Xiếc tìm cách bắt kịp nhu cầu mới

Từ năm 2020, Liên đoàn Xiếc Việt Nam tổ chức hội nghị khách hàng thường niên.

Liên đoàn Xiếc Việt Nam dàn dựng chương trình 'Ước mơ xanh' tri ân thầy, cô giáo nhân ngày 20/11. Ảnh: LĐXVN.

“Năm 2023, Liên đoàn Xiếc Việt Nam vượt mức: 150% số buổi biểu diễn, 200% doanh thu. Trong đó, hội nghị khách hàng là mấu chốt quan trọng, đã chuyển hóa hiệu quả bằng những con số. Vậy nên, chúng tôi cần tiếp tục tìm cách bắt kịp nhu cầu mới từ những hợp tác hiệu quả này...”, NSND Tống Toàn Thắng - Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam mừng vui chia sẻ.

Từ những thúc giục…

Từ năm 2020, Liên đoàn Xiếc Việt Nam tổ chức hội nghị khách hàng thường niên. Nếu như những năm đầu, hoạt động này diễn ra vào khoảng giữa tháng 4 thì hai năm trở lại đây được đẩy lên sớm hơn, ngay từ đầu tháng 3.

Ngay như Hội nghị khách hàng năm nay được tổ chức khi Liên đoàn vừa hoàn thành chuyến lưu diễn ở Tây Ban Nha về. Theo NSND Tống Toàn Thắng, sự thay đổi này xuất phát từ những thúc giục của thị trường nghệ thuật ngày càng sôi động và hiệu quả đạt được rất tích cực, nhất là số buổi biểu diễn đều tăng ngay sau mỗi hội nghị.

Để có thể bắt kịp nhu cầu mới đó, bộ phận tổ chức biểu diễn phải có sự chuyển mình thực sự. Khi đó, nếp làm việc đủng đỉnh, du xuân thảnh thơi hết Giêng - Hai không còn nữa, mà là sự hối hả lên chương trình, kế hoạch hoạt động cả năm và chủ động tổ chức hội nghị khách hàng giới thiệu đến các doanh nghiệp, công ty lữ hành, du lịch và tổ chức sự kiện… để tìm kiếm những hợp tác, đồng hành.

Mỗi năm, Liên đoàn xây dựng, sản xuất khoảng 20 chương trình nghệ thuật bám sát vào các ngày lễ, kỷ niệm cùng nhiều sự kiện phối hợp tổ chức hoặc thực hiện theo đơn đặt hàng. Trong đó có những chương trình đóng góp cho toàn xã hội và cũng có những chương trình được làm với tất cả tấm lòng.

Điển hình như để tri ân Ngày Nhà giáo Việt Nam, đơn vị đã dàn dựng chương trình “Ước mơ xanh” rất thành công và xúc động. Đây là dịp các thế hệ nghệ sĩ xiếc tri ân thầy cô đã dìu dắt họ thành nghề, thành tài.

Hay chương trình “Đi cùng năm tháng” chạm đến trái tim của những người con từng xông pha trận mạc, qua đó làm công tác tri ân và nêu cao đạo lý uống nước nhớ nguồn.

Điển hình như trích đoạn “Cúc ơi” trong chương trình hướng về sự hy sinh xương máu, tuổi thanh xuân của thế hệ đi trước cho nền độc lập đất nước, đem đến cho khán giả những phút giây xúc động rưng rưng.

Trích đoạn đoạt giải Xuất sắc tại Liên hoan các trích đoạn hay nghệ thuật sân khấu toàn quốc 2023 của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Cũng vì thế mà chương trình tạo được dấu ấn, thương hiệu và nhận được sự đồng hành của các cựu chiến binh trong nhiều năm qua.

Tại Hội nghị khách hàng năm 2024, Liên đoàn tiếp tục giới thiệu nhiều chương trình thường niên với nội dung được cập nhật, nâng cao như “Những cánh hồng bay”, “Đi cùng năm tháng”, Tết thiếu nhi, Tết Trung thu, “Xiếc & Rock”, “Ước mơ xanh”…

Đồng thời, đơn vị cũng đầu tư xây dựng chương trình mới theo đơn đặt hàng của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, chương trình “Sống mãi với Điện Biên” - kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và “Hà Nội trong tim tôi” – kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô…

Ngoài ra, Liên đoàn còn năng động tổ chức nhiều chương trình phối hợp khai thác biểu diễn bên ngoài, như phối hợp với Đoàn Nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh xây dựng sản phẩm nghệ thuật phục vụ du lịch; mở Gala xiếc quốc tế theo hình thức xã hội hóa; phối hợp với các đơn vị nghệ thuật khác cùng kết hợp biểu diễn như: Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc (Thái Nguyên), Nhà hát Cải lương Việt Nam...

