Xem xét tháo gỡ khó khăn cho Công ty cổ phần Cấp nước Chư Sê

Sáng 13-11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế đã chủ trì cuộc họp với các sở, ngành, địa phương nhằm xử lý kiến nghị liên quan đến Công ty cổ phần Cấp nước Chư Sê.

Doanh nghiệp kiến nghị được hỗ trợ

Tại cuộc họp, ông Lê Vinh Thịnh-Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước Chư Sê-cho biết: Từ năm 2018 đến nay, Công ty chi phí khoảng 250 triệu đồng/tháng nhưng doanh thu bình quân chỉ khoảng 170 triệu đồng/tháng.

Cũng theo ông Thịnh, giá vốn định mức là 6.780 đồng/m3 nhưng mức hỗ trợ giá nước cho đồng bào dân tộc thiểu số chỉ 4.302 đồng/m3, khoản chênh lệch này Công ty phải bù lỗ. Ngoài ra, sản lượng nước được tiêu thụ các xã Hbông, Ayun rất thấp so với tổng số dân trên địa bàn; một số xã như Dun, Ia Pal, Kông Htok đã đấu nối vào đường ống chính nhưng từ tháng 6-2021 đến nay không mở van nước để người dân sử dụng. Thậm chí, UBND xã Hbông còn nợ tiền sử dụng nước.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: M.N

Theo ông Thịnh, thời điểm xảy ra dịch Covid-19, hoạt động của doanh nghiệp càng khó khăn dẫn đến nợ tiền bảo hiểm xã hội khoảng 600 triệu đồng; nợ Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Gia Lai hơn 400 triệu đồng đối với khoản thu phí nước thô (900 đồng/m3); nợ tiền thuế, phí bảo vệ môi trường.

Để giải quyết khó khăn, giảm gánh nặng cho doanh nghiệp, ông Thịnh đề nghị các sở, ngành xem xét hạ giá điện xuống thấp (1.100 đồng/kW); chỉ thu thuế giá trị gia tăng 5% đối với doanh thu trên 300 triệu đồng; không thu phí bảo vệ môi trường (10% trên hóa đơn); xóa nợ và Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Gia Lai không thu phí nước thô; đề nghị Cục Thuế tỉnh tiếp tục hoàn thuế cho Công ty…

Cũng tại cuộc họp, ông Vinh nhiều lần đề nghị làm rõ tài khoản ngân hàng của Công ty bị khóa và mất tiền không rõ nguyên nhân dẫn đến không có kinh phí trả tiền điện tháng 9.

Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Quang Thành-Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh-nêu rõ: Công ty cổ phần Cấp nước Chư Sê có số tiền nợ thuế quá 90 ngày thuộc trường hợp cưỡng chế nợ thuế theo quy định. Cơ quan thuế đã áp dụng biện pháp cưỡng chế nợ thuế thông qua việc yêu cầu phía ngân hàng phong tỏa và trích tiền từ tài khoản của doanh nghiệp để thu tiền nợ thuế nộp vào ngân sách nhà nước.

Ông Lê Vinh Thịnh-Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước Chư Sê nêu kiến nghị về một số khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp cần được các sở, ngành và đơn vị của tỉnh hỗ trợ tháo gỡ. Ảnh: M.N

Theo Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh: Thời điểm này, Công ty nợ tiền thuế hơn 80 triệu đồng nhưng số tiền trong tài khoản chỉ có hơn 45 triệu đồng. Trước đó, Cục Thuế đã gửi thông báo nợ thuế, đồng thời đôn đốc qua điện thoại, email nhưng doanh nghiệp chưa thực hiện nghĩa vụ nộp thuế. “Chúng tôi đã mời doanh nghiệp lên làm việc, giải thích rõ trường hợp cơ quan thuế đang thực hiện các biện pháp cưỡng chế nợ thuế. Đến thời điểm này, Công ty vẫn còn nợ thuế 105 triệu đồng, trong đó có 52 triệu đồng sắp tới thời điểm 90 ngày phải cưỡng chế theo quy định”-ông Thành nhấn mạnh.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn

Tại cuộc họp, ông Võ Ngọc Quý-Phó Giám đốc Điện lực Gia Lai-cho biết: Hiện tại, Công ty cổ phần Cấp nước Chư Sê nợ 2 kỳ hóa đơn tiền điện chưa thanh toán của tháng 9 và tháng 10-2023 là hơn 82 triệu đồng. Theo quy định, Điện lực Chư Prông (đơn vị cung cấp điện) tiến hành cắt điện, nhưng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp nên đã nhiều lần gia hạn thời gian thanh toán.

