Xu hướng du lịch 'tại chỗ' nở rộ

Tình hình kinh tế khó khăn đã khiến cho nhu cầu du lịch của người Việt có nhiều thay đổi. Thay vì chi tiền cho những chuyến đi xa, hiện nay, du lịch 'tại chỗ' đang trở thành lựa chọn của không ít người dân.

Du lịch tại chỗ thường được gọi là “staycation”, là sự kết hợp giữa “stay” (ở lại) và “vacation” (kỳ nghỉ), xu hướng du lịch này đang được ưa chuộng trên toàn thế giới. Thay vì di chuyển đến những địa điểm xa xôi, “staycation” mang đến trải nghiệm du lịch ngay tại nơi bạn sinh sống hoặc gần nơi bạn sống.

Tại Hà Nội, trong bối cảnh những chuyến đi du lịch ngày càng đắt đỏ khiến nhiều người cảm thấy mệt mỏi, du lịch “tại chỗ” đang dần trở nên phổ biến. Những chuyến du lịch “tại chỗ” đều tiết kiệm cả thời gian lẫn tiền bạc khi không cần lên kế hoạch trước cả tháng, không phải căn giờ để “săn” vé máy bay giá rẻ, khách sạn...

Thời gian tận hưởng ngắn nhưng bù lại khoảng cách di chuyển không quá xa, vẫn có rất nhiều thời gian tận hưởng những giây phút thư giãn sau áp lực cuộc sống, vừa có thể khám phá được những thứ vốn dĩ rất quen thuộc nhưng chúng ta đã vô tình bỏ lỡ. Ghi nhận thực tế từ đầu năm 2024 tới nay cho thấy các địa điểm tham quan du lịch quanh Hà Nội luôn đông đúc dịp cuối tuần đặc biệt là ở khu vực ngoại thành.

Du khách thích thú chụp ảnh giữa bạt ngàn lau trắng tại Đồi Bù (đồi nhảy dù 833), Chương Mỹ, Hà Nội.

Vốn là một người đam mê xê dịch, trước đây chị Lê Thị Hiền (Mỹ Đình II, Nam Từ Liêm) thường đặt mục tiêu mỗi năm đi du lịch trong nước 3 lần, du lịch nước ngoài 2 lần. Mỗi chuyến đi như vậy thường tiêu tốn của chị từ 5 - 30 triệu đồng. Trong 2 năm gần đây, kinh tế có phần đi xuống, thói quen du lịch của chị đã có sự thay đổi. Thay vì những chuyến đi xa với chi phí đắt đỏ, chị dành nhiều thời gian cho du lịch “tại chỗ”.

“Du lịch “tại chỗ” với mỗi người có sự khác nhau. Với tôi là nhưng chuyến đi trong khu vực Hà Nội, ví dụ như nghỉ dưỡng tại các homestay ở Sóc Sơn, Thạch Thất, cắm trại ở Ba Vì hay đơn giản là cùng bạn bè tổ chức cắm trại, nướng thịt ở ven Sông Hồng vào những ngày cuối tuần. Thời gian nghỉ dưỡng tuy ít nhưng cũng đủ giúp cho chúng tôi tái tạo lại năng lượng làm việc và có nhiều thời gian bên nhau hơn”, chị Hiền chia sẻ.

Cùng thay đổi thói quen du lịch như chị Hiền, gia đình anh Đỗ Văn Ngọc (Hà Đông) cho hay, thời gian gần đây gia đình anh thường lên kế hoạch tìm hiểu các địa điểm trong Hà Nội để tự lái xe đưa nhau đi du lịch vào dịp lễ hoặc cuối tuần. Lần đầu tiên gia đình quyết định đi du lịch trong Thành phố là do không săn được vé máy bay giá rẻ đi Phú Quốc đợt 2/9. Sau đó, anh cùng với bạn bè quyết định đưa cả gia đình đi du lịch tại Đồi Bù (Chương Mỹ). Tại đây, các gia đình được trải nghiệm nhảy dù mạo hiểm, chụp ảnh với đồi cỏ lau trắng muốt và khám phá vùng đất còn khá hoang sơ này.