Vở “Tấm Cám – bống bống bang bang” được dàn dựng theo đơn đặt hàng của Nhà nước và vở xã hội hóa “Câu chuyện nàng tiên cá” tiếp tục biểu diễn ở rạp xiếc Trung ương, trường học và các tỉnh, thành.

Tới đây, Trung tâm phát triển nghệ thuật Xiếc đi vào hoạt động, đơn vị tổ chức xây dựng các chương trình nghệ thuật tổng hợp mang tính giải trí cao để thường xuyên sáng đèn phục vụ khán giả…

“Chúng tôi có thêm nhà hát mới với 300 chỗ ngay bên cạnh rạp xiếc sân khấu tròn nằm trên phố Trần Nhân Tông. Có chìa khóa trao tay cho một nhà hát đẹp bắt buộc chúng tôi phải có sự vận hành mạnh mẽ hơn nữa để bước vào công nghiệp văn hóa.

Vì thế, Liên đoàn hướng tới việc tổ chức một sản phẩm du lịch tại đây, thông qua không gian mới trên sân khấu vuông hiện đại, đầy đủ, cùng kỳ vọng tạo thành điểm đến hấp dẫn, ấn tượng phục vụ khách du lịch thường xuyên tới Hà Nội.

Để làm được điều này, chúng tôi cần tiếp tục nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, ngành du lịch cũng như lắng nghe các ý kiến góp ý, tìm ra giải pháp, đặt đề bài.

Chúng tôi cũng có chiến lược rõ ràng, chia sẻ với các đơn vị phối hợp để cùng lan tỏa và quảng bá không chỉ nghệ thuật xiếc mà cả giá trị cốt lõi của các làng nghề truyền thống, doanh nghiệp tâm huyết với nghệ thuật Việt Nam”, ông Thắng cho biết.

Hoạt cảnh 'Lê anh nuôi' trong chương trình 'Đi cùng năm tháng' của Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Ảnh: LĐXVN.

…đến kỳ vọng

Việc chủ động tổ chức hội nghị khách hàng để lắng nghe ý kiến từ đối tác cũng như chào hàng sản phẩm nghệ thuật của Ban Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam hiện nay được thế hệ đi trước đánh giá là sự đổi mới cần thiết, thể hiện sức trẻ sáng tạo, năng động.

NSND Tâm Chính, nguyên Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam bày tỏ niềm cảm phục khi được biết Liên đoàn duy trì hội nghị này trong suốt 5 năm qua cũng như xuất sắc hoàn thành kế hoạch tổ chức biểu diễn năm 2023.

“Chúng tôi rất vui mừng, tự hào khi được Ban giám đốc mời dự Hội nghị khách hàng thường niên mà các đời giám đốc trước như chúng tôi chưa bao giờ làm được. Đúng là cần có các khách hàng, doanh nhân có tấm lòng nhân ái, yêu nghệ thuật xiếc đồng hành thì đơn vị mới thực hiện được khối lượng công việc khổng lồ như thế.

Là thế hệ đi trước, song có những việc chúng tôi thấy cần học tập lớp lãnh đạo trẻ vì có những việc không thể nghĩ ra được. Như việc duy trì Hội nghị khách hàng hay tổ chức sản xuất chương trình gắn với đề tài ý nghĩa sâu sắc như tri ân thương binh liệt sĩ, nhà giáo...

Nhất là chương trình “Những cánh hồng bay” là nguồn cổ vũ, tôn vinh đặc biệt đối với nữ nghệ sĩ xiếc – hiếm có đơn vị nghệ thuật nào làm được. Cũng vì, nghề này vô cùng khắc nghiệt với nữ giới, vừa ngắn về tuổi nghề vừa muôn trùng gian khó, thậm chí nguy hiểm đến cả tính mạng”, bà Chính bày tỏ.

Người lớn và trẻ nhỏ hào hứng thưởng thức chương trình biểu diễn của nghệ sĩ Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Ảnh: Bình Thanh.

