Xóa bỏ điều kiện kinh doanh: 'Đã có doanh nghiệp khóc ngay trong hội thảo'

Theo các chuyên gia, hiện có nhiều điều kiện kinh doanh có tác động ngược lại, cản trở cạnh tranh, cản trở sự sáng tạo, tăng rủi ro cho DN. Vì thế, bãi bỏ điều kiện kinh doanh là thay đổi tư duy quản lý nhà nước, bỏ tư duy quản lý can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh, để thúc đẩy kinh cạnh tranh, thúc đẩy sự sáng tạo.

DN luôn mong muốn môi trường kinh doanh được cải thiện tích cực, thuận lợi. Ảnh: H.Dịu

Đây là ý kiến của các chuyên gia tại Tọa đàm với chủ đề “Kiên quyết loại bỏ các điều kiện kinh doanh “trói” DN” diễn ra ngày 18/10, tại Hà Nội.

Tại tọa đàm, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Công Thương cho biết, hiện tại Bộ Công Thương đang dự kiến có khoảng 55,5% (tương đương 675 điều kiện kinh doanh) trên tổng số các điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực công thương đã được đề xuất cắt giảm. Bộ Công Thương sẽ đơn giản hóa trong 16 ngành, nghề thuộc Phụ lục IV Luật Đầu tư thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.

Ông Tân cho biết thêm, tại cuộc họp mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã khẳng định, việc rà soát, xây dựng, thực hiện phương án cắt giảm, đơn giản hóa vừa qua là bước đầu tiên trong tiến trình chung của Bộ về cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế của đất nước.

Đánh giá về những hành động trên, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, có lẽ đây là lần đầu chúng ta thống kê và đưa ra các con số về giấy phép con; nhưng không phải nhiều có nghĩa là xấu và ít có nghĩa là tốt mà cần nhìn về mặt nội dung.

Vì thế, đại diện CIEM cho rằng cần phải tìm ra phương pháp ít tác động lên chi phí và tiết kiệm về thời gian cho DN.

“Tôi đã từng chứng kiến có DN khóc ngay trong cuộc hội thảo vì thủ tục. Chậm 10 ngày, thậm chí 30 ngày đối với cơ quan quản lý chẳng là gì. Nhưng đối với DN, một ngày thôi cũng như ngồi trên đống lửa, sự chậm trễ làm giảm tính cạnh tranh, có thể dẫn đến việc DN bị phá sản”, ông Hiếu nói.

Theo ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh cần được tiến hành đồng thời với rà soát, cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực có liên quan; cân nhắc bãi bỏ, đơn giản hóa các thủ tục hành chính (tương ứng với các điều kiện kinh doanh đã được đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa); hướng tới triển khai mạnh dịch vụ công cấp độ 4 hoặc xã hội hóa việc thực hiện dịch vụ công cho các thành phần kinh tế khác thực hiện.

“Quan trọng là cần chỉ rõ ra những quy định nào đang cản trở DN. Muốn chỉ ra được thì cơ quan nhà nước, cộng đồng DN, chuyên gia cùng ngồi để bàn, để hiện thực hóa nó”, ông Tân chia sẻ.

Đồng quan điểm, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, loại bỏ điều kiện kinh doanh trói DN, chính là thay đổi phương thức quản lý nhà nước. Vì thế, chúng ta nên chuyển hẳn cách quản lý, từ việc trói DN sang việc tạo ra môi trường linh hoạt, tạo điều kiện cho DN; bãi bỏ tư duy quản lý can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh của DN, thúc đẩy DN cạnh tranh, sáng tạo.

Ông Hiếu cho biết thêm, hiện nay nước ta có hơn 500.000 DN hoạt động, nhưng sắp tới có thể là 1 triệu, 2 triệu, 3 triệu. Do vậy việc kiểm soát cả tiền kiểm và hậu kiểm, là điều không thể. Chính vì vậy, các bộ, ngành buộc phải phân loại được loại DN, sản phẩm dịch vụ, kèm theo đó là các nguy cơ gây rủi ro thấp hay cao.

Đặc biệt, ông Hiếu còn cho rằng, Nhà nước không phải là người duy nhất giám sát, mà cần thúc đẩy sự tham gia giám sát của xã hội.

Với những vấn đề, các chuyên gia tại tọa đàm đều tin tưởng, các cơ quan quản lý đã đang dần dần chuyển từ tư duy, rồi đến cách thức quản lý theo hướng tích cực; để DN không còn “khóc” khi nói về môi trường kinh doanh.

Hương Dịu

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/xoa-bo-dieu-kien-kinh-doanh-da-co-doanh-nghiep-khoc-ngay-trong-hoi-thao.aspx