Xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng nằm im... chờ giấy phép

Thời gian qua, tại các bến cảng, cửa khẩu, nhà máy, nhiều chủ phương tiện gặp khó khi xin cấp giấy phép lưu hành xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng và xe quá khổ chở ô tô dẫn đến ùn tắc hàng hóa.

Hàng nhập về 2 tháng vẫn không thể vận chuyển ra khỏi cảng

Với lượng lớn hàng hóa máy móc, thiết bị chuyên dụng đang mắc kẹt 2 tháng nay tại cảng Hải Phòng, chủ một doanh nghiệp vận tải cho biết nguyên nhân là do không xin được giấy phép lưu hành xe.

Hàng không được chuyển đi, phương tiện cũng phải nằm một chỗ. Chủ doanh nghiệp này cho biết, việc cấp phép đưa về các sở, các khu quản lý đường bộ đã gây khó khăn không nhỏ cho doanh nghiệp.

Bởi theo vị này, xe của doanh nghiệp phải đi qua nhiều đoạn đường, cây cầu mà đơn vị cấp phép không nắm được.

"Ví dụ, Khu Quản lý đường bộ 1, hoặc Khu Quản lý đường bộ 2 không cấp giấy phép sang khu Quản lý đường bộ 3 được. Không có giấy phép, hàng hóa nằm im”, vị này cho hay.

Nhu cầu vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng tại các cảng biển, cửa khẩu, nhà máy rất lớn (ảnh minh họa)

Nhu cầu vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng tại các cảng biển, cửa khẩu, nhà máy rất lớn (ảnh minh họa)

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam thông tin, gần 1 tháng qua hiệp hội đã nhận được nhiều ý kiến của các doanh nghiệp vận tải về vấn đề này.

Một trong những nguyên nhân là Thông tư 46/2015 của Bộ GTVT quy định về lưu hành xe quá tải trọng, quá khổ quá giới hạn có một số điểm không còn phù hợp với thực tế.

Ví dụ như việc Cục Đường bộ Việt Nam dù đã đưa dữ liệu về tình trạng cầu đường lên cổng thông tin điện tử nhưng còn thiếu, đặc biệt là đường địa phương. Hiện, những dữ liệu về đường ở địa phương rất khó tìm thông tin, rất khó khăn cho việc tra cứu.

Đây cũng chính là lý do mà sở GTVT các tỉnh, khu quản lý đường bộ chậm cấp phép cho lưu hành với những xe chở siêu trường, siêu trọng đi qua nhiều địa phương.

Trong khi đó, đội ngũ cán bộ làm công tác cấp giấy phép lưu hành xe bị biến động, một số mới bổ sung luân chuyển chưa được tập huấn nghiệp vụ nên rất lúng túng, chưa đủ tự tin trong quá trình xem xét cấp giấy phép lưu hành.

Sẽ xử nghiêm hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực

Giải đáp về vấn đề này với VietNamNet, ông Lê Hồng Điệp, Trưởng phòng quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, hiện nay, công tác cấp giấy phép lưu hành xe đang được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 46 của Bộ GTVT và một số quy định liên quan.

Thông tư 46/2015 quy định cấp phép lưu hành cho xe đi qua nhiều đơn vị thì vẫn chỉ do một Sở GTVT hay một khu quản lý đường bộ cấp phép để đảm bảo thống nhất, hạn chế nhiều giấy phép cho một chuyến hàng đối với doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Thông tư 46, ông Điệp thừa nhận có một số bất cập. Theo đó có sự phân bố không đồng đều lượng giấy phép được phát đi tại các địa phương. Ví dụ, ở Hải Phòng, chỉ riêng trong quý I, đã có hơn 2.000 giấy phép xin lưu hành cho xe chở hàng siêu trường, siêu trọng trong khi lượng công chức có hạn.

“Ngược với Hải Phòng, nhiều sở gần như không có giấy phép nào được phát ra. Đây là những địa phương không ở đầu mối nguồn hàng. Điều này dẫn đến tình trạng ở một số Sở GTVT nhận được nhiều hồ sơ nhưng thực hiện chưa được kịp thời, gây khó khăn, dẫn đến tình trạng quá tải”, ông Điệp cho biết.

Theo Cục Đường bộ Việt Nam ngay khi nắm được tình hình, Cục đã yêu cầu các đơn vị chức năng tại địa phương tăng cường bố trí cán bộ, công chức giải quyết thủ tục cấp giấy phép lưu hành xe đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và người dân.

Cục sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nếu có. Đơn vị này cũng đề nghị tổ chức, cá nhân phát hiện có nhũng nhiễu, tiêu cực trong việc cấp giấy phép lưu hành xe thì phản ánh về đường dây nóng để được giải quyết kịp thời.

Ngoài ra, theo ông Điệp về lâu dài, Cục sẽ trình Bộ sửa nội dung này cho phù hợp với thực tiễn trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp.

Thử nghiệm cấp giấy phép lưu hành cho xe quá khổ chở ô tô

Đối với xe quá khổ chở hàng hóa là ô tô, hiện chưa được quy định trong Thông tư 46. Theo Cục Đường bộ Việt Nam, nguyên nhân là do ô tô không phải hàng siêu trường siêu trọng và có thể thực hiện vận chuyển bằng các phương tiện khác có kích thước nhỏ hơn (không phải là phương tiện quá khổ giới hạn) và phương thức vận chuyển khác (đường thủy, hàng hải, đường sắt…).

Để đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH, đảm an toàn giao thông, Cục Đường bộ Việt Nam đã báo cáo Bộ GTVT xem xét và kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong việc cấp giấy phép lưu hành cho xe quá khổ chở ô tô trong khoảng thời gian 3 tháng.

Theo đó từ hôm nay 19/4 đến 19/7, sẽ thử nghiệm cấp giấy phép lưu hành cho xe quá khổ chở ô tô với một số điều kiện cụ thể.

N. Huyền

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/xe-van-chuyen-hang-sieu-truong-sieu-trong-nam-im-cho-giay-phep-2134378.html