lớn.

Cũng vì vậy, thời gian qua, ngành chức năng ghi nhận một số cuộc hôn nhân chưa đủ tuổi xuất phát từ chính các em, có trường hợp gây sức ép, thậm chí là dọa ăn lá ngón tự tử nếu bố mẹ từ chối tổ chức đám cưới. Một nguyên nhân không thể không nhắc tới là việc chấp hành pháp luật của các bậc cha mẹ và chính bản thân các em còn rất nhiều hạn chế, dẫn tới vấn nạn tảo hôn vẫn nhức nhối ở huyện nghèo nhất tỉnh Nghệ An.

Tăng cường tuyên truyền, xử lý

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Phòng Tư pháp huyện Kỳ Sơn cho biết, trước mắt trong năm nay và những năm tới huyện sẽ tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, cùng triển khai các giải pháp và bằng hành động, việc làm cụ thể.

Tổ chức cho người dân ký cam kết không tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Huyện cũng từng bước nâng cao đời sống kinh tế cho người dân. Nghèo đói thường đi kèm với lạc hậu, vì vậy, khi điều kiện kinh tế được nâng lên thì dân trí tự nhiên được nâng cao, những tập tục và quan niệm lạc hậu sẽ từng bước giảm theo quy luật của sự phát triển.

Chú trọng đến phát triển văn hóa, xã hội và việc làm. Tìm cách giảm và xóa các tập tục, quan niệm lạc hậu ăn sâu vào tiềm thức và đời sống của người dân, nhất là các xã vùng có đồng bào người Mông sinh sống. Giải quyết việc làm đi đôi với phát triển giáo dục để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Đặc biệt, bắt đầu từ năm 2023, huyện Kỳ Sơn đã tiến hành xử phạt các trường hợp vi phạm tảo hôn theo quy định của pháp luật bằng hình thức phạt hành chính và xử lý hình sự để răn đe kịp thời. Cho đến thời điểm hiện nay, đã tiến hành xử lý 243 trường hợp vi phạm, thu nộp ngân sách Nhà nước 455 triệu đồng.

Các trường hợp bị xử phạt hành chính sẽ được thông tin rộng rãi trong các cuộc họp bản và trong cộng đồng dân cư nhằm nhắc nhở, răn đe, phòng ngừa các vụ việc tương tự.

Các em học sinh ở tuổi vị thành niên ký cam kết với nhà trường, chính quyền địa phương không vi phạm luật hôn nhân, gia đình.

Song song với xử phạt vi phạm hành chính, công tác tuyên truyền phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết bằng nhiều hình thức tới từng xã, từng bản, từng cụm dân cư, từng hộ dân và trường học đã được các ngành chức năng đẩy mạnh thực hiện. Bên cạnh đó, ngành chức năng huyện Kỳ Sơn đã tổ chức cho người dân, học sinh ký cam kết không tảo hôn.

Năm 2023, Hội đồng phối hợp phổ biến pháp luật huyện đã lồng ghép tổ chức 555 cuộc tuyên truyền tại cơ sở cho người dân và các em họp sinh, thu hút 72 lượt người tham gia. Tổ chức cho tất cả các em học sinh ở tuổi vị thành niên và chủ hộ gia đình ký cam kết với nhà trường, chính quyền địa phương không vi phạm luật hôn nhân, gia đình.

Nguyễn Anh Ngọc

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/xu-ly-hinh-su-de-giai-quyet-dut-diem-tinh-trang-tao-hon-a654649.html