Xét tặng danh hiệu nhà giáo: Sự ghi nhận với thầy cô nơi biên giới

Ngày 25-5 tới, Nghị định số 35/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu 'Nhà giáo ưu tú', 'Nhà giáo nhân dân' có hiệu lực. Nghị định số 35/2024/NĐ-CP có một số điểm mới đáng chú ý và nhận được sự quan tâm rất lớn của đội ngũ nhà giáo trong cả nước. Đặc biệt là sự quan tâm của hàng ngàn giáo viên ở Bình Phước. Vì sao, và niềm vui, sự trăn trở nào với họ?

Nghị định số 35/2024/NĐ-CP quy định thời gian công tác ở địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được nhân hệ số 2 khi xét tặng danh hiệu “Nhà giáo ưu tú”, “Nhà giáo nhân dân”. Trong khi đó, tiêu chuẩn để xét tặng danh hiệu “Nhà giáo ưu tú” phải có thời gian trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy từ 15 năm trở lên, với “Nhà giáo nhân dân” từ 20 năm trở lên.

Vì thế, với quy định này, điều kiện về thời gian công tác là bảo đảm với rất nhiều thầy cô giáo đang công tác tại các huyện biên giới Lộc Ninh, Bù Đốp, Bù Gia Mập và một số xã trong danh sách vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn của Bình Phước.

Thế nhưng điều kiện để xét tặng danh hiệu không chỉ có tiêu chuẩn về thời gian công tác. Và đó mới là những vấn đề quan trọng.

Thầy cô trong lòng phụ huynh

Quy định nhân hệ số 2 thời gian công tác ở địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo, vùng điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn khi xét tặng danh hiệu, đội ngũ giáo viên cũng như trong cộng đồng có khá nhiều ý kiến, trong đó có cả ý kiến trái chiều. Một số ít cho rằng điều kiện như vậy thì quá dễ với giáo viên ở địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Một giáo viên cho biết, dù đạt được các điều kiện tiêu chí khác nhưng chỉ cần 8 hay 10 năm đứng lớp mà trở thành “Nhà giáo ưu tú”, “Nhà giáo nhân dân” thì không thuyết phục. “Nhà giáo ưu tú”, “Nhà giáo nhân dân” là danh hiệu nghề nghiệp, không phải là chính sách ưu đãi.

Thầy và trò Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS Lộc Ninh, huyện Lộc Ninh trong giờ học môn Toán lớp 8 - Ảnh: Ngọc Thảo

Thế nhưng phần lớn ý kiến cho rằng đây là quy định rất hợp lý, hợp tình và nhận được sự đồng thuận cao trong xã hội và ở vùng biên giới, trên biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn không dễ đạt được các danh hiệu “Nhà giáo ưu tú”, “Nhà giáo nhân dân”, thậm chí có thể còn khó đạt được hơn.

Thực tế cho thấy giáo viên từ đất liền ra biển, đảo, từ thành thị hoặc vùng kinh tế - xã hội, văn hóa - giáo dục phát triển, tới biên giới hoặc vùng đặc biệt khó khăn công tác gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều người không vượt qua được sự vất vả, thiếu thốn mà bỏ nghề hoặc tìm mọi cách trở lại hoặc đến với thành thị, nơi có kinh tế - xã hội, văn hóa - giáo dục phát triển. Nhiều trường ở biên giới, vùng kinh tế - xã hội khó khăn chỉ có giáo viên là người bản địa, không có ai từ nơi khác tới giảng dạy.

Một giáo viên từ tỉnh Bình Dương tới huyện Lộc Ninh công tác gần 20 năm chia sẻ: Những ngày đầu vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Xa gia đình, ở trong khu tập thể xuống cấp. Nhiều năm tiền lương chỉ đủ tiền xe đi lại và một số chi phí khác khi về thăm người thân. Ba mẹ thấy cực quá bắt nghỉ hoặc xin chuyển về gần nhà. Nhưng thương bà con, thương học sinh ở biên giới, các em thiếu thốn đủ bề, đặc biệt là thiếu con chữ, nên không dứt đi được. Đó là lý do nhà giáo gắn bó nơi biên cương chứ không phải vì danh hiệu nào. Thầy cô trong lòng người dân, trong lòng phụ huynh nơi đây như thế nào quan trọng hơn các danh hiệu nhà giáo.