Ông Quý đề nghị Công ty thanh toán số tiền điện nợ quá hạn, tối thiểu là của tháng 9 và tiếp tục thanh toán tiền điện nợ quá hạn tháng 10. Đối với kiến nghị xem xét giảm giá điện, Công ty Điện lực Gia Lai không có thẩm quyền giải quyết mà chỉ thực hiện theo quy định của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Công thương.

Trong khi đó, đại diện Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Gia Lai thì thông tin: Từ tháng 7-2022, đơn vị đã khởi kiện Công ty cổ phần Cấp nước Chư Sê ra Tòa án nhân dân huyện yêu cầu trả khoản nợ quá hạn hơn 527 triệu đồng. Tòa án cũng đã có quyết định thi hành án. Đến nay, Công ty vẫn chưa thanh toán.

Nhà máy của Công ty cổ phần cấp nước Chư Sê hoạt động từ năm 2018, vốn đầu tư khoảng 200 tỷ đồng, dự kiến ban đầu có 8.000 hộ dân sử dụng nhưng hiện nay tỷ lệ này rất thấp. Ảnh: M.N

Đại diện các xã, thị trấn trên địa bàn huyện cũng nêu rõ nguyên nhân tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch thấp một phần là do Công ty đầu tư nhưng không có trách nhiệm với người dân; chưa có chiến lược phát triển kinh doanh phù hợp. Đối với việc sửa chữa ống nước hư hỏng gây thất thoát nước, Công ty không cử người xuống vận hành, quản lý sửa chữa mà giao hết trách nhiệm cho xã.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế nêu rõ: Để Công ty cổ phần Cấp nước Chư Sê hoạt động hiệu quả, đảm bảo tỷ lệ cung cấp nước sạch cho người dân, UBND huyện Chư Sê cần sớm ban hành giải pháp quản lý chặt chẽ việc khoan nước ngầm tại các khu vực, địa điểm đã được UBND tỉnh quy định; có cơ chế kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp đối phó bằng cách lắp đặt đồng hồ nhưng sử dụng nước không hợp vệ sinh từ các nguồn khác. Về phía Công ty cổ phần Cấp nước Chư Sê cần nghiên cứu, xem xét phương án mở rộng mạng lưới đường ống thứ cấp đến các hộ dân vì người dân đã nghèo, không thể bỏ tiền kéo từ đường ống chính đến nhà, qua đó nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước.

Đối với việc Công ty báo mất tiền trong tài khoản, đại diện Công an huyện khẳng định sự vụ này không có dấu hiệu tội phạm và hướng dẫn khởi kiện Cục Thuế tỉnh ra tòa nếu việc cưỡng chế thuế đối với doanh nghiệp sai quy định. Mặt khác, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các xã, thị trấn kiểm tra hoàn trả số tiền thu hộ tiền nước của dân cho Công ty để doanh nghiệp hoàn trả tiền điện tháng 9.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế cũng đề nghị Công ty Điện lực Gia Lai gia hạn thời gian cắt điện đến hết ngày 13-11, tạo điều kiện cho Công ty thực hiện việc thanh toán và duy trì việc cấp nước cho dân. Trong quá trình vận hành, Công ty Điện lực Gia Lai tiếp tục theo dõi và kịp thời báo cáo UBND tỉnh, tránh trường hợp cúp nước, gây bức xúc cho người dân. “Các hợp đồng giữa Công ty với các đối tác và người dân là hợp đồng dân sự, nếu không làm tròn trách nhiệm thì sẽ bị xử lý theo Bộ luật Dân sự. Nhưng nếu để xảy ra tình trạng người dân vì việc bị ngừng cấp nước gây mất an ninh, trật tự trên địa bàn thì tùy mức độ vi phạm mà những tổ chức, cá nhân gây ra sẽ bị xử lý hình sự”-Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

MINH NGUYỄN

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/xem-xet-thao-go-kho-khan-cho-cong-ty-co-phan-cap-nuoc-chu-se-post255522.html