Xe tăng, xe chiến đấu bộ binh phương Tây 'vất vả' ra sao ở Ukraine?

Xe chiến đấu bộ binh Bradley M2A1 à xe tăng Leopard 2 chiến đấu trong một 'lò mổ' bọc thép đẫm máu và vũ khí Nga đã 'hạ thấp uy tín' những phương tiện chiến đấu phương Tây này.

Gần đây, một trận đánh sử dụng xe bọc thép diễn ra trên chiến trường Ukraine và trở thành một vụ “thảm sát” bọc thép thực sự. Trong trận đánh ác liệt tại làng Rabotino, xe chiến đấu bộ binh Bradley M2A2 và xe tăng Leopard 2 của quân đội Ukraine, đã bị quân Nga đánh trực diện; xác xe nằm ngổn ngang trên chiến trường.

Ukraine đã nhận một số lượng lớn thỏa thuận viện trợ quân sự từ Đức, cung cấp các trang thiết bị hiện đại như xe tăng Leopard 2 và pháo phòng không tự hành Gepard. Tuy nhiên, những vũ khí này của Đức đã không phát huy được tính năng kỹ chiến thuật trong chiến đấu thực tế, mà thay vào đó lại trở thành “thành tích” của quân đội Nga.

Nhiều xe tăng dòng Leopard của Đức, đặc biệt là xe tăng Leopard 2, đã bị quân đội Nga tiêu diệt nhanh chóng, xác xe cháy bao phủ chiến trường, tạo nên khung cảnh bi thảm.

Trong trận đánh ngày 27/11, quân đội Nga đã giành được thắng lợi vang dội với thiệt hại rất thấp, khi phía Ukraine mất ít nhất 26 xe tăng và xe bọc thép có nguồn gốc NATO, trong đó có xe chiến đấu bộ binh Bradley M2A2, xe bọc thép M113 của Mỹ, xe tăng Leopard của Đức, xe bọc thép BTR-4 và xe chiến đấu bộ binh BMP-1.

Ngược lại, quân đội Nga chỉ thiệt hại 3 xe tăng T-72 và xe chiến đấu bộ binh BMP-1, nhưng đã tiêu diệt thành công lực lượng lớn thiết giáp của quân đội Ukraine.

Điều đáng chú ý là trong trận đánh này, quân đội Nga đã lần đầu tiên tiêu diệt thành công xe tăng Leopard 1A5 của Ukraine, thể hiện năng lực chiến đấu hiệu quả của quân đội Nga trên chiến trường cả về vũ khí và chiến thuật.

Quân đội Ukraina từng kỳ vọng vào những vũ khí hiện đại do phương Tây cung cấp, sẽ mang lại chiến thắng cho họ. Tuy nhiên hiệu suất của các xe tăng dòng Leopard của Đức không được như kỳ vọng.

Xe tăng Leopard 2 bị hạ gục mỗi khi tham chiến; còn xe tăng Leopard 1A5 còn tệ hơn nữa, bị quân đội Nga tiêu diệt ngay trong lần xuất quân đầu tiên, khiến quân đội Ukraine rơi vào thế lúng túng trong sử dụng lực lượng thiết giáp.

Tuy nhiên xe tăng T-62M được quân đội Nga đưa vào chiến trường đã thể hiện những cải tiến và khả năng hỏa lực vượt trội. Xe tăng T-62M cải tiến được trang bị hệ thống quan sát hiện đại và sử dụng thành công đạn pháo 152mm, gây ra mối đe dọa rất lớn cho các mục tiêu của Ukraine.

Trong cuộc xung đột Nga-Ukraine, Đức phải chịu sự tính toán của đồng minh, khi Mỹ tuyên bố sẽ thu lại 7 xe tăng M1A1 đã bàn giao cho Ukraine. Trong khi thuyết phục Đức đồng ý cung cấp thêm 28 xe tăng Leopard 2 cho Ukraine.

Quyết định này khiến xe tăng Leopard 2 của Đức tiếp tục bị đẩy ra tiền tuyến trên chiến trường Ukraine. Đối với Đức, đây là một đòn giáng mạnh vào uy tín vũ khí Đức, khi những hình ảnh về sự phá hủy của các phương tiện bọc thép, khiến xuất khẩu vũ khí của Đức gặp khó khăn lớn.

Đánh giá chung, cuộc xung đột Nga-Ukraine không chỉ gây tổn thất nghiêm trọng cho quân đội Ukraine, mà còn bộc lộ những hạn chế về trang bị của phương Tây. Xe tăng dòng Leopard của Đức đã không thể hiện được hiệu quả chiến đấu xứng đáng trong thực chiến, đây là một bài học đau đớn cho Đức và toàn bộ các nước phương Tây.

Theo trang web News9live của Ấn Độ, để cứu lấy danh tiếng xe tăng M1 Abrams hùng mạnh, Mỹ đã yêu cầu Ukraine trả lại lô xe đã viện trợ này. Lời đề nghị trên được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đưa ra với Tổng thống Ukraine Zelensky trong chuyến thăm của ông tới Kiev hôm 20/11.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nêu phương án cung cấp 28 xe tăng Leopard của Đức, để đổi lấy 7 xe tăng Abrams, tức tỉ lệ 4:1. Tuy nhiên những thông tin này chưa được kiểm chứng và cả Ukraine và Mỹ chưa bình luận về thông tin trên.

Sau chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, quân đội Ukraine đã công bố đoạn video cho thấy một số xe tăng Abrams được Mỹ viện trợ, nhưng đã không được sử dụng trong chiến đấu. Giới quan sát cho rằng, Tổng thống Zelensky không ủng hộ việc trả lại xe tăng Mỹ, vì nếu xe tăng này của Mỹ bị hỏng, Mỹ có thể bị áp lực phải cung cấp thêm vũ khí.

Còn nhà sản xuất xe tăng M1A1 Abrams là General Dynamics cho rằng, trong tình hình chiến trường Ukraine hiện nay, quân đội Ukraine sẽ không thể sử dụng hiệu quả số xe tăng M1A1 trong chiến đấu; bởi họ lo sợ số phận của xe tăng Mỹ, có thể giống như đã từng xảy ra với xe tăng Đức khi tham chiến.

Việc truyền thống Nga công bố các video, ghi lại hình ảnh xe tăng Leopard bị vũ khí Nga bắn cháy, đã gây thiệt hại nghiêm trọng về danh tiếng về vũ khí Đức, cũng như số phận của những chiếc xe tăng này trên khắp thế giới.

Một số chuyên gia quân sự còn cho rằng, xe tăng Mỹ có thể hoạt động không tốt trong điều kiện lạnh giá và việc sử dụng chúng khi tuyết rơi dày cũng sẽ gây nguy hiểm; vì những chiếc xe tăng này không được thiết kế để chiến đấu trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt của Nga và Ukraine.

Ngoài ra, có nguy cơ xe tăng Mỹ có thể bị Nga bắt giữ, giống như chiếc xe chiến đấu bộ binh Bradley M2A2 ở mặt trận Avdiivka vừa qua, tạo điều kiện cho người Nga tiếp cận với công nghệ hiện đại của vũ khí Mỹ; đây là điều Mỹ không mong muốn nhất.

Tiến Minh (theo News9live, Sohu)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/xe-tang-xe-chien-dau-bo-binh-phuong-tay-vat-va-ra-sao-o-ukraine-1929959.html