Đánh giá của Nhà nước và cộng đồng

Thực tế cho thấy phần lớn giáo viên ở các huyện biên giới, vùng kinh tế - xã hội khó khăn của Bình Phước, nếu nhân hệ số 2 khi tính thời gian công tác đều đạt điều kiện 15, 20 năm. Thế nhưng xét tặng danh hiệu “Nhà giáo ưu tú”, “Nhà giáo nhân dân” không chỉ có điều kiện về năm công tác mà còn nhiều điều kiện khác.

Và những điều kiện này, với địa bàn biên giới, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, thì khó đạt hơn rất nhiều. Ví dụ tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Nhà giáo ưu tú”, đòi hỏi giáo viên phải được tặng bằng khen cấp tỉnh, bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc các danh hiệu thi đua, khen thưởng cấp Nhà nước.

Cô và trò Trường THCS Thanh Bình, huyện Bù Đốp trong giờ học - Ảnh: Ngọc Thảo

Với địa bàn biên giới, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, việc bảo đảm các lớp học đạt chuẩn về sĩ số; đầy đủ chương trình; nội dung, chất lượng giảng dạy đạt tốt; không ít địa bàn có học sinh ra lớp, đi học đầy đủ, không bỏ học theo cha mẹ đi rẫy… đã khó. Đó là chưa nói tới Bình Phước còn đang thiếu hàng ngàn giáo viên và nhiều thiếu thốn khác về cơ sở vật chất, điều kiện giảng dạy...

Với phần lớn giáo viên, đào tạo nâng cao trình độ, trao đổi chuyên môn, học hỏi kinh nghiệm nghiệp vụ… cũng khó khăn theo. Vì thế, với địa bàn biên giới, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, thầy cô giáo có bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc bằng khen cấp tỉnh không hề dễ dàng.

Điều kiện đáp ứng các tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Nhà giáo ưu tú” như có 2 sáng kiến cấp cơ sở, hoặc biên soạn 1 báo cáo chuyên đề, 1 tài liệu bồi dưỡng cấp tỉnh, cấp bộ, với giáo viên ở khu vực biên giới là khó, không dễ đạt được. Sáng kiến cấp cơ sở, nếu chịu khó đầu tư có thể làm, nhưng để xét tặng danh hiệu, sáng kiến đó phải thật sự chất lượng mới đạt yêu cầu khi cơ quan chức năng kiểm tra hồ sơ. Còn biên soạn báo cáo chuyên đề, tài liệu bồi dưỡng cấp tỉnh, là vô cùng khó với giáo viên ở vùng biên giới, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Hiệu trưởng một trường tiểu học ở huyện biên giới Bù Đốp chia sẻ

Đối với tiêu chuẩn về chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, bên cạnh phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện, còn phải có học sinh giỏi cấp huyện trở lên. Đây cũng là một thách thức rất lớn với thầy cô giáo ở biên giới, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn…

Với địa bàn thành thị, vùng kinh tế - xã hội, văn hóa - giáo dục phát triển nên có nhiều điều kiện thuận lợi đạt được, nhưng lại là trở ngại không nhỏ với 3 huyện biên giới trong số 11 huyện, thị xã, thành phố và một số xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn của tỉnh Bình Phước.

Dù sao được nhân hệ số 2 khi tính thời gian công tác xét tặng danh hiệu “Nhà giáo ưu tú”, “Nhà giáo nhân dân” cho thấy sự ghi nhận, đánh giá của Nhà nước và cộng đồng xã hội, cũng là sự động viên rất lớn với các thầy cô giáo đang ở biên cương, để họ cố gắng phấn đấu đạt được các tiêu chí khác và nỗ lực hơn với sự nghiệp “trồng người”.

Trần Phương

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/72/157831/xet-tang-danh-hieu-nha-giao-su-ghi-nhan-voi-thay-co-noi-bien-gioi