Xóa 'ma trận' đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc - Bài 3: Cần 'tam công pháp' để ứng đối

Các chuyên gia đề xuất giải pháp ở nhiều góc độ khác nhau trong việc chống lại, thậm chí là 'chủ động tấn công' vào 'ma trận' đường lưỡi bò của Trung Quốc ở Biển Đông.

Chuyên gia Richard Heydarian (ĐH Philippines) hồi đầu tháng 7-2023 phát biểu trên tạp chí Time về sự kiện Việt Nam không cấp phép cho phim Búp bê Barbie do có hình ảnh đường lưỡi bò. Theo đó, Việt Nam đang nhắc thế giới rằng những hoạt động truyền bá đường lưỡi bò của Trung Quốc (TQ) không nên được xuất hiện một cách vô thưởng vô phạt trong các sản phẩm vô hại như phim Búp bê Barbie. Nói cách khác, việc “cài cắm” đường lưỡi bò vào một bộ phim như thế chẳng có ý nghĩa gì cả.

Giới chuyên gia cũng cho rằng không chỉ Việt Nam mà cộng đồng “thượng tôn pháp luật” của thế giới nói chung cần có những biện pháp chủ động, không để thông tin, hình ảnh, các yêu sách sai lệch của TQ về Biển Đông “chiếm sóng”, lấn át sự thật.

GS-TS - Đại sứ NGUYỄN HỒNG THAO:

Việt Nam cần áp dụng “tam công pháp”

Đối phó với ý đồ “chiếm lĩnh nhận thức” của TQ, Việt Nam cần thắt chặt kiểm soát các tác phẩm vi phạm chủ quyền. Tuy nhiên, chỉ sử dụng biện pháp “cấm không giải thích” sẽ có thể ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác.

Việt Nam từng chọn giải pháp đóng dấu xuất nhập cảnh lên tờ thị thực rời kẹp trong hộ chiếu có in hình đường lưỡi bò phi pháp của khách TQ để vừa không làm ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao, kinh tế, du lịch vừa giữ được chủ quyền lãnh thổ. Với nhóm nhạc BlackPink, yêu cầu dỡ bỏ, không sử dụng các hình ảnh đường lưỡi bò trong các hoạt động của công ty tổ chức sự kiện tại Việt Nam là cần thiết. Nhưng nếu thu hồi giấy phép đối với nhóm nhạc BlackPink có thể ảnh hưởng đến những cô gái vô tội mang sứ mệnh giao lưu văn hóa đến từ Hàn Quốc.

Tôi muốn chúng ta cùng suy nghĩ về cách hành xử của Philippines: Với phim Búp bê Barbie, họ không cấm chiếu nhưng bắt các nhà làm phim phải xóa các hình ảnh được cho là đường lưỡi bò và tuyên bố không chấp nhận bản đồ phi pháp ấy. Việt Nam có quyền áp đặt các biện pháp hạn chế các hậu quả tới chủ quyền quốc gia. Song song đó, Việt Nam cũng là quốc gia làm bạn với tất cả các nước, vì vậy cần cân nhắc các biện pháp vừa giữ được chủ quyền vừa giữ quan hệ cùng có lợi.

Sự kiện phim Búp bê Barbie và nhóm nhạc đình đám BlackPink, từ góc độ truyền thông, nếu Việt Nam khai thác tốt sẽ mang về thắng lợi. Chúng ta vừa có thể lan tỏa thông điệp không bao giờ chấp nhận đường lưỡi bò, tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè thế giới, đồng thời cho công chúng trong nước và quốc tế thấy sự linh hoạt, mềm dẻo của Việt Nam. Ứng phó với “tam chủng chiến pháp” của TQ, Việt Nam cần vận dụng linh hoạt “tam công pháp”: Công khai, công luận và công pháp.

