Xét xử vụ sai phạm tại SAGRI: Cựu Giám đốc Sở Xây dựng tự bào chữa, có sai sót trong KLGĐ

Tại phiên xử ngày 13/12, ông Trần Trọng Tuấn tự bào chữa hơn 1 giờ đồng hồ. Đáng nói, tại phiên xử, giám định viên thừa nhận có sai sót trong kết luận giám định của Bộ Xây dựng.

Tại phiên xử ngày 13/12, đại diện VKS đã luận tội và đề nghị mức án đối với từng bị cáo trong vụ án. Theo đó, VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt các bị cáo phạm các tội và tổng hợp hình phạt đối với: ông Lê Tấn Hùng 26-30 năm tù; bà Nguyễn Thị Thúy từ 24-28 năm tù; ông Trần Vĩnh Tuyến từ 7-8 năm tù; ông Trần Trọng Tuấn từ 7-8 năm tù; các bị cáo còn lại bị đề nghị từ 2-6 năm tù, trong đó có hình thức án treo.

Tiếp theo, phần bào chữa của các bị cáo, ông Trần Trọng Tuấn đã tự bào chữa cho mình hơn 1 giờ đồng hồ. Theo cựu Giám đốc Sở Xây dựng, bản thân ký tờ trình tham mưu cho phép chuyển nhượng dự án là thực hiện theo kết luận hợp pháp của hội đồng thẩm định và thay mặt hội đồng theo luật định, không phải tham mưu theo thẩm quyền cá nhân.

Ông Tuấn tại Tòa

Ông Tuấn tại Tòa

Quá trình thụ lý, thẩm định và giải quyết hồ sơ của doanh nghiệp phù hợp trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật và công khai, minh bạch.

Ông Tuấn nói: “Gần 30 năm làm cán bộ, công chức, bị cáo không bao giờ dám nghĩ đến việc làm sai hay vi phạm pháp luật dù bất cứ lý do gì. Cũng không có ai, kể cả cấp trên gợi ý hay chỉ đạo tôi làm việc gì vi phạm pháp luật”.

Ông Tuấn cũng cho là Quyết định 6077 không phải là nguyên nhân dẫn đến vi phạm pháp luật về chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp trong dự án bất động sản này.

Theo ông Tuấn, người giám định tư pháp Bộ Xây dựng đã kết luận: “Việc chuyển nhượng không tiến hành đấu giá để xác định giá thị trường là không tuân thủ theo quy định…” là thể hiện nhận thức pháp luật không đúng đắn, dẫn đến kết luận trái với quy định của pháp luật và mâu thuẫn với Kết luận giám định ngày 27/3/2020 của Người giám định tư pháp Bộ Tài chính.

Trả lời thẩm vấn của Luật sư Phan Trung Hoài, Người giám định viên Bộ Xây dựng khẳng định, việc chuyển nhượng một phần hay toàn bộ dự án nhà ở tại phường Phước Long B, (Quận 9 cũ) do SAGRI làm chủ đầu tư đều tuân theo Luật kinh doanh bất động sản.

Các bị cáo nghe đại diện VKS luận tội

Các bị cáo nghe đại diện VKS luận tội

Theo Điều 49, Luật kinh doanh bất động sản, điều kiện tiến độ hạ tầng kỹ thuật chỉ áp dụng đối với dự án đầu tư xây dựng hạ tầng, chứ không áp dụng với dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở.

Đồng thời, điều này cũng không quy định về nghĩa vụ tài chính khi xem xét thẩm định, chuyển nhượng dự án bất động sản.

Từ lời thừa nhận của người giám định của Bộ Xây dựng tại phiên tòa, Luật sư Thái Văn Chung đã nhận định: Trong vụ án này, CQCSĐT- Bộ Công an đã căn cứ vào kết luận giám định ngày 27/03/2020 của người giám định Bộ Xây dựng để làm căn cứ khởi tố ông Trần Trọng Tuấn, ông Trần Vĩnh Tuyến và các cán bộ khác thuộc Sở Xây dựng, Văn phòng Ủy ban... phạm vào Điều 219, Bộ Luật hình sự 2015, sửa đổi 2017.

