Xe thô sơ vẫn… lưu thông

Năm 2009, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định 37 về cấm và hạn chế xe thô sơ lưu thông trong khu vực nội đô và trên các tuyến quốc lộ trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh đó, TPHCM cũng có nhiều chính sách hỗ trợ cho người sử dụng loại xe này để chuyển đổi sang ngành nghề khác hoặc đầu tư phương tiện mới, phù hợp với các quy định của pháp luật. Tuy gần 10 năm trôi qua nhưng hiện trên nhiều tuyến đường nội đô của thành phố vẫn có xe thô sơ lưu thông. Tại sao?

Khó xử…

Theo Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (thuộc Công an TPHCM), năm 2016 đơn vị đã xử lý 649 xe thô sơ hoạt động không đúng quy định và không đảm bảo an toàn. Con số này trong 6 tháng đầu năm 2017 là 949 trường hợp. Riêng tại quận Tân Phú, từ năm 2013 đến 2017 đã tịch thu hơn 3.330 phương tiện. Cụ thể, năm 2013 và 2014 tịch thu 2.450 xe, năm 2015 là 570 xe, năm 2016 là 180 xe, 6 tháng đầu năm 2017 là 113 xe. Ở quận Bình Tân, từ năm 2010 đến 2017 cũng tịch thu, tiêu hủy 559 phương tiện.

Ngay thời điểm hiện tại, ghi nhận của phóng viên Báo SGGP cho thấy, xe thô sơ 3 - 4 bánh vẫn xuất hiện trên nhiều tuyến đường nội đô như: Võ Văn Kiệt, Trịnh Hoài Đức, Tháp Mười, Hồng Bàng (quận 5), Nguyễn Văn Luông, Phạm Văn Chí (quận 6), Lê Văn Việt (quận 9), quốc lộ 22, Nguyễn Ảnh Thủ (quận 12), quốc lộ 13 (quận Bình Thạnh và Thủ Đức)… Hầu hết các xe thô sơ 3 - 4 bánh tự chế đều chở hàng hóa cồng kềnh, quá khổ gây nguy hiểm đến người tham gia giao thông. Nguy hiểm hơn nữa, nhiều xe thô sơ còn “chắp vá” để lưu thông tạm thời như cải tạo bình xăng bằng bình nhựa và để lộ ra ngoài, khung xe gỉ sét…

Đi theo một tổ tuần tra thuộc Đội CSGT Chợ Lớn để ghi nhận tình hình xử lý xe 3 - 4 bánh tự chế, chúng tôi nhận thấy quả là khó xử lý hành vi sai trái này. Bởi lẽ nhiều người điều khiển phương tiện khi bị dừng xe để xử lý thường mang sổ hộ nghèo, giấy chứng nhận thương binh, giấy khám bệnh… để xin “bỏ qua”. Thậm chí có người khi “năn nỉ” không thành đã bỏ luôn xe tại chỗ.

Anh Nguyễn Văn Hồng, chủ chiếc xe tự chế, phân trần: “Tôi biết mình sai khi điều khiển phương tiện trong nội đô thành phố nhưng vì cuộc sống mưu sinh phải… chạy liều. Trong khi đó, nhiều người muốn mua hay thuê  xe 3 - 4 bánh tự chế để chở hàng nhằm giảm chi phí. Mỗi lần bị lực lượng CSGT thu giữ phương tiện là coi như chúng tôi phải làm thêm cả tháng để mua lại phương tiện tự chế khác”. Tuy nhiên, anh Nguyễn Văn Hồng cũng khẳng định: “Nếu ngành chức năng đồng loạt xử lý triệt để hành vi này, các cửa hàng kinh doanh như buôn bán vật liệu xây dựng sẽ không gọi xe thô sơ chở hàng nữa thì chúng tôi sẽ tìm cách vay tiền mua phương tiện mới. Thú thật, có phương tiện làm ăn đúng quy định, chúng tôi thấy an tâm hơn trong công việc”.

Cần quản lý chặt

Theo lãnh đạo một đội CSGT, nếu phương tiện 3 - 4 bánh thô sơ tự chế vẫn hoạt động thì phải xem lại trách nhiệm của các địa phương. Lực lượng CSGT khi tuần tra phát hiện xe 3 - 4 bánh tự chế hoạt động sai quy định của Quyết định 37 thì đều xử phạt, tịch thu. Hiện nhiều bãi giữ xe tang vật đã quá tải. Để xử lý triệt để vấn đề này, địa phương khi phát hiện trên địa bàn có người sử dụng xe thô sơ tự chế phải vận động tuyên truyền và hỗ trợ họ chuyển đổi sang phương tiện khác. Hoặc địa phương có thể bàn với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn nhận những người này vào làm việc, giúp họ chuyển đổi ngành nghề thì tình trạng sử dụng xe thô sơ 3 - 4 bánh mới được giải quyết căn cơ.

Theo UBND quận Bình Tân, trong năm đầu chuyển đổi (năm 2009), trên địa bàn quận có khoảng 2.762 phương tiện thô sơ. Đến nay, quận đã hỗ trợ chuyển đổi được 2.442 phương tiện theo yêu cầu của người dân với tổng số tiền 12.538 tỷ đồng. Đồng thời, UBND quận cũng tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm đối với xe 3 - 4 bánh thô sơ vẫn tham gia giao thông. Trong quá trình hỗ trợ, thu hồi và xử lý, quận Bình Tân có gặp một số một số khó khăn như chủ phương tiện không thực hiện giao nộp phương tiện, một số người dân đã tự thay đổi lại phương tiện và đưa về địa phương khác tiếp tục hoạt động. UBND quận Bình Tân kiến nghị TP chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất, lắp ráp các loại xe cơ giới không được phép tham gia giao thông, song song với việc tịch thu các phương tiện thuộc diện đình chỉ tham gia giao thông vẫn đang hoạt động.

Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TPHCM, cũng cho biết, vấn đề này thuộc về trách nhiệm của địa phương; còn lực lượng CSGT chỉ tuần tra, phát hiện và xử lý bằng hình thức tịch thu. Chính quyền địa phương phải xử lý các cơ sở sản xuất phương tiện thô sơ trên địa bàn quản lý.

THANH HẢI

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/xe-tho-so-van-luu-thong-460232.html