Xin được phụng dưỡng Mẹ đến suốt đời!

Đã bước sang năm thứ 5, kể từ ngày cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Non Nước, BĐBP thành phố Đà Nẵng nhận phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng Mai Thị Sây (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng). Những tình cảm chân thành, sự quan tâm của các anh là niềm vui tuổi già của mẹ. Cả cuộc đời mẹ đã dành cho cách mạng nên giờ là lúc những người lính Biên phòng thay mặt cho thế hệ đi sau 'đáp nghĩa' công ơn của mẹ với tất cả sự kính trọng và lòng biết ơn…

Đại úy Võ Minh Phúc và Mẹ Việt Nam Anh hùng Mai Thị Sây. Ảnh: Trúc Hà

Cả cuộc đời dành cho cách mạng

20 tuổi, cô gái Mai Thị Sây lấy chồng - một thanh niên trong làng nhưng đã sớm thoát ly theo cách mạng. 6 đứa con lần lượt ra đời, ngày ngày, mẹ Sây tần tảo gánh cá nuôi các con khôn lớn. Rồi con trai đầu của mẹ là Trần Tá theo gương cha tham gia cách mạng, con trai thứ ba cũng sớm theo anh vào chiến khu. Nhà mẹ Sây từ ấy gần như không bao giờ cài then cửa bởi chồng, các con có thể ghé về thăm bất cứ lúc nào. Mỗi lần như vậy, mẹ Sây chỉ kịp đùm túi gạo, đưa ít tiền, hỏi thăm đôi câu để rồi bóng chồng, các con lại nhanh chóng lẫn vào màn đêm. Năm 1963, mẹ Sây nhận tin chồng mất. 3 năm sau, mẹ lại nhận tin con trai cả hi sinh. Năm 1972, một lần nữa mẹ Sây nhận tin dữ về cậu con trai Trần Bốn.

Những tưởng nỗi đau mất chồng, con khiến mẹ Sây gục ngã, nhưng người phụ nữ nhỏ bé ấy lại có cách “đền ơn nước, trả thù nhà” bằng việc tham gia phong trào hoạt động địa phương, trở thành Đội phó Đội Dân quân du kích ở Ngũ Hành Sơn. Những năm 1967, 1968, mẹ Sây là một trong những người tích cực cầm cờ trong các “cuộc đấu tranh chính trị”, yêu cầu chính quyền ngụy phải thả các chiến sĩ đang bị giam cầm.

Có lần, khi đoàn biểu tình đến bến đò Xu, người lái đò còn đang lưỡng lự, chưa biết xử trí thế nào thì mẹ Sây nghiêm giọng: “Ông cản trở cách mạng đúng không? Chúng tôi yêu cầu ông chở mọi người qua sông”. Nhìn người phụ nữ nhỏ bé nhưng lời lẽ đanh thép, người lái đò đã phải mở cửa cho mọi người lên phà sang sông. Năm 1969, mẹ được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Lúc còn trẻ, mẹ Sây là người hát bài chòi hay có tiếng trong vùng. Mẹ thường hát những bài đậm chất “giác ngộ” để kêu gọi mọi người tham gia cách mạng. Cho đến giờ, mẹ Sây vẫn nhớ như in những câu hát ngày ấy: Chúng con binh sĩ trận tiền/ Áo cơm chẳng có đông thiên lạnh lùng/ Đem thân mà trả thù chung/ Quên con, bỏ vợ, lìa chia/ Quyết tâm gánh vác sơn hà hai vai...

“Gia tài” của mẹ Sây là Bằng Tổ quốc ghi công của em trai chồng Trần Văn Khóa (hi sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ) và các con Trần Tá, Trần Bốn; Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, Bảng Gia đình Vẻ vang, Bảng Gia đình Kháng chiến cách mạng, Bảng Gia đình cách mạng gương mẫu, Huy chương Giải phóng, được mẹ đóng khung, treo trang trọng trên tường nhà.

Nội ơi, mùa xuân đến rồi!