Theo hồ sơ thể hiện, trong quá trình chuyển nhượng dự án, ông Tuấn đã chỉ đạo xin ý kiến của Chi cục Tài chính doanh nghiệp và Bộ Tài Chính để bảo đảm phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Hồ sơ thẩm định kéo dài hơn 06 tháng, thay vì 30 ngày theo quy định. Như vậy, việc cả nể như lời khai trước đây của ông trong giai đoạn điều tra chỉ mang tính chất tình cảm trong suy nghĩ, thể hiện văn hóa ứng xử giữa con người với nhau. Việc làm của ông Trần Trọng Tuấn là thận trọng, khách quan và đúng pháp luật, thực hiện với mục đích, động cơ trong sáng, hoàn toàn không vụ lợi.

Phiên xử được tường thuật trực tiếp, nhiều người quan tâm

Phiên xử được tường thuật trực tiếp, nhiều người quan tâm

Bên cạnh đó, ông Trần Trọng Tuấn khẳng định trong phần tự bào chữa: Việc chuyển nhượng toàn bộ số vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp tại dự án bất động sản do SAGRI không phải tiến hành đấu giá công khai.

Cuối cùng, ông Tuấn khẳng định, Quyết định số 6077/QĐ-UBND không phải là nguyên nhân dẫn đến vi phạm của SAGRI trong việc không xác định giá chuyển nhượng dự án và giá trị số vốn đã đầu tư (bao gồm giá trị quyền sử dụng đất) theo quy định của pháp luật và việc các bên áp dụng các biện pháp hợp pháp để xử lý hợp đồng vô hiệu toàn bộ không gây ra thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước.

Từ những phân tích trên, ông Trần Trọng Tuấn khẩn thiết đề nghị Hội đồng xét xử hết sức cân nhắc và cẩn trọng trong việc áp dụng pháp luật để giải quyết vụ án một cách công tâm, khách quan và phù hợp quy định của pháp luật, không gây oan trái cho bị cáo và các bị cáo khác có liên quan.

Luật sư Phan Trung Hoài hỏi: Với hồ sơ của SAGRI và Công ty Phong Phú đối chiếu với quy định của Điều 51, Luật kinh doanh bất động sản thì đã đủ điều kiện để UBND TP HCM ra quyết định chấp thuận chuyển nhượng dự án hay không?

Giám định viên: Điều kiện chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản được quy định tại Điều 49, Luật kinh doanh bất động sản thì những hồ sơ nhất định phải có như: quy hoạch chi tiết 1/500 được phê duyệt; phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...

Đối chiếu với các quy định tại Điều 49 thì dự án tại Khu phố 4, phường Phước Long B, Quận 9, TP Hồ Chí Minh đủ điều kiện để xem xét ban hành Quyết định về chấp thuận chuyển nhượng dự án.

Tuy nhiên, trong quyết định 6077 của UBND TP HCM đã ban hành chưa đủ nội dung theo mẫu số 11 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 76/2015/NĐ-CP.

Luật sư hỏi tiếp: Nếu vậy giám định viên đánh giá thế nào về kết luận giám định mình đã ban hành?.

Giám định viên: Về vấn đề quản lý vốn trong việc chuyển nhượng dự án có nhiều nội dung nằm ngoài chức năng, nhiệm vụ của Bộ Xây dựng và tôi xác nhận KLGĐ của tôi có sai sót. Tôi kính mong HĐXX xem xét.

Văn Kỳ

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/toa-an/cau-chuyen-phap-dinh/xet-xu-vu-sai-pham-tai-sagri-cuu-giam-doc-so-xay-dung-tu-bao-chua-co-sai-sot-trong-klgd-103386.html