Xin nghỉ làm một ngày để đi xếp hàng, cắt tóc

Sau nhiều ngày giãn cách, điểm chung là nhu cầu làm đẹp của các bạn trẻ tăng cao. Nhiều salon, cửa hàng cắt tóc hoạt động hết công suất từ buổi sáng để phục vụ khách hàng.

"Mình nghĩ hầu hết ai cũng có tâm lý muốn tút tát lại ngoại hình sau một thời gian dài ở yên trong nhà", Dung (sinh năm 1993) nói với Zing sau khi cắt ngắn khoảng 20 cm tóc, từ ngang lưng thành chấm vai.

Ngay trong ngày đầu tiên Hà Nội cho phép mở cửa trở lại một số loại hình kinh doanh, lịch đặt chỗ tại nhiều salon tóc nam nữ đều nhanh chóng được lấp đầy bởi nhu cầu làm đẹp của bạn trẻ.

Dù thời gian chờ đợi đến lượt, làm xong mái tóc kéo dài lâu vì lượng khách tăng đột biến, nhiều bạn trẻ không ngại và bày tỏ sự hài lòng vì vẻ ngoài thay đổi theo ý muốn.

Dịch vụ cắt tóc, gội đầu đông đúc trong ngày đầu tiên Hà Nội cho phép mở cửa trở lại loại hình kinh doanh này.

Tân trang vẻ ngoài trước khi đi làm lại

Trong lúc chờ thuốc nhuộm lên màu, Thảo (sinh năm 1997) chia sẻ cô đặt lịch cắt tóc trước khi có thông báo chính thức, rồi chờ theo dõi cửa hàng có được mở lại hay không.

Lần gần nhất Thảo đi cắt tóc là vào tháng 4. Cô cho biết tóc mình dài khá nhanh, trung bình cứ 3 tháng/lần sẽ ra ngoài tiệm sửa lại.

Theo Thảo, bước gội đầu, làm sạch có thể thực hiện dễ dàng tại nhà nhưng công đoạn chăm sóc, phục hồi cần ra trực tiếp salon để có chất lượng như mong muốn. Vì vậy, ngay khi có tin chính thức, cô gái mau chóng xin nghỉ phép để dành hẳn một ngày làm tóc.

Đến salon theo lịch hẹn lúc 10h, đến gần 16h, tóc của Thảo mới xong phần cắt, uốn, dừng ở bước nhuộm, chờ xong xuôi sẽ qua bước phục hồi.

Nhiều bạn trẻ chọn xin nghỉ một buổi để đi làm đẹp hoặc tranh thủ mang máy tính làm việc trong lúc chờ làm tóc.

“Sau ngày 21, mình sẽ quay lại văn phòng làm việc nên muốn tân trang lại vẻ ngoài trước khi đi làm. Mình nhuộm nâu ánh rêu - một màu chưa từng thử bao giờ và coi đây là cách giúp mình có thêm khí thế làm việc”, cô cho biết đang khá háo hức chờ xem kết quả cuối cùng.

Còn với Cẩm Hà (sinh năm 1999), quyết định ra salon lại đến khá chóng vánh, xuất hiện ngay sau khi cô đọc thấy thông báo. Lần này, cô "chơi lớn", nhuộm màu hồng nổi bật.

"Mình thích tóc hồng lâu rồi mà bố mẹ không cho phép. Đến khi đi làm, tự bỏ tiền túi, mình mới thử theo ý thích. Đây cũng coi như món quà sinh nhật muộn dành tặng cho bản thân", Hà cho hay cô vừa bước sang tuổi mới cách đó một ngày.

Trong lúc chờ, Hà tranh thủ mang laptop ra làm việc. Còn ngày cuối làm việc online, cô có thể vừa đi làm tóc vừa giải quyết phần việc mà không phải xin nghỉ phép. Giống với Thảo, Cẩm Hà cũng muốn mình có diện mạo khác khi chuẩn bị gặp lại đồng nghiệp.

Thiếu nhân viên, anh Quang phải trực tiếp hỗ trợ khi quán đông khách cả ngày.

Nguyễn Ngọc Quang - chủ một salon trên phố Lê Văn Linh (Hoàn Kiếm) - cho biết khách hàng kéo đến ồ ạt vào ngày đầu tiên dịch vụ cắt tóc mở cửa lại.

