Xoa dịu một niềm đau

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, bao cán bộ, chiến sĩ trở về với quê hương, những tưởng từ bấy giờ chiến tranh đã chìm vào quên lãng, không còn mất mát, hy sinh. Nhưng không, di họa chiến tranh - một nỗi đau vô hình mang tên da cam đã truy đuổi bao người lính về tận các miền quê xa lắc, khiến nạn nhân suy kiệt sức khỏe, đau đớn tinh thần và hàng nghìn con, cháu nạn nhân được sinh ra mang thân hình dị dạng...

Tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn T.P Sông Công, ngày 1/8/2020. Ảnh: Lưu Phượng

Ông Nguyễn Đức Cảnh, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân Chất độc da cam/điôxin (NNCĐDC) tỉnh bùi ngùi: NNCĐDC đang phải chịu một niềm đau từ quá khứ dội về. Một niềm đau hơn mọi nỗi đau do chiến tranh mang lại, lẽ nào chúng ta không đồng lòng, chung tay chia sẻ, xoa dịu một niềm đau cho những người đã vì Tổ quốc mà chiến đấu.

Đến thăm các gia đình NNCĐDC, mấy ai cầm được lòng khi chứng kiến nạn nhân đau đớn nhìn con, cháu của họ lết lê, không đứng nổi dậy để làm một con người hoàn thiện. Nạn nhân Nguyễn Trọng Hợp, xóm Tân Mỹ, xã Tân Quang (T.P Sông Công) gạt nước mắt nói: Tôi có 4 người con, thì 3 đứa bị khuyết tật, bò lổm ngổm trong nhà. Sau này tôi chết, chưa biết các cháu sẽ sống như thế nào… Nước mắt trực trào, tôi nhớ đến cảnh bà Chu Thị Quế, xóm Giếng Mật, xã Tân Hòa (Phú Bình) khi đó đang bị bệnh nặng, nhưng hằng ngày phải chăm nom người con gái gần 50 tuổi đời, nằm một chỗ và ú ớ suốt mấy mươi năm nay...

14.941 người Thái Nguyên là NNCĐDC, trong đó nạn nhân trực tiếp 12.042 người, gián tiếp 2.899 người, nhưng hiện mới có 10.065 nạn nhân được hưởng chế độ chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Tuy nhiên, vẫn còn hàng nghìn người lính từ tử địa trở về, phải chịu đựng đau đớn vì chất độc hóa học do quân đội Mỹ và con, cháu họ sinh ra với cơ thể, tinh thần không lành lặn. Song vì nhiều lý do, họ chưa được hưởng các chế độ đãi ngộ của Nhà nước.

Ông Đặng Duy Hằng, Chánh Văn phòng Tỉnh hội cho biết: Hiện trên địa bàn tỉnh: 9/9 huyện, thành phố và thị xã, 178/178 xã, phường, thị trấn và 1.009 xóm, tổ dân phố có tổ chức Hội NNCĐDC hoạt động, với tổng số gần 11.000 hội viên. Để tổ chức Hội thật sự là điểm tựa tinh thần cho hội viên, các cấp hội thường xuyên được kiện toàn về số lượng, chất lượng.

Lãnh đạo Hội NNCĐDC tỉnh trao nhà tình nghĩa cho cựu chiến binh Đinh Văn Mực, NNCĐDC ở xóm Đầm, xã Bình Thành (Định Hóa).

