Xét xử sơ thẩm lần 3 vụ án 'trang trại Đồng Tâm: Quyết định thu hồi đất có bị 'giả danh'?

Kết thúc phần tranh luận ở ngày xét xử thứ 8, HĐXX sơ thẩm TAND tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết định nghị án kéo dài và dự kiến sẽ tuyên án vào sáng 30/11 tới đây.

Bị cáo Quyền (người duy nhất đang bị tạm giam trong vụ án này) trình bày phần bào chữa của mình

Tại phần tranh luận, các luật sư (LS) vẫn phản đối quan điểm của Kiểm sát viên (KSV) cho rằng các bị cáo có hành vi “giả danh”, “lừa dối” cấp trên trong việc ban hành Quyết định thu hồi đất, giao đất làm dự án trang trại cũng như có động cơ vụ lợi khi làm dự án này…

Sở Tài nguyên và Môi trường có phản đối dự án?

Phát biểu quan điểm của mình, KSV VKSND tỉnh Vĩnh Phúc vẫn cho rằng, thời điểm năm 2006, Sở Tài Nguyên và Môi trường (TNMT) Vĩnh Phúc đã có Văn bản số 922 không đồng ý việc giao đất cho UBND phường Đồng Tâm, TP Vĩnh Yên làm dự án trang trại.

Tuy nhiên, bị cáo Nguyễn Ngọc Quyền (thời điểm 2006 là Chánh Văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Phúc) đã “lờ” nội dung không đồng ý tại văn bản này, làm cho ông Nguyễn Văn Hòa (lúc đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc) lầm tưởng rằng Sở TNMT đã đồng ý dự án mà ký vào Quyết định thu hồi đất (không số) và 5 tờ Bản đồ địa chính.

Tiếp đó, bị cáo Quyền còn chỉ đạo cấp dưới và văn thư “biên tập lại” Quyết định không số này rồi “xử lý chữ ký” khi chưa có sự đồng ý của ông Hòa để ban hành trái pháp luật Quyết định số 3101/QĐ-UBND giả danh UBND tỉnh Vĩnh Phúc để thu hồi đất và giao đất cho UBND phường Đồng Tâm làm dự án trang trại trái Luật Đất đai.

Tuy nhiên, bị cáo Quyền và một số LS đã phản đối quy kết trên và cho rằng văn bản số 922 của Sở TNMT là văn bản không có thật vào thời điểm cuối năm 2006.

LS Huỳnh Nam đặt nghi vấn, nếu Văn bản 922 là có thật thì tại sao UBND tỉnh, UBND thị xã (sau này là thành phố) Vĩnh Yên đều không nhận được (Sổ công văn đến năm 2006 không thể hiện). 4 năm sau, khi CQĐT vào cuộc thì mới được Sở TNMT cung cấp. Vì vậy, không thể nói bị cáo biết Văn bản 922 mà vẫn bất chấp và cố ý làm trái.

LS Nam còn cho hay, giả sử như có Văn bản 922 nêu trên ở thời điểm năm 2006 thì đây cũng không phải là văn bản phản đối dự án vì phần cuối của văn bản này có nội dung hướng dẫn UBND phường Đồng Tâm làm đúng các thủ tục để các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án trang trại.

Đối đáp về nội dung này, KSV cho rằng, dù không có Văn bản 922 có nội dung phản đối dự án của Sở TNMT thì với chức trách, nhiệm vụ được giao, các bị cáo buộc phải biết UBND phường Đồng Tâm làm chủ đầu tư dự án trang trại là trái quy định của Luật Đất đai nhưng vẫn cố tình làm các thủ tục để trình và triển khai thực hiện dự án này.

“Xử lý chữ ký”, đúng hay sai?

Tranh luận về việc trình Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký Quyết định thu hồi đất số 3101/QĐ- UBND, bị cáo Quyền khẳng định mình không hề chỉ đạo cấp dưới “biên tập lại” Quyết định (không số) ông Hòa đã ký trước đó để cho ra đời Quyết định 3101 (có nội dung loại bỏ Văn bản 922). “Quyết định (không số) được Sở TNMT soạn thảo trước là sai quy trình và có thể coi Quyết định này là Quyết định “rác” , chỉ coi là bản thảo… Bộ phận Văn phòng UBND tỉnh cần soạn thảo một Quyết định thu hồi đất khác cho đúng thể thức, nội dung… rồi đánh số và xử lý chữ ký ông Hòa (tức là ông Hòa không cần ký “tươi”) để ban hành chính thức. Quyết định được xử lý chữ ký này phải đảm bảo có nội dung đúng bản thảo có chữ ký “tươi” trước đó”- bị cáo Quyền trình bày.

Liên quan đến nội dung trên, LS Đỗ Ngọc Quang cho biết, theo lịch công tác thì trong ngày 23-24/11, ông Hòa đi công tác Lào Cai, Yên Bái nhưng vẫn có tới 8 Quyết định có chữ ký của ông Hòa. Như vậy là đều có việc “xử lý chữ ký” chữ ký tại Quyết định này, kể cả tại Quyết định 3101. Đồng quan điểm này, LS Huỳnh Nam và LS Nguyễn Văn Hưng đều cho rằng việc cho “xử lý chữ ký” ông Hòa là đúng quy chế và không sai.

Tuy nhiên, KSV vẫn giữ quan điểm cho rằng, theo lời khai của ông Hòa thì ngày 23/11/2006, ông này ở nhà chứ không phải đi công tác xa. Vả lại, việc xử ký này chỉ được thực hiện trong trường hợp khẩn cấp và phải xin ý kiến người ký ban hành nhưng bị cáo Quyền đã không xin ý kiến ông Hòa.

Tranh luận về nội dung này, LS Danh Hưng có quan điểm, không thể coi các bị cáo đã “giả danh” Quyết định của UBND tỉnh. Nếu có việc giả danh thì tại sao sau khi có Quyết định thu hồi đất 3101, các cơ quan của tỉnh và UBND TP Vĩnh Yên vẫn bắt tay vào việc triển khai dự án mà có ý kiến phải đối nào. Kể cả Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã được báo cáo nhưng cũng không có ý kiến gì.

Như vậy thì KSV không thể buộc các bị cáo phải biết, phải nhận thức được dự án này là sai ngay từ giai đoạn 2006. Phải đánh giá nhận thức của các bị cáo thời điểm đó như thế nào. Nếu các bị cáo cùng biết là sai, là hành vi nguy hiểm mà vẫn cùng nhau thực hiện thì mới coi là “đồng phạm” được.

Được nói lời nói sau cùng cả bị cáo Lại Hữu Lân và Nguyễn Ngọc Quyền (đều là nguyên Bí thư, nguyên Chủ tịch UBND TP Vĩnh Yên) vẫn khẳng định mình vô tội. Bị cáo Quyền còn cho rằng: “Có kẻ mang động cơ cá nhân đã đẩy chúng tôi vào vụ án dự án trang trại này”. Các bị cáo còn lại đều đề nghị HĐXX đánh giá đúng hành vi để xem xét sai đến đâu, xử lý đến đó hoặc cho rằng mình đã làm đúng chức trách, nhiệm vụ được giao.

Khoa Lâm

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/nhip-cau/xet-xu-so-tham-lan-3-vu-an-trang-trai-dong-tam-quyet-dinh-thu-hoi-dat-co-bi-gia-danh-307557.html