Xu hướng bán hàng mới giúp doanh nghiệp Việt chinh phục thị trường tỷ dân

Các chuyên gia cho rằng, thị trường đã hình thành một xu hướng mới. Do vậy, các doanh nghiệp Việt cần thích ứng xu hướng, chọn hướng đi phù hợp với chiến lược kinh doanh để giúp chinh phục thị trường tỷ dân như: Ấn Độ, Trung Quốc.

Chuyên gia "mách nước" chinh phục thị trường Trung Quốc và Ấn Độ

Mới đây, tại Hội thảo “Bán hàng với công cụ và công nghệ mới & Chinh phục các thị trường tỷ dân” do Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Phi Vân - Chủ tịch Retail & Franchise Asia (Công ty hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ và nhượng quyền) đã chỉ ra rằng, doanh nghiệp Việt phải chuẩn bị sẵn sàng tâm lý để vượt qua một số rào cản như phân biệt đẳng cấp, giai cấp xã hội vẫn còn rất lớn ở những thị trường tỷ dân.

Cụ thể, đối với thị trường như Ấn Độ, với 36% người dân có thể nói được tiếng Anh, nên doanh nghiệp khi qua Ấn Độ thì phải nói được tiếng Anh.

Ấn Độ cũng là cái nôi của Hindu giáo, Jaina giáo, Phật giáo và đạo Sikh. Cộng thêm sự đa dạng về tôn giáo, phân biệt về đẳng cấp nên sự tương phản, khác biệt giữa các vùng khác nhau, giữa các nhóm khách hàng khác nhau là rất lớn.

Ngoài ra, người tiêu dùng Ấn Độ có thói quen tối ưu hóa sản phẩm và tái sử dụng sản phẩm như khi mua một chai nước, thực phẩm đóng hộp… họ quan tâm đến việc tận dụng vỏ chai, vỏ hộp để chứa đựng đồ dùng khác. Vì thế khi tiếp cận với thị trường Ấn Độ các doanh nghiệp phải hiểu rằng đang tiếp cận một thị trường của nhiều thị trường, quốc gia của nhiều quốc gia.

"Hiện giữa ASEAN và Ấn Độ đã có hiệp định thương mại tự do, nhưng không có nghĩa thuế bằng 0 có một số mặt hàng đặc biệt thuế xuất chỉ giảm từ 75% xuống 45%, thuế xuất cực cao. Cho nên, khi vào thị trường Ấn Độ để tránh các khoản thuế này doanh nghiệp có thể phải tính trước chuyện tìm đối tác nội địa để hợp tác sản xuất, kinh doanh" - chuyên gia Nguyễn Phi Vân chia sẻ.

Doanh nghiệp Việt cần có cách thức, hướng đi phù hợp cho chiến lược kinh doanh của mình để chinh phục các thị trường tỷ dân như: Ấn Độ, Trung Quốc. (Ảnh minh họa, nguồn Internet)

Thêm nữa, về thương mại, Ấn Độ đang nằm trong nhóm 10 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Còn Việt Nam được đánh giá là một quốc gia quan trọng trong "chính sách hướng Đông" của Ấn Độ, đồng thời nằm trong top 4 quốc gia ASEAN có quan hệ thương mại với Ấn Độ và điều này được thể hiện qua sự hợp tác đa chiều giữa hai nước trong những năm gần đây.

Đối với thị trường Trung Quốc, ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Vinamit cho rằng, đây là một thị trường 1,4 tỷ dân rất gần với Việt Nam, có khả năng mua rất tốt và họ lại rất yêu mến các sản phẩm của Việt Nam.

"Hiện kim ngạch xuất nhập khẩu của hai nước là trên 170 tỷ đồng. Trong những ngành mà người Trung Quốc yêu thích mà Việt Nam có thể cung cấp được là trái cây tươi, khô, chế biến… mỗi năm đều tăng trên 20% và sẽ còn tăng nhiều hơn nữa" - ông Nguyễn Lâm Viên cho biết.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Lâm Viên cũng đưa ra lưu ý, sau đại dịch Covid-19, người Trung Quốc chuyển đổi thói quen tiêu dùng theo xu hướng tốt cho sức khỏe, nên tiêu thụ trái cây nhiều hơn, điều này đã mở hàng rào cho các nước như: Việt Nam, Philippines, Malaysia đa dạng nguồn cung trái cây nhập khẩu. Đây là tín hiệu quan trọng mà doanh nghiệp Việt Nam phải lưu ý để có thể tham gia vào thị trường Trung Quốc.

"Có nhiều người nói Trung Quốc cũng trồng nhiều sầu riêng, trồng nhiều trái cây… Nhưng chúng ta không phải lo, vì Trung Quốc có nửa năm là mùa đông. Vì vậy họ chỉ có 6 tháng mùa hè để trồng trái cây còn mùa đông sẽ thiếu hụt, đây chính là cơ hội cho chúng ta" - ông Nguyễn Lâm Viên chia sẻ.

Ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Vinamit, một thị trường ngách mà doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế thâm nhập thị trường Trung Quốc là nước trái cây. Tuy vậy, muốn chinh phục những thị trường tỷ dân như Trung Quốc thì doanh nghiệp phải chủ động nắm bắt tín hiệu thị trường, thị hiếu tiêu dùng và quy định tiêu chuẩn chất lượng.

Ông Nguyễn Lâm Viên cho biết thêm, hiện nay, Trung Quốc đang xây những kho ngoại quan tại biên giới, để chuẩn bị làm livestream bán hàng, để chuẩn bị xâm nhập vào thị trường Việt Nam. Các cảng của Trung Quốc cũng đang xây những kho ngoại quan để chuẩn bị cho phương thức kinh doanh mới, đi từ nhà máy đến ngay khách hàng. Do đó, doanh nghiệp Việt cũng cần xây dựng những kho ngoại quan như thế để bán lại cho Trung Quốc và cũng đưa hàng vào kho ngoại quan.

"Cần theo kịp xu hướng, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Sau dịch bệnh, thị trường đã hình thành một xu hướng mới, đó là thực phẩm xanh, thực phẩm chữa lành. Cộng thêm suy thoái kinh tế, chiến tranh, vấn đề an ninh lương thực được đặt ra, làm sao để vừa sống tốt, vừa có lương thực đầy đủ. Việt Nam chúng ta là nơi có tài nguyên rất quý cùng với lực lượng lao động trẻ, giỏi trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm. Đây là tài sản, không chỉ cho chúng ta sử dụng, cho thị trường trong nước mà nó là nguồn lực, tiềm lực để chúng ta có thể theo kịp hướng giúp sản xuất, tiêu dùng toàn cầu" - ông Nguyễn Lâm Viên bày tỏ.

Doanh nghiệp thích ứng trong thời đại mới

Ông Trần Lệ Nguyên - CEO Tập đoàn KiDo cho rằng, cần tăng tốc bán hàng đa kênh trước khi quá muộn.

“Trong những năm gần đây, chúng tôi đã chuyển mạnh sang kinh doanh trực tuyến và hiện tại doanh số bán hàng trực tuyến chiếm gần 70%. Trên nền tảng Shopee, doanh nghiệp của tôi đang đứng trong top 3” - ông Nguyên nói.

Cũng theo ông Nguyên, trước đây chúng ta chỉ bán trên kênh truyền thống, nhưng ngày nay phải bán hàng qua công nghệ, bắt đầu livestream. “Giữa bán trực tiếp và online thì tiêu thụ online tăng đáng kể, đặc biệt rất có lợi cho người tiêu dùng. Khi giảm bớt những chi phí trung gian cũng như logistics, marketing, sale… đặc biệt TikTok vẫn thường tung ra rất nhiều voucher, tất cả đều có lợi cho người tiêu dùng” - ông Nguyên nói.

Doanh nghiệp phải thay đổi theo kịp xu hướng, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. (Ảnh minh họa, nguồn Internet)

Ông Trần Lệ Nguyên chia sẻ thêm, để xây dựng một kênh bán hàng hiệu quả trên mạng, điều quan trọng nhất là phải có lượng người theo dõi đáng kể. Chúng ta cần xây dựng các nền tảng và kênh truyền thông không chỉ là để quảng cáo và bán hàng, mà còn là để tương tác và cung cấp giải trí cho cộng đồng.

Ông Lê Trí Thông - Tổng giám đốc PNJ cho rằng, chuyển đổi số sẽ giúp chuyển đổi vị thế. Trong suốt những năm vừa qua, PNJ đã thực hiện rất nhiều những chuyển đổi về mặt công ty, quản lý, vận hành, trong đó chuyển đổi số, chuyển đổi công nghệ là những lĩnh vực mà chúng tôi ưu tiên và quyết liệt. Chính những chuyển đổi này đã giúp cho PNJ - ngay cả trong những năm khó khăn do dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục phát triển.

“Câu chuyện về phát triển các kênh digital để tiếp cận khách hàng, đã mang lại hiệu quả tích cực, thấy rõ. Digital cũng giúp chúng tôi tối ưu hóa vận hành trong sản xuất, tối ưu hóa vận hành chuỗi cung ứng, tối ưu hóa vận hành của hệ thống bán lẻ... Hướng về phía trước, chúng tôi đang nhìn về những công nghệ mới. Ở đó, chúng tôi thấy công nghệ của câu chuyện của AI, câu chuyện của công nghệ liên quan tới Blockchain đang làm thay đổi rất nhiều trong nghành bán lẻ. Đó là nơi chúng tôi tiếp tục thay đổi để không chỉ mang lại lợi ích cho PNJ mà còn tạo nên những giá trị mới cho khách hàng, từ giao tiếp, tương tác, mua bán, trải nghiệm...” - ông Lê Trí Thông chia sẻ./.

Nguyễn Lạc

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/xu-huong-ban-hang-moi-giup-doanh-nghiep-viet-chinh-phuc-thi-truong-ty-dan-147135.html