PGS-TS VŨ THANH CA, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ - Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam:

Nguồn lực mạnh nhất là “đấu tranh toàn dân”

Trước “ma trận” ngày càng tinh vi, phức tạp và dày đặc của hình ảnh đường lưỡi bò, việc kiểm duyệt các sản phẩm văn hóa, khoa học ngày càng khó khăn. Với nguồn lực hiện có, các cơ quan công quyền của Việt Nam khó có thể phát hiện hết để có các giải pháp xử lý thích hợp các vi phạm về chủ quyền biển, đảo của nước ngoài. Tôi đọc báo thấy lãnh đạo Cục Điện ảnh cho biết số lượng phim ảnh ngày càng lớn, công tác kiểm duyệt phải mất rất nhiều thời gian. Vì vậy, chúng ta cần tận dụng mọi nguồn lực có được để đấu tranh chống lại những hoạt động sai trái.

Dù Trung Quốc ra sức tuyên truyền về đường lưỡi bò phi pháp nhưng các quốc gia Biển Đông và công luận quốc tế cho đến nay đều lên tiếng phản đối. Ảnh vẽ minh họa

Nguồn lực mạnh nhất mà chúng ta có thể tận dụng là thế trận đấu tranh toàn dân. Người dân là tai mắt của cơ quan nhà nước, sẽ giúp Nhà nước nhanh chóng phát hiện những vi phạm. Các cơ quan nhà nước cần phải có các bộ phận tiếp thu và xử lý ngay, triệt để và công khai các vấn đề mà người dân phát hiện nhằm ngăn chặn kịp thời các vi phạm chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.

Để hỗ trợ người dân, các cơ quan nhà nước cũng phải tăng cường các hoạt động tuyên truyền, đặc biệt là trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam cùng với các tuyên bố sai trái của nước ngoài, đặc biệt là của TQ về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Thế trận đấu tranh toàn dân đã mang lại thắng lợi cho chúng ta trong các cuộc đấu tranh trước đó, chắc chắn việc phát huy nó sẽ giúp Việt Nam có thể đấu tranh một cách hiệu quả chống lại “ma trận” mới này của TQ.

ThS NGUYỄN THẾ PHƯƠNG, nghiên cứu sinh ĐH New South Wales (Úc):

Thúc đẩy nhận thức chung tại ASEAN và thế giới

TQ trong những năm vừa qua không ngừng tận dụng các biện pháp “mềm”, bên cạnh các biện pháp “cứng” như quân sự, ngoại giao hay kinh tế. Sự phát triển của các nền tảng văn hóa số (trong đó có phim ảnh và âm nhạc) được phóng đại lên nhiều lần bởi sự phổ biến của mạng xã hội đã góp phần giúp TQ truyền bá các thông điệp sai lệch của họ về Biển Đông nhanh và mạnh hơn. Với nguồn lực và ảnh hưởng văn hóa khổng lồ, TQ trực tiếp và gián tiếp thúc đẩy ngày càng nhiều các sản phẩm văn hóa số có hình ảnh đường lưỡi bò. Việc những nhà kiểm duyệt để “lọt” hình ảnh đường lưỡi bò xuất hiện tích tắc trong những bộ phim dài tập có thể sẽ tiếp tục diễn ra nếu không có các biện pháp “bọc lót” hoặc ứng dụng công nghệ kiểm duyệt hiện đại.

Tuy nhiên, kiểm duyệt cũng chỉ là giải pháp mang nặng tính đối phó. Mặc dù cần thiết, cách hay nhất theo tôi là “chủ động tấn công”. Không thể ép buộc TQ dừng phát tán đường lưỡi bò. Thế nhưng, nếu công chúng Việt Nam và các nước khác trên thế giới có nhận thức đúng đắn về luật pháp quốc tế, có thể tiếp cận thường xuyên thông tin về Biển Đông, hiểu biết về những chiêu trò của TQ nhằm lợi dụng văn hóa phẩm như phim ảnh để phát tán các yêu sách bất hợp pháp thì đường lưỡi bò sẽ dễ dàng bị phát hiện và bị phản đối.