“Sau chuyến đi, các thành viên trong gia đình đều rất hào hứng, đặc biệt là các cháu học lớp 11, 12. Các cháu xung phong tìm hiểu các địa điểm, di tích lịch sử, homestay trong Thành phố rồi gợi ý cho bố mẹ đi du lịch, khám phá vào cuối tuần”, anh Ngọc cho biết.

Du lịch trải nghiệm tại ngoại thành Hà Nội được giới trẻ yêu thích.

Còn chủ homestay Hương Cau (Minh Phú, Sóc Sơn, Hà Nội) Nguyễn Minh Huệ chia sẻ, những ngày cuối tuần du khách trong Thành phố tới homestay nghỉ dưỡng rất đông, hầu như cuối tuần nào cũng kín phòng. Khách du lịch thường đi theo gia đình hoặc nhóm bạn bè, cùng nhau thư giãn ngắm hoa, bơi, nướng thịt ngoài trời… Homestay có đầy đủ tiện ích nên khách có thể nấu nướng tùy thích và còn có thể lội ao bắt cá nếu có nhu cầu.

Không chỉ người trẻ, những người lớn tuổi cũng không nằm ngoài xu hướng du lịch này. Với lợi thế đa dạng hình thức của Thủ đô ngàn năm văn hiến, việc lựa chọn một nơi tham quan không khó. Những nơi tưởng chừng như quá đỗi quen thuộc như Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu, nhà tù Hỏa Lò, các không gian văn hóa… lại chính là những nơi những người lớn tuổi tìm tới, hoài niệm về một quá khứ đã qua, đây là cơ hội để họ hiểu hơn về văn hóa và lịch sử nơi mình sinh sống.

Theo bà Nguyễn Thị Nhung (65 tuổi, ở Thái Thịnh, Đống Đa), sinh ra và lớn lên tại Hà Nội nhưng bà cùng bạn bè mới tới thăm Hoàng Thành Thăng Long và nhà tù Hỏa Lò vào năm ngoái. “Tầm tuổi này các cô đều mỏi gối, chùn chân cả rồi, ngại đi xa nên chỉ tìm chỗ gần để đi thôi. Nhưng cô thấy Hà Nội mình nhiều chỗ để tham quan lắm, không ngờ ở Hỏa Lò và Hoàng Thành Thăng Long lại có tour đêm hay như thế. Cứ mỗi lần đưa ra một địa điểm là mấy người bạn già rủ nhau đi tham quan rồi đi ăn uống, cafe, vừa vui, vừa tiết kiệm chi phí”, bà Nhung nói.

Văn Miếu Quốc Tử Giám là lựa chọn của du khách ở nhiều lứa tuổi trong dịp cuối tuần.

Có thể thấy, xu hướng du lịch tại nơi mình sống đã và đang tiếp tục phát triển với nhiều hình thức mới mẻ và sáng tạo. Với sự phát triển của công nghệ, du lịch bằng hình thức livestream, video 360 độ ngày càng phổ biến. Du khách có thể khám phá những địa điểm mới mẻ mà không cần di chuyển.

Tuy nhiên, du lịch tại chỗ sẽ không thể phát triển bền vững nếu chỉ dựa vào nhu cầu của khách nội địa mà cần có kế hoạch phát triển cụ thể. Du lịch nội địa khi có chiến lược khai thác đúng hướng sẽ đem lại lợi ích kép, khi vừa thúc đẩy kinh tế địa phương, vừa tăng thêm trải nghiệm cho du khách để không bị nhàm chán.

Lê Thắm

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/xu-huong-du-lich-tai-cho-no-ro-167473.html