Năm 2014, mẹ Mai Thị Sây được Nhà nước phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng vì những hi sinh và đóng góp cho cách mạng, cho sự nghiệp giải phóng, thống nhất đất nước. Cùng năm, Đồn Biên phòng Non Nước nhận phụng dưỡng mẹ như lời tri ân với thế hệ đã hi sinh, ngã xuống cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Buổi lễ nhận phụng dưỡng không khoa trương mà giản dị nhưng trang trọng và ấm cúng.

Trước sự chứng kiến của chính quyền địa phương, gia đình, họ hàng, làng xóm, Thượng tá Trần Doãn Toản, Chính trị viên Đồn Biên phòng Non Nước đã thay mặt cán bộ, chiến sĩ đơn vị xin được nhận phụng dưỡng mẹ đến suốt đời. Chiến tranh đã lấy đi chồng, con và em của mẹ, và hôm nay cách mạng “trả lại” những gì mẹ đã hi sinh. Bác Ba, cô Năm, cô Sáu và cô Bảy từ nay có thêm những người anh em, cùng lo cho mẹ những ngày vui sau bao đau thương, mất mát.

Có một điểm đặc biệt là tất cả cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Non Nước đều gọi Mẹ Việt Nam Anh hùng Mai Thị Sây là “nội” - tiếng gọi rất đỗi thân thương. Lý giải cho việc này, Đại úy Võ Minh Phúc, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Non Nước cho hay: “Mẹ Việt Nam Anh hùng Mai Thị Sây đã gần 100 tuổi, bằng buổi ông, bà, vậy nên chúng tôi gọi là “nội” như cách gọi của những người ruột thịt trong gia đình”.

Nhận phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng ngay trong địa bàn quản lý nên cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Non Nước có điều kiện chăm sóc mẹ Sây thường xuyên. Theo đó, ngoài những ngày lễ, Tết, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị mỗi khi xuống địa bàn cũng lại ghé thăm mẹ Sây.

Đợt vừa rồi, miền Trung liên tục có mưa bão, Đồn trưởng, Trung tá Đoàn Văn Tỉnh nhắc anh em xuống nhà mẹ Sây để giúp gia đình chằng chống nhà cửa, nếu cần di dời thì di dời từ sớm để đảm bảo an toàn. Không chỉ đến nhà thăm, tặng quà, gửi tiền phụng dưỡng, những dịp tổng kết năm, Ngày Truyền thống BĐBP, Ngày Biên phòng toàn dân, mẹ Sây được cô Bảy giúp mặc cho bộ quần áo dài đẹp nhất, búi tóc gọn gàng để cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Non Nước đón mẹ đến dự, ngồi vào vị trí trang trọng nhất. Mẹ Sây vui lắm vì năm nào cũng thế, Đồn Biên phòng Non Nước thường đạt thành tích cao trong phong trào thi đua Quyết thắng, nhận nhiều phần thưởng của cấp trên.

Dù đã gần 100 tuổi, nhưng mẹ Sây vẫn rất minh mẫn, giữ lối nói chuyện dí dỏm. Mẹ cười bảo: “Lâu lâu mới cảm cúm 1 lần để đi bác sĩ kiểm tra xem có thêm bệnh gì không, chứ lúc nào mẹ cũng thấy khỏe vì con cháu hiếu thảo”. Quả thật, mẹ Sây đang sống những ngày vui nhất. Các con đi làm ăn xa nhưng hiếu thảo, thường xuyên gửi sữa, thuốc bổ về cho mẹ. Những người lính Biên phòng cũng liên lục ghé thăm nên nhà lúc nào cũng rộn rã tiếng cười...

Ra về, tôi nhớ mãi hình ảnh Binh nhất Nguyễn Văn Hiền Lương, chiến sĩ Đội Vũ trang, Đồn Biên phòng Non Nước cứ nắm chặt tay mẹ Sây, nói như năn nỉ: “Nội! Mấy hôm nữa nội vào đồn ăn Tết với bọn con nghe nội”. Trước hành động có phần nũng nịu, mẹ Sây vuốt tóc chàng lính trẻ, bảo: “Năm nào mẹ chẳng vào, các con cũng nhớ vào ăn Tết với nội cho nội vui”. Dường như, mùa xuân đã chạm ngưỡng cửa nhà mẹ Sây từ lúc này.

Trúc Hà

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/xin-duoc-phung-duong-me-den-suot-doi-post436612.html