Xu hướng phát triển truyền thông quốc tế

KTĐT - Báo chí thế giới đang thay đổi sâu sắc về cấu trúc, nội dung thông tin và cách thức đưa tin. Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, báo chí được đặt trong mối quan hệ không thể tách rời với truyền thông xã hội. Vì vậy, sự phát triển của báo chí – truyền thông quốc tế hiện đại được khái quát trong 5 xu hướng sau.
Thông tin cập nhật liên tục
Xu hướng báo chí ngày nay là đưa tin liên tục, chú trọng đưa tin quá trình diễn biến của sự kiện, chứ không chỉ là kết quả của quá trình đó. Đây cũng là xu hướng biến đổi nhu cầu tiếp nhận thông tin báo chí của công chúng. Với sự phát triển của xã hội loài người trên tất cả các lĩnh vực sản xuất và đời sống, nhất là sự ứng dụng rộng rãi thành tựu công nghệ hiện đại và sự tương tác xã hội ngày càng đa phương, đa chiều, ngày nay, hầu như các sự kiện trong đời sống diễn ra với tốc độ nhanh hơn và diễn biến khó lường hơn. Những kết quả vừa được thông tin đã có thể nhanh chóng trở nên lạc hậu. Những thông tin chậm, gián đoạn trên các phương tiện truyền thông, nhất là đối với báo chí xuất bản định kỳ theo ngày, thường dễ bị lạc hậu, không được đón nhận, nếu không có sự khác biệt trong cách đưa tin so với cách làm truyền thống.
Mạng xã hội vừa là đối tác,vừa là đối thủ
Việc sử dụng Facebook, Twitter và các mạng xã hội khác đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống thường nhật của phần lớn cư dân và dĩ nhiên với cả giới báo chí. Tuy nhiên, đối với các nhà báo thì các mạng xã hội không chỉ để trao đổi thông tin mà còn là công cụ hỗ trợ đắc lực trong việc tìm kiếm, kiểm chứng, chia sẻ thông tin phục vụ nghề nghiệp. Đi cùng với những ưu việt, là những mối đe dọa về vấn đề bảo mật thông tin, bản quyền thông tin, tính xác thực của nguồn tin...

Trong một cuộc tìm hiểu cuối năm 2014 tại một số tờ báo lớn của Đức, các phóng viên tòa soạn và những nhà báo tự do cho biết, mạng xã hội không chỉ là nguồn tin đầu tiên mà còn là kênh thông tin để trao đổi, chia sẻ với các nguồn tin của họ. Tất nhiên, họ chỉ dùng mạng xã hội như là công cụ hỗ trợ, gợi ý, chứ không coi đó là tin tức báo chí. Mặt khác, đối với mỗi tòa soạn và cả với từng phóng viên, mạng xã hội cũng là đối thủ cạnh tranh gay gắt với báo chí, bởi tính trực tiếp, tức thời và tự do đưa tin không bị kiểm soát thông tin.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu chủ động đưa thông tin chính thống lên các mạng xã hội như Facebook, trong bối cảnh bùng nổ công nghệ mới và trước yêu cầu về quyền tiếp cận thông tin của người dân.
Quảng cáo là nội dung thông tin và tương tác
Thay vì chỉ viết như một thông báo bán hàng, nội dung quảng cáo trên báo chí ngày nay phải chứa đựng thông tin mang tính xã hội, vượt khỏi khuôn khổ một thông báo mang tính thương mại thuần túy. Thông tin trong nội dung quảng cáo có thể là tri thức về sản phẩm, về công nghệ, về văn hóa tiêu dùng… Mặt khác, bạn đọc đòi hỏi phải tương tác được với quảng cáo, có quyền hỏi quảng cáo này có ích gì cho mình? Mình có thể làm gì với quảng cáo này? Và nếu cần tương tác với tòa soạn hay khách hàng quảng cáo của báo thì tương tác như thế nào, tòa soạn phải đáp ứng được như là cầu nối.
Mọi người đều có thể làm báo
Đây là xu hướng báo chí công dân, xuất hiện hơn vài chục năm nay, nhưng ngày càng phát triển. Một số thông tin trên báo chí có tầm ảnh hưởng ra cả thế giới, là sản phẩm của báo chí công dân. Chẳng hạn, hình ảnh hai chiếc máy bay đâm thẳng vào tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới trong vụ khủng bố ở Mỹ ngày 11/9/2001 là của một người dân quay được. Ở Việt Nam, không ít thông tin, hình ảnh trên báo chí, đài truyền hình được chính người dân cung cấp.
Tiện ích hóa, cá nhân hóa với công chúng
Thay vì cùng xem, nghe chung một nội dung từ các phương tiện truyền thông đại chúng thì ngày nay nhu cầu tiếp nhận thông tin phân hóa thành các nhóm khác nhau, theo lứa tuổi, theo nghề nghiệp, theo mức sống, theo sở thích, theo nơi sống… Tâm lý tiếp nhận của công chúng báo chí ngày càng phân hóa sâu sắc theo nhiều cung bậc, sắc thái, một cách đa dạng, đa chiều và khó tính hơn. Xu hướng tiện ích hóa, cá nhân hóa trong tiếp nhận thông tin được thể hiện ở các thiết bị đầu cuối cầm tay, nhất là thiết bị thông minh. Sản xuất nội dung thông tin cho thiết bị di động đang là cơ hội và là thách thức đối với các tòa soạn.
Những xu hướng báo chí này buộc các báo phải thay đổi hoạt động tác nghiệp của nhà báo, thay đổi cách tư duy và thay đổi quan niệm về bạn đọc – công chúng như là người cùng sản xuất nội dung thông tin.

Nguồn KTĐT: http://www.ktdt.vn/chinh-tri/xuan-at-mui/2015/02/8102a1f0/xu-huong-phat-trien-truyen-thong-quoc-te/