Từ sáng, anh bận rộn luôn tay, trực tiếp đứng làm cùng vì lượng nhân viên mới chỉ bằng một nửa so với ngày thường. Đến 12h, cửa hàng phải dừng nhận khách, hẹn lịch sang mai.

"Trong ngày đầu, cắt tóc, tạo kiểu là dịch vụ đông chị em lựa chọn nhất. Gần 2 tháng ở nhà, nhiều người gặp tình trạng chung là chân tóc đen mọc dài ra, hay gặp một số sự cố như tự nhuộm bị loang lổ, tự tẩy bị đứt gãy", anh Quang nói.

"Lượng khách dồn ập, nhân viên nghỉ một thời gian chưa quay lại guồng, chắc phải 1-2 ngày nữa mới ổn định", anh nói thêm.

"Như thành một con người khác"

Tại các cửa hàng cắt tóc dành cho nam, không khí cũng đông đúc, nhộn nhịp không kém.

"Nhẹ hết cả đầu" là cảm giác Vương Trọng Toàn (sinh năm 1994) miêu tả sau khi người thợ bắt đầu "dọn dẹp" lại mái tóc cho anh.

"Trong lúc thành phố siết chặt giãn cách, khu vực ở thì thuộc diện bị phong tỏa, mình không đi đâu nên tóc tai để nguyên. Tóc giờ đã mọc dài ra gấp 2-3 lần. Cắt tóc cũng là một cách để giải tỏa nhiều bí bách gặp phải sau giai đoạn dài ở yên trong nhà", anh cho biết.

Sau nhiều ngày giãn cách, các bạn nam ở Hà Nội đồng loạt đi cắt tóc.

Để kịp thời đi cắt, gội, anh Toàn cố gắng sắp xếp hoàn thành xong công việc sớm.

"15 phút trước và sau khi cắt, mình đã thấy bản thân như hai con người khác nhau", Nguyễn Văn Tùng (sinh năm 1996) cho hay.

Như nhiều bạn trẻ khác, Tùng cũng trải qua khoảng 2 tháng để tóc mọc tự nhiên, so với thói quen 10-15 ngày lại đi cắt, tỉa gọn gàng lại khi không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

"Nhiều khi thấy vướng víu quá mình cũng muốn tự cắt song không tự tin vào tay nghề lắm nên đành để đấy. Đây là lần đầu tiên tóc mình dài đến vậy", Tùng nói.

Mọi lần, Tùng sẽ tranh thủ buổi sáng hay giờ nghỉ trưa đi cắt tóc. Tuy nhiên, vì nhu cầu tăng vọt vào ngày đầu tiên, các khung giờ khác đều đã kín lịch, anh phải xin phép nghỉ sớm vào buổi chiều.

Mái tóc sau 3 tháng chưa được cắt gọn lại của Công Thành.

"Đêm hôm trước, mình thức đến gần 1h sáng mới đặt nổi chỗ. Theo lịch, mình sẽ bắt đầu cắt vào lúc 15h20 nhưng vì quán đông, mình phải chờ thêm 30-40 phút nữa, đến hơn 16h mới tới lượt".

"Bình thường, mình còn uốn tóc, nhưng nay tạm thời chỉ cắt cho gọn lại thôi vì không muốn ở lâu chỗ đông người. Khoảng nửa tháng nữa mình sẽ quay lại trau chuốt cho bản thân hơn chút. Dù phải đợi lâu nhưng mình vẫn thấy hài lòng vì thích hình ảnh hiện tại hơn", anh nói thêm.

Đến gần 19h, Công Thành (sinh năm 2000) mới đến lượt cắt tóc sau gần 3 tiếng chờ đợi. Hơn một tháng qua, Thành phải dùng chung buộc hết lên vì tóc dài ra, che hết trán, dễ đâm vào mắt.

"Mình cũng không dám 'tự xử' ở nhà vì sợ làm hỏng. Trong thời gian giãn cách, mình đã rất mong chờ đến thời điểm được đi sửa sang lại mái đầu", Thành bày tỏ.

Trà My - Phạm Thắng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/xin-nghi-lam-mot-ngay-de-di-xep-hang-cat-toc-post1265222.html