NSND Tạ Duy Ánh, nguyên Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng cho rằng việc gặp gỡ khách hàng vô cùng quan trọng đối với những đơn vị làm nghệ thuật, nhất là xiếc. Trước đây, các đoàn chỉ chú trọng đến công tác tập luyện, biểu diễn mà ít biết cách quảng bá, phối hợp với khách hàng.

Chương trình thường được dàn dựng theo kế hoạch, khi tổ chức biểu diễn ít có sự lắng nghe nên có khi còn ép khách hàng có gì dùng nấy. Bây giờ cởi mở hơn, đơn vị biểu diễn có sự trao đổi và đưa ra mong muốn khách hàng phản hồi, đồng thời khán giả cũng tích cực đóng góp ý kiến để tìm đến tiếng nói chung và gắn kết hơn.

“Khảo sát tìm hiểu được mong muốn của khách hàng và sự phản hồi của khán giả là vô cùng quan trọng, nhất là đối với những chương trình mới công diễn, khai trương có thể nghe được ý kiến phản hồi ngay lập tức.

Sự trao đổi, gắn kết này rất tốt cho liên đoàn và các nghệ sĩ, làm nhiều sẽ càng chuyên nghiệp và hiệu quả hơn. Tôi hi vọng với cách thức này, Liên đoàn sẽ càng ngày càng phát triển hơn nữa”, NSND Tạ Duy Ánh nói.

Là người đồng hành cùng Liên đoàn Xiếc Việt Nam trong 6 năm qua, ông Minh - Ban liên lạc Binh chủng đặc công (Hội Cựu chiến binh Việt Nam) dành lời khen ngợi các nghệ sĩ đã tâm huyết dày công xây dựng nhiều chương trình nghệ thuật hay, ý nghĩa, vinh danh người lính; đồng thời qua đây tặng quà tri ân cựu chiến binh, con em thương binh, liệt sĩ…

“Chúng tôi mong Liên đoàn duy trì và có nhiều chương trình hay, chất lượng để thu hút khán giả. Tôi sẽ tiếp tục kết nối để cựu chiến binh đến thưởng thức xiếc nhiều hơn”, ông Minh nói.

Các doanh nghiệp lữ hành, du lịch cũng đánh giá cao nỗ lực của Liên đoàn trong việc sớm có kế hoạch biểu diễn cả năm để họ chủ động đưa đến khách hàng lựa chọn.

Tuy nhiên, Liên đoàn cũng cần cập nhật và gửi sớm nội dung cụ thể mỗi sự kiện để họ chuyển đến phụ huynh, nhà trường lựa chọn sản phẩm. Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng, cần có cơ chế khuyến khích đối với doanh nghiệp nhỏ để họ có cơ hội hợp tác nhiều hơn với liên đoàn.

“Từ năm 2022 đến nay, phương thức tổ chức biểu diễn của Liên đoàn có sự phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, đối với nội dung chương trình phân khúc khách hàng mầm non cần tăng tính giải trí, mạo hiểm; lồng ghép nhạc vui nhộn, hiệu ứng âm thanh, ánh sáng… Đối với học sinh tiểu học cần xây dựng các tiết mục liên quan đến lịch sử sẽ thu hút sự quan tâm của các em hơn”, anh Hậu, đại diện Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ du lịch Lavender nói.

“Hội nghị khách hàng là dịp để chúng tôi lắng nghe các ý kiến góp ý, tìm ra các giải pháp, cơ chế phối hợp hiệu quả để chuyển thành sản phẩm nghệ thuật chất lượng, hấp dẫn, đem lại cho khán giả món ăn tinh thần mới và cùng hướng tới mục tiêu xây dựng một nền nghệ thuật xiếc bền vững. Từ đây, chúng tôi có thể giữ chân nghệ sĩ, diễn viên trong bối cảnh kinh tế thị trường làm đảo lộn, đánh mất nhiều giá trị cao đẹp. Chúng tôi không muốn hoạt động nghệ thuật lẽ ra thuộc về những thăng hoa, sáng tạo bị thương mại hóa. Nghệ sĩ cần được tự hào về nghề của mình và tỏa sáng trước khán giả thân yêu”. NSND Tống Toàn Thắng, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam

Bình Thanh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/xiec-tim-cach-bat-kip-nhu-cau-moi-post674484.html