Xóm nhỏ, tháng ba…

Tháng ba ở cái xứ của nắng và gió thì không thơ mộng như tháng ba trong những bài thơ hay bản nhạc. Mùa này ở miệt quê này chỉ có bấc và nắng hiện diện.

Nắng hun mọi thứ thành màu vàng úa, khô khốc. Bụi mù. Giờ hổng gọi “lội ruộng” được nữa mà phải gọi là “chạy ruộng”. Ruộng khô khốc, cỏ cũng cháy khô trơ lại lớp đất xám mà mỗi lần bấc quét qua là bụi bay tùm lum. Mấy đứa nhỏ khoái chí chơi đá bánh mỗi chiều. Hình như tụi nó chẳng biết mệt, chẳng sợ nắng thì phải, chạy từ hồi xế trưa tới chiều tối, la hét, rượt bắt nhau chẳng chán. Tới khi sâm sẩm tối, mấy bà mẹ la hoài chẳng chịu vô phải lẹt đẹt xách cái roi ra thì “đàn quân” mới tan rã ai về nhà nấy tắm rửa, ăn cơm.

Mùa này thì còn công việc đồng áng gì nữa đâu mà làm. Cánh phụ nữ rỗi việc chiều chiều tụ nhau lại tám chuyện, trốn nắng dưới hiên nhà ai đó. Bữa nào chừng nghe chán thì rủ nhau hát karaoke khuấy động cả xóm. Mà coi bộ cái màn ca hát hấp dẫn cư dân xóm nhỏ ghê lắm. Đến độ cánh đàn ông hễ hết việc cũng í ới gọi nhau tụ tập ăn nhậu hát hò. Hễ nghe hát hò rộn ràng là biết hôm đó cư dân xóm nhỏ đương thất nghiệp. Dẫu được phục vụ ca nhạc miễn phí nhưng các cư dân còn lại của xóm cũng chẳng lấy làm vui vẻ cho lắm, bởi họ phải đi làm cả ngày dài mệt mỏi mà về còn nghe hàng xóm “hét” nào là “chim trắng mồ côi”, “cho con gánh mẹ”… thì thật ám ảnh. Nhưng có một điều không thể phủ nhận là dân xóm nhỏ tuy nghèo mà tinh thần lạc quan luôn phơi phới, họ chẳng biết buồn bao giờ, kiểu hôm nay thì lo hôm nay, lo chi ngày mai cho mệt.

Lạc quan đến độ nước chẳng có xài, chảy ri rỉ hứng chỉ đủ nấu ăn tắm rửa, nắng thì cứ đổ xuống chan chát cố gắng thiêu những gì còn sót lại của màu xanh ra úa vàng, vẫn tụ tập nhau hát hò rất vui. Cái xóm thì nhỏ chỉ mươi nóc nhà mà nhà nào nhà nấy đều sắm bộ dàn karaoke bài bản nên có ngày ba bốn tụ điểm ca nhạc miễn phí phục vụ bà con trong xóm. Mạnh bên trái bên trái hát, mạnh bên phải bên phải hát, đằng trước hát nhạc giựt thì đằng sau chơi bolero. Đành cười trừ tại mình trót rơi vào cái xóm yêu âm nhạc, biết sao giờ.

Ngoài chuyện được phục vụ ca nhạc miễn phí thì xóm nhỏ còn nhiều trò vui dữ lắm. Mùa này dù nắng cố gắng thiêu đốt mọi chiếc lá còn sót màu xanh nhưng cây keo cổ thụ phía bờ ao thì nắng không tài nào đánh gục được. Đang mùa keo chín. Mấy trái keo uốn cong mình, lưng nứt ra để lộ lớp nhân trắng mịn bên trong, trông thôi đã tứa nước miếng. Lũ con nít trong xóm rủ nhau cột cây sào cao, móc keo chín xuống rồi tụm nhau nơi gốc me ngồi ăn, tám chuyện rôm rả. Chúng làm kẻ đã bước qua quá nửa cuộc đời vô tình sực nhớ lại tuổi thơ của mình, cũng những trưa trốn ngủ đi hái ổi xanh, hái keo tụ tập tám chuyện đến không biết chán, rồi khi no nê hùa nhau tắm ao, chiều về lem luốc những sình bị má cho mấy roi vào mông đau điếng. Ôi cái thời vô âu vô lo đã lùi xa vào dĩ vãng từ lâu lắm rồi. Giờ nhìn lũ trẻ chỉ biết ước ao, hoài niệm.

Cũng nhờ nắng và gió tháng ba mà mấy cái ao trong xóm bắt đầu cạn nước. Cánh đàn ông đi chích cá đồng, đặc sản một năm mới có một lần. Mấy con cá lóc béo ú, dù lanh lẹ, khỏe cỡ nào cũng bị bắt sạch. Chỉ cá con là chừa lại cho mùa sau. Mấy chú cá trê to bằng cùm tay, ngạch cứng như đá cũng phải nằm ngoan ngoãn vì bị điện chích tê người. Chịu khó lội ao chích chừng hai tiếng là được non nửa thùng cá, con nào con nấy da đen bóng, mình căng tròn nhìn phát ham. Dộng cá vài tiếng cho nhả bớt bùn, đem rửa sạch, nướng chui thì thôi rồi. Cá nướng trui chỉ cần gạt đi lớp da cháy xém đen thui sẽ thấy lớp thịt trắng au, thơm phức bên trong. Đem trộn xoài sống (đương độ mùa xoài non), thêm chút đọt vạn thọ, ngò gai, rau quế hái trong vườn nhà, trộn chung với nước mắm me thì nhức nách. Thế là cánh đàn ông có cái để tụ họp nhâm nhi ăn mừng thành quả của mình. Cánh đàn bà thì mừng rỡ, hì hục làm mớ cá đồng đem cất tủ lạnh để dành ăn. Cá đồng mà kho tiêu thì đưa cơm dữ lắm. Ngán thì kho lá gừng, ngán nữa đem chiên xù chấm mắm me cuốn bánh tráng. Toàn những món đặc sản miệt đồng quê mới có. Mua ngoài chợ, dễ dầu gì thịt cá ngon như cá chích ao.

Bữa nhà tự chích cá dưới ao, đám con cháu tụ họp về nấu nướng ăn uống xôm hơn đám giỗ. Ông anh họ khéo tay làm ống bắt được cả rổ lươn da ươm vàng, đem xào sả ớt thơm nức mũi. Ông chú khề khà nâng chén rượu, cười giòn tan hơn nắng ngoài sân, kể cái chuyện hồi đó tát ao chớ hổng phải chích điện như bây giờ. Đám con cháu ngồi nghe cười ngặt nghẽo theo những câu chuyện hài hước của chú.

Mặc gió mặc nắng hun làn da nâu đen, góp những nếp nhăn đùn nhau trên trán mỗi người thêm dày, cái buổi sum họp dòng họ vẫn rộn rã tiếng cười. Rồi mai này người còn kẻ mất, được mấy lần tụ họp vầy nữa đâu. Nên mỗi lần mùa ao cạn, con cháu lại tụ về nhà tự, ăn cái lộc của ông bà để lại, người trước kể cho người sau nghe chuyện hồi đó, người sau nghe để biết, để nhớ để kể lại cho con cháu đời sau nữa cái chuyện cha ông mình. Sợi dây tình thân nối dài như thế nhờ những mùa tát ao chích cá.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/xom-nho-thang-ba-117631.html