Xóa hết lỗ, Thực phẩm Quốc tế dốc hầu bao chia cổ tức

Công ty Cổ phần Thực phẩm Quốc tế đề xuất dùng hết 209 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối kiếm được năm 2023 để chia cổ tức bằng tiền mặt.

Công ty Cổ phần Thực phẩm Quốc tế (Interfood - mã IFS) - chủ thương hiệu Wonderfarm - vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, dự kiến diễn ra ngày 19/4.

Theo tài liệu, IFS đề xuất dùng gần như toàn bộ 209 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến cuối năm 2023 để trả cổ tức tiền mặt. Cụ thể, IFS đề xuất mức chia cổ tức là 24% (tương ứng trả 2.400 đồng trên mỗi cổ phiếu), với tổng số tiền 209 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối dự kiến sau khi trả cổ tức chỉ còn hơn 30 triệu đồng.

Trước đó, năm 2022, công ty cũng dùng gần như toàn bộ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2022 (gần 156 tỷ đồng) để chia cổ tức bằng tiền tỷ lệ 17.8%, chỉ để lại gần 600 triệu đồng.

Năm 2023 vừa qua, IFS ghi nhận doanh thu thuần lập kỷ lục với 1.868 tỷ đồng, tăng 9% so với năm trước. Trong đó doanh thu từ nước giải khát gần 1.648 tỷ, chiếm đến 88% tỷ trọng tổng doanh thu, còn lại tới từ thực phẩm đóng hộp (342 tỷ) và bán phế liệu (5,5 tỷ). Sau khi trừ chi phí, IFS lãi sau thuế 209 tỷ đồng, tăng 34% so với năm 2022.

Sản phẩm trà bí đao Wonderfarm của Công ty Cổ phần Thực phẩm Quốc tế.

Năm 2024, IFS đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 1.993 tỷ đồng, tăng gần 7% so với thực hiện 2023 và là mức cao nhất từ khi hoạt động. Dù vậy, doanh nghiệp khá thận trọng với mục tiêu lợi nhuận khi lên kế hoạch lãi ròng chỉ khoảng 192 tỷ đồng, giảm 8% so với thực hiện năm 2023.

Công ty đặt mục tiêu ở mức tăng trưởng cao hơn thị trường và ưu tiên tăng doanh số bán hàng cho các thương hiệu trà Bí Đao, Ice+ và Latte. Trên cơ sở đảm bảo một mức lợi nhuận nhất định, IFS cũng phải đối mặt thách thức giảm chi phí trên toàn công ty.

Được biết, Công ty Cổ phần Thực phẩm Quốc tế là doanh nghiệp FDI, hoạt động tại Việt Nam từ 1991, trong lĩnh vực chế biến nông sản và thủy sản đóng hộp để xuất khẩu. Công ty mở rộng kinh doanh bằng việc tăng vốn đầu tư lên 23 triệu USD, gấp 20 lần ban đầu để thâm nhập vào thị trường nước ép trái cây và bánh quy. Đến năm 2005, IFS chính thức chuyển mô hình hoạt động sang Công ty cổ phần, với tổng vốn đầu tư tăng lên 30 triệu USD.

Tình hình kinh doanh của IFS bắt đầu đi xuống khi tập trung thực hiện nhiều kế hoạch cải tổ doanh nghiệp. Sự kiện đóng cửa nhà máy chính để chuyển sang hoạt động ở địa điểm mới, cộng thêm sự trỗi dậy của nhiều thương hiệu bánh kẹo và nước giải khát nước ngoài khiến doanh nghiệp đánh mất thị phần và thua lỗ (khủng hoảng trầm trọng từ 2008-2015, với 7/8 năm thua lỗ).

Đến khi Kirin - Tập đoàn sản xuất thực phẩm lớn tại Nhật Bản - tham gia tái cấu trúc thông qua việc tăng tỷ lệ sở hữu lên 95,66% và đồng ý thực hiện các khoản vay nội bộ để giải quyết nợ ngân hàng thì IFS bắt đầu có bước ngoặt, và có lãi từ năm 2016.

Khánh Hoài (tổng hợp)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kinh-doanh/xoa-het-lo-thuc-pham-quoc-te-doc-hau-bao-chia-co-tuc-1972413.html