Xót xa những góc khuất kỳ thị người đồng tính, chuyển giới

Rất nhiều trường hợp đồng tính và chuyển giới đã rơi vào tình trạng hoang mang, chán nản khi bị cộng đồng quay lưng lại với mình. Không ít người đã tính đến những cách giải thoát tiêu cực như bỏ học, thậm chí tự tử.

Được công khai giới tính là nguyện vọng của nhiều người đồng tính, chuyển giới (ảnh M.H).

Những ngày đến trường sợ hãi

V - một người chuyển giới nam đang theo học tại một trường THPT tại quận Bình Thạnh (TPHCM) nghẹn ngào chia sẻ: “Em bị cô giáo chủ nhiệm cho là người lệch lạc. Tiết học nào của cô chủ nhiệm, em cũng bị kêu lên bục giảng và bị cô nói trước toàn lớp về điều này. Có lần em đi vệ sinh thì có nguyên xô nước từ trên trời rơi xuống dội vào người. Những năm cấp hai, những lời đe dọa, miệt thị, bôi nhọ ở trường học là chuyện thường ngày mà em phải đối diện. Em từng bị giáo viên đuổi ra ngoài vì… không bình thường”.

V kể, bắt đầu nhận thức bản thân có nhiều điều khác lạ khi học cấp 2. Một thời gian dài, V bị bạn bè cùng lớp bắt nạt do có biểu hiện khác thường. Chịu không nổi áp lực, V đã phản kháng và có trận xô xát lớn với các bạn. Hiện giờ, em vẫn đang trải qua những ngày đến trường trong sự sợ hãi, ám ảnh bởi sự kỳ thị của mọi người, trong đó có cả thầy cô giáo.

Là một trong những ca sĩ hiếm hoi công khai giới tính thật của mình, ca sĩ Tuấn Tú Bolero tiết lộ, anh sớm phát hiện bản thân mình có xu hướng là người đồng tính từ khi còn rất nhỏ. Hồi niên thiếu, Tuấn Tú khá ẻo lả, thích chơi những trò của con gái… nên anh thường xuyên bị hàng xóm, bạn bè đồng trang lứa chọc ghẹo.

Khi lớn hơn một chút, anh cảm thấy xấu hổ vì liên tục bị kỳ thị bởi những người xung quanh. Tuấn Tú từng có suy nghĩ bỏ học, thậm chí tự tử. Tuy nhiên, với sự quan tâm và yêu thương của gia đình, anh đã hoàn thành việc học tập, có công việc ổn định trước khi rẽ lối với hoạt động ca hát.

Ca sĩ Tuấn Tú chia sẻ, sau khi có được một chỗ đứng trong showbiz, anh đã cố gắng giúp đỡ nhiều bạn có hoàn cảnh giống như mình để vượt qua mặc cảm. Là một trong những nghệ sĩ hiếm hoi của showbiz công khai là người đồng tính, Tuấn Tú mong muốn góp phần xây dựng cộng đồng lành mạnh và ngày càng có tiếng nói cũng như nhận được sự tôn trọng của xã hội.

Mật độ các ca chuyển giới phản ánh nhu cầu ngày càng lớn của vấn đề này.

Báo động tình trạng lây nhiễm HIV vì bị kỳ thị

Bà Nguyễn Lý Hiền Nga, người sáng lập ra tổ chức Women Who Make a Difference chia sẻ, các bạn LGBT (đồng tính, song tính, lưỡng giới) bị bạo hành về mặt thể chất lẫn tinh thần có tỉ lệ cao nhất là ở trong môi trường học đường: “Lẽ ra giáo viên phải là người bảo vệ các bạn khỏi bị bắt nạt thì họ lại là một trong những đối tượng bắt nạt các học trò là LGBT”.

Bà Trần Thị Phương Nhung, cán bộ quản lý chương trình “Sáng kiến về bình đẳng giới và giáo dục trẻ em gái và phụ nữ vì một xã hội công bằng hơn” cũng cho biết, theo báo cáo nghiên cứu của UNESCO, Bộ GD - ĐT và Viện Khoa học giáo dục Việt Nam năm 2015 về LGBT trong trường học thì các em thuộc LGBT cảm thấy không an toàn và hay bị bắt nạt ở những nơi xa văn phòng nhà trường, xa thầy cô giáo, hay khu vực nhà vệ sinh hay bên ngoài nhà trường.

Chủ thể bắt nạt các em có thể là thầy cô giáo, cán bộ công nhân viên nhà trường, bạn hay kể cả những người bán hàng rong bên ngoài cổng trường. Có thể nói khuôn mẫu giới rập khuôn, những hiểu biết chưa đầy đủ là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới sự bắt nạt. Ước tính, hiện nay, có khoảng 30.000 người đồng tính nam (MSM) và người chuyển giới (TG) trên địa bàn TPHCM, chiếm từ 1-3% dân số là người lớn nam. Trong đó, người chuyển giới chiếm khoảng từ 2.000 đến 3.000 người. Người đồng tính nam và chuyển giới có nguy cơ lây nhiễm HIV cao tại Việt Nam, ước tính tại các khu vực thành thị, tỷ lệ lây nhiễm vào khoảng 16% (MSM) và 18% (TG) .

Theo khảo sát Ủy ban Phòng chống HIV/AIDS TPHCM những năm qua cho thấy, xu hướng lây nhiễm HIV qua đường tình dục đang gia tăng và đã lấn át tỷ lệ lây qua đường máu. Nhiều người LGBT, đặc biệt là đồng tính nam sợ bị phân biệt đối xử, kỳ thị nên đã quan hệ lén lút, bất chợt và không dùng bất kỳ biện pháp quan hệ tình dục an toàn nào. Đây chính là nguyên nhân khiến “căn bệnh thế kỷ” lây lan nhanh trong cộng đồng này.

Các nghiên cứu trên thế giới cũng cho thấy, nam giới có quan hệ tình dục cùng giới có tỷ lệ nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục rất cao. Điều này làm tăng nguy cơ nhiễm HIV, do những tổn thương hở, vết trầy xước tạo ra “những cửa ngõ” thuận lợi cho sự xâm nhập của HIV. Mặt khác, do sợ bị kỳ thị và phân biệt đối xử, đa số nam đồng tính khi tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sứa khỏe tình dục thường gặp khó khăn trong việc tiết lộ xu hướng tính dục hoặc hành vi tình dục của mình với nhân viên y tế.

BS Tiêu Thị Thu Vân - Giám đốc trung tâm phòng chống AIDS TPHCM cho biết: “Hãy chia sẻ với những người đồng tính nam và chuyển giới, tích cực tham gia phòng, chống HIV/AIDS, tích cực khuyến khích mọi người thay đổi quan điểm về người đồng tính nam và chuyển giới nhằm giúp người đồng tính nam và chuyển giới có thể tiếp cận các dịch vụ y tế hiệu quả. Mặt khác cũng khẳng định việc chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người người đồng tính nam và chuyển giới cũng là một biện pháp phòng chống HIV/AIDS và đảm bảo quyền chăm sóc sức khỏe của mọi người dân”.

BS Vân khẳng định, thực hiện tốt những điều nêu trên chính là góp phần thực hiện mục tiêu 90 – 90 – 90, tức là phấn đấu đến năm 2017 có 90% số người biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị thuốc ARV liên tục và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp và ổn định mà Việt Nam đã cam kết với Liên hiệp quốc hướng tới việc kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030.

Bạch Dương

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-doi-song/xot-xa-nhung-goc-khuat-ky-thi-nguoi-dong-tinh-chuyen-gioi-607816.bld