Hàng năm, Hội chủ động phối hợp với các cơ quan, ban, ngành chuyên môn tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ tham gia công tác hội, nhất là về kỹ năng, kinh nghiệm tuyên truyền về hậu quả của chất độc hóa học trong chiến tranh, đồng thời kêu gọi đồng bào trong nước và bạn bè quốc tế chung tay ủng hộ, giúp đỡ NNCĐDC cả về vật chất và tinh thần. Được biết, trong những năm gần đây, các cấp hội đã có nhiều sáng tạo trong vận động, xây dựng Quỹ Vì NNCĐDC như: Tổ chức sự kiện; qua công văn, thư ngỏ; tổ chức đoàn đến các cơ quan, doanh nghiệp, nhà hảo tâm vận động trực tiếp; thông qua mạng xã hội... Hình thức tuyên truyền cụ thể, sinh động đã tạo cảm xúc mạnh, gợi mở được lòng trắc ẩn, thiện tâm trong mỗi người. Nhờ đó, Quỹ Vì NNCĐDC thu hút được sự tham gia ủng hộ của đông đảo các doanh nhân, nhà hảo tâm và mọi người dân. Nhiều kiều bào và tổ chức quốc tế cũng đã đến đến Thái Nguyên chia sẻ nỗi đau với NNCĐDC thông qua tài trợ vật chất.

Điển hình là các thành viên của Đoàn Trường Phổ thông trung học Fridrich Gynasium bang Hessen (Cộng hòa Liên bang Đức); Đoàn Giáo sư Trường Đại học Utastate, bang Utah (Mỹ); bà Masako Sakata (Nhật Bản)… Tận mắt chứng kiến NNCĐDC phải chung sống với nỗi đau bệnh tật rồi con của họ ngơ ngác, chân tay teo tóp bò lê lết, miệng ú ớ nói không tròn từ... không ít người đã rơi nước mắt.

Ông Cảnh cho biết thêm: Trong 5 năm gần đây, các cấp hội đã vận động ủng hộ, giúp đỡ trực tiếp cho hàng nghìn lượt NNCĐDC bằng tiền mặt và hiện vật, với tổng giá trị hơn 45 tỷ đồng. Từ chi hội cơ sở cũng đã chủ động xây dựng chân quỹ để tạo nguồn vốn tại chỗ hội viên vay với lãi suất thấp, hoặc cho vay không lãi. Hiện, số tiền chân quỹ ở hội cơ sở đạt 6 tỷ đồng…

Theo số liệu tổng hợp của Hội NNCĐDC tỉnh: Trong 5 năm qua, có hơn 76.000 lượt nạn nhân được thăm hỏi, tặng quà vào các dịp Tết Nguyên đán; Ngày vì NNCĐDC (10-8) với trị giá quà gần 22 tỷ đồng; 139 nạn nhân được hỗ trợ làm nhà mới với tổng số tiền hơn 4,3 tỷ đồng; 122 nạn nhân được hỗ trợ sửa chữa nhà ở với tổng số hơn 1,9 tỷ đồng. Gần 1.000 gia đình nạn nhân được hỗ trợ sản xuất với tổng số tiền hơn 9,6 tỷ đồng; 3.153 nạn nhân bị bệnh hiểm nghèo được hỗ trợ gần 1,4 tỷ đồng; 78 nạn nhân được tặng xe lăn; gần 1.000 lượt nạn nhân được khám bệnh, cấp thuốc miễn phí; hơn 1.400 lượt con nạn nhân có hoàn cảnh kinh tế khó khăn được tặng sách giáo khoa, vở viết; 239 nạn nhân được trợ cấp khó khăn đột xuất… Các cấp hội đã tư vấn, trợ giúp pháp lý cho 376 lượt nạn nhân; giúp 263 NNCĐDC được hưởng chế độ chính sách; 186 lượt nạn nhân được đi an dưỡng tại các trung tâm dành cho người có công.

Với mỗi gia đình NNCĐDC, việc thăm hỏi, động viên của các cấp, ngành và mọi người trong cộng đồng xã hội kịp thời, ví như nguồn nước trong lành được mang đến lúc khát, giúp họ vợi nguôi đi nỗi đau da cam thời hậu chiến, tiếp thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống.

Giai đoạn 5 năm (2015-2020), Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin tỉnh đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; các tập thể, cá nhân được Trung ương Hội tặng 2 Cờ thi đua, 28 Bằng khen; UBND tỉnh tặng 1 Cờ thi đua, 73 Bằng khen; Ủy ban MTTQ tặng 21 Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác Hội.

Phạm Ngọc Chuẩn

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/xa-hoi/xoa-diu-mot-niem-dau-273212-85.html