Muốn vậy, việc chủ động truyền thông yêu sách, quan điểm của Việt Nam về Biển Đông và sự tuân thủ của Việt Nam với luật pháp quốc tế để bạn bè các nước nắm bắt, ủng hộ là rất cần thiết. Bên cạnh đó, cần chủ động xây dựng chiến lược dài hơi đẩy mạnh các biện pháp đối phó với chiến thuật “vùng xám” của TQ trong học thuật và văn hóa. Đồng thời đẩy mạnh, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý văn hóa về sự nguy hiểm của chiến thuật này. Việc này không chỉ giúp chia sẻ, phát hiện thông tin sai lệch, độc hại mà còn thúc đẩy nhận thức chung về Biển Đông, cùng với phản đối yêu sách của TQ một cách hiệu quả hơn.

TS NGUYỄN THÀNH TRUNG, ĐH Fulbright Việt Nam:

Buộc các đơn vị phát hành phải tăng trách nhiệm

Trước “ma trận” đường lưỡi bò của TQ, tôi nghĩ rằng chúng ta cần quan tâm tới hai khía cạnh. Thứ nhất là nơi sản xuất, phát hành và thứ hai là người tiêu thụ. Trước hết, Việt Nam cần có những chính sách, quy định được công bố rõ ràng và thúc đẩy truyền thông về những hình phạt mà các công ty phổ biến hình ảnh, phim ảnh có đường lưỡi bò phi pháp của TQ phải đối diện. Việc này góp phần buộc các công ty này phải có những biện pháp kiểm tra chặt chẽ trước khi quảng bá tại Việt Nam.

Tôi muốn lưu ý rằng vấn đề không chỉ nằm ở việc thu hồi, cấm chiếu mà còn có những biện pháp mang tính răn đe để không tái diễn. Việc buộc các nhà sản xuất, phát hành có trách nhiệm đối với các sản phẩm của họ ở Việt Nam sẽ giúp giảm tải cho phía chính quyền trong việc kiểm duyệt. Đối với các trường hợp mang tính tranh cãi thì cần có hội đồng đủ uy tín để xác định để tránh gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Phần còn lại, Chính phủ cũng nên nâng cao tinh thần cảnh giác, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc của người tiêu dùng hay người tiếp thu các sản phẩm, ấn phẩm văn hóa. Họ chính là những người “kiểm duyệt” đường lưỡi bò đông đảo nhất mà không bộ máy cơ quan nào có thể so sánh được. Do đó, việc cần làm là giúp người dân, đặc biệt là giới trẻ hiểu đúng và hiểu đủ về những gì đang xảy ra ở Biển Đông để họ không dễ dàng “bỏ lọt” hình ảnh đường lưỡi bò mà không báo cáo với các cơ quan chức năng.

Chuyên gia HOÀNG VIỆT, ĐH Luật TP.HCM:

Cần đến sức mạnh công luận quốc tế

Đến lúc này thì việc “cài cắm” hình ảnh đường lưỡi bò vào các ấn phẩm, phim ảnh chưa mang lại hiệu quả với TQ, mà trái lại còn có tác dụng ngược. Không chỉ Việt Nam mà Philippines thời gian qua cũng cấm công chiếu nhiều bộ phim, ngăn phát tán nhiều văn hóa phẩm có hình ảnh đường lưỡi bò. Báo chí quốc tế cũng phân tích rất nhiều, trong đó chỉ ra cái sai của TQ khi ban hành yêu sách đường lưỡi bò, nhắc lại phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016. Tôi cho rằng quốc tế đang ngày càng thận trọng, tỉ mỉ hơn trước TQ.

Nếu Việt Nam và các nước Biển Đông khác cùng với dư luận thế giới cùng lên tiếng, cùng phản đối thì đó chắc chắn sẽ là một sức ép mà TQ buộc phải suy nghĩ kỹ về những gì họ làm. Nếu nhiều quốc gia “nói không” với các nhà làm phim như Hollywood vì làm phim có hình ảnh đường lưỡi bò thì việc “cài cắm” này sẽ dần suy giảm.

ĐỖ THIỆN

Nguồn PLO: https://plo.vn/xoa-ma-tran-duong-luoi-bo-phi-phap-cua-trung-quoc-bai-3-can-tam-cong-phap-de-ung-doi-post742949.html