Xới xáo để... hy vọng

Tình trạng trống vắng những tác phẩm điêu khắc có giá trị và khả năng chiếm lĩnh không gian, môi trường sống tại Việt Nam đã được nhìn nhận từ lâu. Vậy nhưng, một hoạt động được xem như gợi mở cho các nhà đầu tư trong thiết kế không gian kiến trúc đô thị - cuộc vận động sáng tác và triển lãm 'Tác phẩm điêu khắc, biểu tượng kiến trúc ở khuôn viên trụ sở, tòa nhà, khu đô thị, công viên, nơi công cộng' vừa diễn ra tại Hà Nội lại không nhận được sự quan tâm đúng mức.

Sự thiếu vắng đến từ… cơ chế

Thừa nhận không gian kiến trúc tại các khuôn viên trụ sở, tòa nhà, khu đô thị, công viên, nơi công cộng tại Việt Nam đang tồn tại với một diện mạo tạp nham, theo nhiều kiến trúc sư, đây là một “nỗi đau” nghề kéo dài dai dẳng. Biết đấy, nhưng chẳng ai tìm được giải pháp tháo gỡ.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), nhà điêu khắc Vương Duy Biên từng thở dài, trong khi ở nhiều quốc gia trên thế giới, các biểu tượng kiến trúc luôn là một thành tố hòa quyện với không gian đô thị thì tại Việt Nam, hầu như có rất ít mối quan tâm đến các biểu tượng kiến trúc trong không gian công cộng, khuôn viên trụ sở, tòa nhà, khu đô thị…

Người đứng đầu ngành kiến trúc Việt Nam, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Nguyễn Tấn Vạn cũng phải thừa nhận, tại nhiều khu đô thị mới hiện nay, các chủ đầu tư thường chỉ đưa vào những công trình “sính ngoại”, hoặc theo “đơn hàng” của chính doanh nghiệp nhằm đề cao biểu tượng của mình. Chung quy lại, “nút rối” vẫn là sự coi trọng lợi ích kinh tế hơn các giá trị nghệ thuật của các công trình kiến trúc, văn hóa. Hệ quả là giữa những gấp gáp đổi thay của cuộc sống đô thị, vẫn rất khó khăn để tìm thấy, hoặc mường tượng được những không gian có sự hiện hữu của các biểu tượng kiến trúc thật sự mang giá trị thẩm mỹ và có khả năng chiếm lĩnh không gian, môi trường sống.

Nhà điêu khắc Lưu Danh Thanh (Hội Mỹ thuật Việt Nam) cho rằng, trước thực tế không gian kiến trúc đô thị Việt ngày càng trở nên khô khan, thiếu sự gần gũi với cuộc sống thì những xới xáo như tính chất của cuộc vận động sáng tác các tác phẩm điêu khắc, biểu tượng kiến trúc nơi công cộng là một hướng đi cần thiết. Tuy nhiên, sự xuất hiện của những tác phẩm tiêu biểu, có giá trị nghệ thuật này liệu có đủ sức làm thay đổi từ nhận thức đến nhu cầu của các chủ đầu tư, doanh nghiệp... hay không vẫn còn là nỗi mong chờ khắc khoải của giới nghề. Theo Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên, cuộc vận động sáng tác cũng như những tác phẩm tiêu biểu được lựa chọn triển lãm dường như chỉ nhắc đến một câu chuyện cũ, được đau đáu từ lâu. Bởi thực tế hiện nay không có một cơ chế có tính ràng buộc nào khiến các doanh nghiệp, nhà đầu tư phải dành kinh phí, không gian cho việc bố trí các biểu tượng, tác phẩm điêu khắc trong tổng thể chung của công trình xây dựng. Không ràng buộc nên thiếu hay thừa, đẹp hay không đẹp không quan trọng, điểu đó vô hình trung đã khiến sự tồn tại của các biểu tượng kiến trúc đô thị này trở thành mối quan tâm hời hợt, nhạt nhòa và không của riêng ai.

Khắc khoải “đầu ra” cho sáng tạo

Kiến trúc sư Nguyễn Tiến Thuận (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) cũng từng lý giải một phần nguyên nhân của thực trạng đáng buồn này khi bản thân ông cảm thấy “nỗi đau” trước hình ảnh những bức tượng ngoài trời, chứa đựng nhiều tâm huyết sáng tạo bị dùng làm chỗ phơi quần áo, thậm chí chăng lên cả giẻ lau, nilon. Nhiều chủ đầu tư chỉ cốt xây cho xong phần cơ bản của ngôi nhà, trong khi những bức tượng vườn để tôn thêm vẻ đẹp trọn vẹn của các công trình thì không màng tới.

Thế nhưng, không song hành với những mong mỏi của giới nghề, nỗi lo “đầu ra” cho những sáng tạo vẫn luôn còn hiện hữu. Không ít người đặt dấu hỏi, sẽ có bao nhiêu phần trăm tác phẩm điêu khắc, biểu tượng kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu, được lựa chọn triển lãm, ra mắt công chúng trong những không gian đầy viễn tưởng kia được các nhà đầu tư “để mắt”, triển khai xây dựng? Nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường, nguyên Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho biết, thực tế có nhiều sáng tác điêu khắc đẹp, có giá trị nghệ thuật và chắc chắn, chúng cũng có khả năng chiếm lĩnh, tác động đến không gian, môi trường sống. Những tác phẩm như thế có thể không khó tìm sau nhiều cuộc vận động, trại sáng tác điêu khắc được tổ chức trong suốt thời gian qua. Đơn cử, chỉ sau cuộc vận động sáng tác của Bộ VHTTDL, đã có gần 70 tác phẩm tiêu biểu được lựa chọn từ 578 tác phẩm của 276 tác giả trong cả nước gửi tham dự.

Tuy nhiên, một phần do trình độ thẩm mỹ của người xem chưa được nâng cao, phần khác do chi phối về điều kiện kinh tế khiến cho việc đưa các tác phẩm mỹ thuật, điêu khắc vào đời sống vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều kiến trúc sư, nhà điêu khắc gợi ý, thay vì việc chỉ tổ chức những cuộc vận động sáng tác đơn thuần thì có thể mời các chủ đầu tư, doanh nghiệp... cùng tham gia và đồng hành trên con đường làm đẹp môi trường cảnh quan, không gian kiến trúc của các đô thị. Cách làm này vừa giúp kết nối giới sáng tác với các đối tượng có khả năng sẽ là khách hàng của họ, vừa giúp cho những tác phẩm xuất sắc được ứng dụng vào cuộc sống.

Họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm thì cho rằng, việc làm thay đổi nhận thức của xã hội và đặc biệt là các doanh nghiệp, chủ đầu tư của các công trình xây dựng, không gian công cộng không thể một sớm một chiều. Vì vậy, kỳ vọng ngay lập tức sau một cuộc thi có thể làm đổi thay nhận thức là điều không thể. Mặc dù vậy, việc tổ chức nhiều hơn nữa những cuộc xới xáo như thế này cũng được hy vọng sẽ phần nào rút ngắn khoảng cách giữa những sáng tác điêu khắc dành cho không gian công cộng với đời sống cộng đồng.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/cuoituan/doi-song-van-hoa/item/31585902-xoi-xao-de-hy-vong.html