XK hàng hóa sang liên minh kinh tế Á – Âu còn nhiều thách thức

Bên cạnh lợi thế to lớn về cắt giảm thuế quan, việc XK hàng hóa sang thị trường EAEU còn tiềm ẩn nhiều thách thức. Đó là thông tin được diễn giả cho biết tại Hội nghị “Đẩy mạnh xuất khẩu (XK) sang thị trường Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU) khi FTA Việt Nam - EAEU có hiệu lực” do Bộ Công Thương tổ chức tại TP.HCM ngày 12-10.

Đại diện Hiệp hội dệt may cho biết, XK hàng dệt may vào EAEU còn gặp khó khăn về cơ chế phòng vệ ngưỡng. Ảnh: Nguyễn Huế

Theo các chuyên gia, FTA Việt Nam – EAEU có hiệu lực sẽ mở ra một cơ hội rất lớn cho XK hàng hóa của Việt Nam vào thị trường này.

Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) bao gồm 5 nước thành viên (Liên bang Nga, Belarus, Kazakhstan, Kyrgystan và Armenia) là khu vực có quan hệ chính trị - kinh tế truyền thống đối với Việt Nam. Quan hệ thương mại song phương năm 2015 giữa hai bên là 3,6 tỷ USD, tăng 6% năm 2014,.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, việc Việt Nam trở thành đối tác ký FTA đầu tiên với EAEU mở ra một cơ hội rất lớn cho XK của Việt Nam. Với tỷ lệ gần 90% dòng thuế NK được cắt giảm (trong đó 59,3% xóa bỏ ngay khi FTA có hiệu lực) là lợi thế lớn cho Việt Nam trong việc cạnh tranh với các nước khác trên thế giới khi XK hàng hóa vào khu vực thị trường này. Với dân số khoảng 183 triệu người, tổng GDP khoảng 2,2 nghìn tỉ USD (tương đương khoảng gần 13.000 USD/người/năm), văn hóa tiêu dùng của người dân ngày càng được nâng cao và đa dạng hóa, EAEU được xem là thị trường XK tiềm năng, hấp dẫn cho các DN Việt.

Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, hoạt động XK hàng hóa sang thị trường EAEU cũng phải đối mặt với không ít thách thức. Cụ thể, theo bà Nguyễn Thanh Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu, Bộ Công Thương, tại thị trường Nga, các DN sẽ gặp khó khăn về các rào cản về tiêu chuẩn kỹ thuật khác biệt, chi phí vận tải, logistic, thanh toán. Bên cạnh đó, sản phẩm của Việt Nam đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt về giá cả, mẫu mã, bao bì, chất lượng, vận chuyển...với các quốc gia khác có nguồn cung sản phẩm tương tự Việt Nam tại thị trường Liên bang Nga như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan... Cùng với đó, việc vận tải của 2 bên chủ yếu bằng đường hàng hải, thời gian kéo dài thường tới 25 ngày làm giảm năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Về phương thức thanh toán, mặc dù việc thúc đẩy thanh toán song phương, bao gồm thanh toán bằng đồng nội tệ, thông qua việc thực hiện đề án thúc đẩy thanh toán song phương Việt- Nga bước đầu đã có những tiến triển nhất định, tuy nhiên, theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, việc thanh toán bằng đồng nội tệ đến nay vẫn còn nhiều hạn chế. Hầu hết DN thanh toán qua ngân hàng đều thực hiện bằng đồng tiền mạnh như USD và Euro, ít sử dụng đồng nội tệ, bởi các DN 2 nước có tâm lý e ngại, rủi ro, do đồng Rup không ổn định. Trong khi đó, việc thanh toán bằng đồng USD gặp khó khăn do biến động tỷ giá giữa đồng Rup của Liên Bang Nga và USD của Hoa Kỳ.

Nêu khó khăn từ phía DN, Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai , Phó Tổng Thư ký Hiệp hội dệt may (Vitas) cho rằng, đối với thị trường EAEU, các DN dệt may còn băn khoăn về cơ chế phòng vệ ngưỡng. Cụ thể, Hiệp định đưa ra ngưỡng hạn chế là kim ngạch XK của Việt Nam không vượt quá 2 lần bình quân 3 năm gần đây. Trong khi đó, XK của Việt Nam sang các nước thuộc Liên minh trong mấy năm qua rất thấp, nếu gấp 2 lần thì cũng chỉ dưới 1 tỷ USD. Điều này không chỉ tạo thêm thủ tục hành chính cho cả nhà nước và DN mà còn hạn chế DN dệt may của Việt Nam XK sang thị trường này.

Theo Đại diện Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, thị trường Nga rất tiềm năng cho ngành hồ tiêu, nhưng khó khăn trong vấn đề thanh toán, đa phần các DN trong hiệp hội là các DN vừa và nhỏ nên việc thanh khoản chậm sẽ gây khó khăn cho các DN. Hiện nay, các DN trong hiệp hội mới chỉ chú ý tới việc chế biến sâu mang lại giá trị gia tăng cao và chủ yếu xuất sang Mỹ và EU. Nếu trong FTA với liên minh kinh tế Á Âu không cắt giảm thuế cho mặt hàng này mà chỉ áp dụng cho XK thô thì sẽ rất khó XK mặt hàng này.

Nhằm thúc đẩy XK hàng hóa sang thị trường EAEU, bà Trịnh Thu Hiền, Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) khuyến nghị, đối với hàng hóa XK sang thị trường này, giấy chứng nhận xuất xứ và C/O khai báo phải bằng tiếng anh chứ không phải tiếng Việt. Đặc biệt đối với hàng nông sản, không phải cứ có hóa đơn trong nước là hàng xuất xứ việt Nam, DN cần bổ sung C/O xác nhận vùng nguyên liệu và mùa vụ. Đối với hàng công nghiệp, có giá trị gia tăng khoảng 40%, DN cần chuẩn bị đầy đủ về hồ sơ vì các mặt hàng này dễ bị kiểm tra...

Nguyễn Huế

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/xuat-khau-hang-hoa-sang-lien-minh-kinh-te-a-au-con-nhieu-thach-thuc.aspx